MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đâu sẽ là khu vực sôi động nhất của thị trường bất động sản TPHCM 6 tháng cuối năm?

23-07-2020 - 15:57 PM | Bất động sản

Trong báo cáo thị trường BĐS TPHCM 6 tháng đầu năm 2020, Savills Việt Nam cho biết cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư và khả năng kết nối liên tục được cải thiện đã thúc đẩy nhu cầu nhà ở tại các quận phía đông.

Theo báo cáo của Savills Việt Nam, những tháng đầu năm 2020, dù thị trường chung có dấu hiệu chậm lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng giá bất động sản vẫn tăng, khu vực quận 2 và quận 9 vẫn là tâm điểm của nhà đầu tư do cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư và khả năng kết nối liên tục được cải thiện.

Ở phân khúc chung cư, trong nửa cuối 2020, Savills cho biết có hơn 31.700 căn dự kiến mở bán. Do chậm trễ phê duyệt giấy phép xây dựng, phần lớn nguồn cung tương lai đến từ các giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu ở khu Đông. Quận 2 và Quận 9 tiếp tục dẫn dắt nguồn cung, chiếm hơn 53% thị phần.

6 tháng cuối năm, những dự án căn hộ ra hứa hẹn làm sôi động lại thị trường khu Đông có thể kể đến như The River Thủ Thiêm quỹ hàng 300 căn; The Metropole giai đoạn 2 có quỹ hàng 290 căn; Vinhomes Grand Park tại quận 9 vừa mới tung ra phân khu mới quỹ hàng 6.000 căn.

Đối với phân khúc biệt thự, liền kề Savills cho biết nửa cuối năm 2020 kỳ vọng sẽ sôi động hơn với hơn 3.600 sản phẩm từ các dự án mới và giai đoạn tiếp theo của dự án hiện tại. Đến 2022, phân khúc bất động sản liền thổ sẽ chào đón 12.800 căn/nền. 

Một trong những dự án có tốc độ giao dịch khá tôt trong quý 2/2020 có thể kể đến như PhoDong Village (Cát Lái, quận 2). Với lợi thế là khu đô thị kiểu mẫu đã hiện hữu, khi tiếp tục ra mắt nhà phố thương mại và biệt thự phố vườn, PhoDong Village ngay lập tức ghi nhận nhiều giao dịch thành công. Được biết, các sản phẩm đợt này có giá bán chỉ từ 8,6 tỷ đồng/căn, thanh toán kéo dài 16 tháng và được ngân hàng hỗ trợ tài chính.

"Các quận phía Đông được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn đầu với hơn 50% nguồn cung tương lai. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp sẽ là động lực thu hút vốn đầu tư vào các đô thị vệ tinh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An để phát triển các dự án quy mô lớn với đa dạng sản phẩm ở mức giá cạnh tranh hơn", báo cáo của Savills khẳng định.

Theo phân tích của giới chuyên môn, khu Đông TP.HCM hiện đang dẫn đầu về các công trình giao thông trọng điểm khi 70% vốn đầu tư phát triển hạ tầng của TP.HCM đều được tập trung vào khu vực này.

Có thể kể đến hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đã và đang được triển khai tại khu Đông như dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đại lộ Mai Chí Thọ, cầu qua đảo Kim Cương, hầm vượt 3 tầng Mỹ Thuỷ, dự án 4 cầu quanh Thủ Thiêm và mới đây nhất là dự án cầu Cát Lái nối quận 2 với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Chưa kể, UBND TP.HCM đang đẩy mạnh tiến độ triển khai tuyến đường Vành đai 2, hiện đang trong quá trình xây dựng khép kín đoạn từ ngã tư Bình Thái đến Phạm Văn Đồng. Như vậy, việc kết nối giao thông của các dự án dọc tuyến Phạm Văn Đồng vào đô thị Thủ Thiêm hay trung tâm thành phố sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Mới đây nhất, TP.HCM cũng đang lên phương án quy hoạch khu đô thị sáng tạo thuộc các quận như quận 2, quận 9 và Thủ Đức (khu Đông) để thành lập "thành phố thuộc TP.HCM", với mục tiêu khu đô thị sáng tạo sẽ trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế thành phố. Đề án này cũng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và sẽ xin ý kiến của Bộ Chính trị khi đưa ra kết luận cuối cùng.

Nhận định về BĐS khu Đông, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng theo quy hoạch phát triển giao thông đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, xa lộ Hà Nội là trục giao thông huyết mạch ở cửa ngõ phía Đông Bắc của Thành phố, nối liền TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc. Hiện nay, một cực phát triển khác giúp kết nối với Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu theo hướng cầu Cát Lái cũng đang mở ra nhiều cơ hội cho thị trường trong thời gian tới.

Theo đó, song song với việc hợp tác cùng tỉnh Đồng Nai để sớm triển khai thi công dự án cầu Cát Lái nối Quận 2 của TP.HCM và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), thì thành phố còn xúc tiến một loạt dự án xây dựng các tuyến đường kết nối xung quanh cầu này. Chẳng hạn như TP.HCM đã đưa vào kế hoạch đầu tư nâng cấp - mở rộng tuyến đường Đồng Văn Cống, đoạn từ giao lộ Mai Chí Thọ đến phà Cát Lái; dự án mở rộng tuyến đường đi xuyên cảng Cát Lái kết nối với Quận 9; dự án xây dựng nút giao thông Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống...

Cũng theo ông Châu, nơi nào có hạ tầng phát triển mạnh mẽ cũng sẽ kéo theo sự bứt phá của giá trị thị trường bất động sản. Đơn cử như Cát Lái, nhờ sức bật của loạt công trình trọng điểm đã và đang được triển khai như nút giao thông Mỹ Thủy, cầu Cát Lái,... thị trường nơi đây đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư và có lượng giao dịch rất khả quan. 

"Những gì đang diễn ra cho thấy một viễn cảnh phát triển mạnh mẽ của khu Đông, trong đó yếu tố cửa ngõ, kết nối liên vùng đã tạo cho khu vực này một vị thế đặc biệt", ông Châu nói và cho rằng, nếu Thành phố phía Đông được thành lập, nhu cầu về nhà ở khu Đông sẽ còn tăng mạnh, nhu cầu cho thuê cũng sẽ tăng đột biến do quy tụ lượng chuyên gia lớn.

Tuấn Minh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên