MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đâu sẽ là tương lai của ngành ngân hàng sau đại dịch?

14-06-2020 - 11:55 AM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều nhà băng xác định chiến lược đổi mới công nghệ là chiến lược quan trọng hàng đầu.

Trong một vài năm trở lại đây, rất nhiều ngân hàng trên toàn cầu gặp khó khăn trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh khi lãi suất ở mức thấp và các sản phẩm tài chính cơ bản đã trở nên rất thông dụng. Điều này vô hình chung giúp định hình lại xu hướng phát triển của ngành ngân hàng, với nhiều nhà băng xác định chiến lược đổi mới công nghệ là chiến lược quan trọng hàng đầu.

Theo Forbes, doanh nghiệp đi đầu trong chiến lược này chính là Citigroup. Các dự án tham vọng nhất của Citigroup trong năm 2020 với các khoản vay trị giá 2,2 nghìn tỷ USD đều liên quan đến các đối tác lớn là các công ty công nghệ nổi tiếng với nền tảng internet, truyền thông xã hội và thương mại điện tử.

Tại Trung Quốc, gần 70% các khoản thanh toán mà Citigroup xử lý cho khách hàng được thực hiện thông qua AliPay. Các công nghệ thanh toán kỹ thuật số của Citigroup cũng có mặt trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến khác như LINE và WeChat. 

Mới đây nhất, ngân hàng này đã chính thức hợp tác với fintech Paytm ở Ấn Độ  và Singapore về thẻ tín dụng, với việc sử dụng chatbot trên Facebook Messenger để trả lời các câu hỏi về dịch vụ khách hàng. Trước đó, vào tháng 11 năm ngoái, Citigroup cũng đã gây được tiếng vang lớn tại Mỹ khi kết hợp với GooglePay ra mắt tài khoản thanh toán kỹ thuật số.

Một ngân hàng khác là ING Bank có trụ sở tại Amsterdam, được biết đến như một ngân hàng vận hành hoàn toàn dựa trên trình duyệt web tại các thị trường như Úc, Đức và Tây Ban Nha, hiện xử lý khoảng 4,5 tỷ giao dịch kỹ thuật số mỗi năm và cũng đang nỗ lực để làm cho dịch vụ kỹ thuật số thông dụng trên toàn thế giới. 

Trên thực tế, khách hàng ngày càng có nhu cầu cao hơn trong việc thực hiện các hoạt động tài chính một cách an toàn và dễ dàng trên điện thoại di động và máy tính của họ. Đặc biệt, nhu cầu này càng tăng cao khi đại dịch Covid-19 bùng phát, khiến nhiều nước trên thế giới phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Không thể đến các chi nhánh ngân hàng, khách hàng đã chuyển sang các ứng dụng di động và dịch vụ trực tuyến để thực hiện giao dịch. 

Cụ thể, tại Mỹ, Citigroup cho biết số tiền gửi thanh toán hàng ngày thông qua ứng dụng di động đã tăng 84% trong tháng 5 và tăng gấp 10 lần trên Apple Pay trong thời gian cách ly. 

Các ngân hàng tại Mexico cũng đã chứng kiến ​​sự gia tăng 80% trong hoạt động đăng nhập ứng dụng di động vào tháng 3. Việc tải xuống của ứng dụng di động đã tăng 116% từ tháng 2 đến tháng 4, trong khi thanh toán hóa đơn kỹ thuật số tăng 78%.

"Ngành ngân hàng đã thay đổi hoàn toàn bởi đại dịch. Xu hướng kỹ thuật số đã phát triển nhanh chóng", Jane Fraser, chủ tịch của Citigroup nhận định. Cũng theo Fraser, mô hình hoạt động trong tương lai sẽ tập trung vào khả năng kỹ thuật số liền mạch và mạng lưới đối tác giúp ngân hàng mở rộng phạm vi tiếp cận tới hàng trăm triệu khách hàng.

Cách tiếp cận theo xu hướng kỹ thuật số của Citigroup được bước đầu cho thấy hiệu quả với vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng các ngân hàng tốt nhất thế giới của Forbes, chủ yếu dựa trên các khảo sát về sự hài lòng của khách hàng.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của hàng loạt các công ty cho vay trực tuyến cũng đã tạo ra áp lực lớn đối với các ngân hàng và khiến việc cung cấp dịch vụ ngân hàng di động trở thành "vấn đề sống còn". 

Trong số đó, Nubank - unicorn (startup giá trị hơn một tỷ USD) trong lĩnh vực fintech ở Brazil được Forbes đánh giá là có sự tăng trưởng đáng kinh ngạc so với nhóm các ngân hàng truyền thống tại khu vực Nam Mỹ. Năm 2019, lượng người dùng của Nubank tăng vọt từ 6 triệu lên 20 triệu và định giá công ty hiện ở mức 10 tỷ USD.

Điều ngạc nhiên hơn là kể từ khi đại dịch bùng phát, Nubank đã ghi nhận ​​sự gia tăng của các khách hàng từ 60 tuổi trở lên - đối tượng khách hàng mà nhiều chủ ngân hàng từng cho rằng sẽ không bao giờ rời khỏi các chi nhánh truyền thống. Chẳng hạn, trong 30 ngày qua, khoảng 300 khách hàng trên 90 tuổi đã trở thành khách hàng của Nubank.

"Bạn không cần hàng tỷ USD để xây dựng các chi nhánh ngân hàng và bạn cũng không cần phải bỏ ra hàng trăm triệu USD để mua hệ thống máy tính lớn từ IBM. Bạn có thể chỉ cần sử dụng mạng internet để có được khách hàng, điều này cho phép một mô hình kinh doanh có chi phí thấp hơn và trải nghiệm người dùng tốt hơn", người sáng lập và CEO của Nubank - David Velez cho biết.

Tham khảo: Forbes

Thái Bích Phương

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên