Dầu thô và khí đốt khan hiếm, châu Âu đang đổ xô đến khu vực này để săn lùng loại nhiên liệu 'bẩn' nhất thế giới
Các mỏ than và cảng tại châu Phi đang nhộn nhịp hơn bao giờ hết khi người mua từ châu Âu đang đến đây để lùng sục mua loại nhiên liệu này, đồng thời sẵn sàng trả giá cao so với người mua từ những khu vực khác. Xuất khẩu than của các quốc gia này cũng đang mang lại nguồn lợi nhuận khủng và dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
- 03-10-2022Có thể bơm 2 triệu thùng/ngày với độ ô nhiễm thấp nhất, khu vực này sẽ là lời giải cho bài toán dầu thô thế giới?
- 03-10-2022Phòng tránh hành vi gian lận nhập khẩu xe ô tô dưới dạng quà biếu, tặng
- 02-10-2022Đối phó giá khí đốt tăng cao, người dân Hà Lan ồ ạt mua than củi tích trữ
Nhu cầu bùng nổ
Từ cuối năm ngoái đổ về trước, cảng Mtwara của Tanzania được biết đến là nơi chủ yếu kinh doanh hạt điều. Tuy nhiên kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra, nơi đây đang nhộn nhịp hơn bao giờ hết với những tàu chở đầy than đá, thúc đẩy một cuộc chạy đua trên toàn thế giới về nhiên liệu “bẩn” nhất thế giới này.
Tanzania theo truyền thống chỉ xuất khẩu than nhiệt cho các nước láng giềng ở Đông Phi, việc gửi những tàu hàng đến những nơi xa xôi hơn là điều chưa từng xảy ra, tuy nhiên cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã thay đổi tất cả.
Giá than nhiệt, được sử dụng để sản xuất điện, đã tăng vọt lên mức kỷ lục khiến nhiều nước châu Âu mất khả năng tiếp cận nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên và than quan trọng từ nhà cung cấp hàng đầu là Nga.
Người mua ở châu Âu đang cạnh tranh bằng cách sẵn sàng chi trả nhiều tiền để mua than từ các mỏ xa xôi như Tanzania, Botswana và thậm chí là Madagascar. Nhu cầu than đang trỗi dậy, do các Chính phủ đang cố gắng cắt giảm năng lượng của Nga trong khi vẫn giữ giá điện cho ngươi dân.
Ông Rizwan Ahmed, Giám đốc điều hành của công ty khai thác than Bluesky Minings ở Dar es Salaam, Tanzania cho biết: “Những người mua đến từ châu Âu đang đến bất kì nơi nào có than và đề nghị trả giá rất cao.”
Ông Jan Dieleman, Chủ tịch bộ phận vận tải đường biển của Cargill cho biết, thương nhân hàng hóa Cargill đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong các chuyến hàng than vào châu Âu trong những tháng gần đây, công ty đã vận chuyển 9 triệu tấn than trên toàn cầu trong giai đoạn tháng 6 - 8 so với 7 triệu tấn hàng năm.
Nhập khẩu than của toàn cầu đạt mức cao kỉ lục trong T7/2022. Đồ họa: Reuters
Ông Dieleman cũng cho biết: “Châu Âu đang phải cạnh tranh với những người mua khác, chúng ta sẽ thấy dòng chảy rất mạnh vào Châu Âu từ Colombia, Nam Phi và thậm chí xa hơn."
Mặc dù cơ hội có thể chỉ diễn ra chớp nhoáng, tuy nhiên một vài quốc gia cho rằng lợi nhuận thu được là một cơ hội khó có thể bỏ lỡ.
Than nhiệt vật lý giao tháng trước tại cảng Newcastle của Úc đã được giao dịch ở mức 429 USD/tấn vào ngày 16 tháng 9, ngay dưới mức cao nhất mọi thời đại là 483,50 USD/tấn trong tháng 3 và tăng từ mức 176 USD/tấn vào thời điểm này năm trước.
Cảng Mtwara đã chứng kiến 13 tàu chở than kể từ tháng 11 năm ngoái khi hãng này đưa ra chuyến than đầu tiên. Theo một quan chức cảng, một tàu sân chở hàng lớn với sức tải 34.529 tấn đã cập cảng vào tuần trước, chất hàng và lên đường đi đến Pháp.
Theo phân tích từ nền tảng dữ liệu hàng hải và hàng hóa Shipfix kể từ cuối tháng 6, đã có 57 đơn đặt hàng để vận chuyển than Tanzania so với chỉ 2 đơn hàng trong cùng kỳ năm ngoái.
Một phân tích từ nhà môi giới tàu biển Braemar cho thấy, nhập khẩu than nhiệt đường biển toàn cầu đạt 97,8 triệu tấn trong tháng 7, mức kỉ lục và tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Khối lượng giảm xuống 89 triệu tấn trong tháng 8, phần lớn do gián đoạn xuất khẩu từ nhà sản xuất lớn Australia, tuy nhiên đây vẫn là một con số kỉ lục so với cùng kì hàng năm.
Cơ hội làm giàu cuối cùng từ than?
Tanzania dự kiến xuất khẩu than sẽ tăng gấp đôi trong năm nay lên khoảng 696.773 tấn, Ủy ban Khai thác của nước này cho biết, trong khi sản lượng dự kiến sẽ tăng 50% lên khoảng 1.364.707 tấn.
Theo ông Yahya Semamba, quyền thư ký điều hành của Ủy ban khai thác mỏ, Chính phủ đang xem xét xây dựng một tuyến đường sắt nối vùng Ruvuma sản xuất than với Mtwara để việc khai thác và xuất khẩu diễn ra thuận lợi.
Công ty khai thác Ruvuma Coal có trụ sở tại Tanzania đã xuất khẩu ít nhất 400.000 tấn than thông qua một thương nhân sang các nước bao gồm Hà Lan, Pháp và Ấn Độ kể từ tháng 11 năm ngoái, theo dữ liệu thương mại được Reuters xem xét.
Các công ty khai thác than đang tận hưởng mức lợi nhuận chưa từng có, tuy nhiên nhiều người lo ngại rằng đây sẽ là lần cuối cùng ngành này vươn lên mạnh mẽ bởi đối mặt với áp lực cắt giảm sản lượng và các vấn đề về môi trường.
Ông Rob West, nhà phân tích tại Công ty tư vấn Thunder Said Energy, cho biết với giá than 75 USD/tấn vào cuối năm 2020, một mỏ than có thể kiếm được lợi nhuận 15 USD/tấn. Nhưng khi giá đạt 400 USD/tấn, tỷ suất lợi nhuận tăng lên 235 USD/tấn.
Thực tế, các thương nhân ở châu Âu sẵn sàng trả gấp đôi giá mà người mua châu Á báo giá. Giám đốc điều hành mỏ Bluesky's Ahmed, người cho biết công ty của ông hiện không xuất khẩu qua Mtwara, tuy nhiên khi nhận được yêu cầu từ các khách hàng như Đức, Ba Lan và Anh, công ty sẽ lên kế hoạch làm điều này.
Tương tự, Botswana là một nơi không giáp biển, việc bán than trên thị trường đường biển từng là điều không tưởng, với phần lớn xuất khẩu đến các nước láng giềng Nam Phi, Namibia và Zimbabwe. Tuy nhiên ông Morné du Plessis, Giám đốc điều hành của công ty khai thác than Minergy có trụ sở tại Botswana, cho biết: "Với mức giá như hiện tại, chúng tôi sẽ thay đổi.”
Minergy đã xuất khẩu hai chuyến hàng khoảng 30.000 tấn mỗi chuyến từ cảng Walvis Bay của Namibia và gửi hai chuyến tàu chở than từ cảng Maputo của Mozambique.
Đảo quốc Madagascar, quốc gia xuất khẩu vani hàng đầu thế giới, có thể trở thành một thành viên mới khác trên thị trường than toàn cầu. Ông Prince Nyati, Giám đốc điều hành của một trong những công ty phát triển dự án than ở nước này cho biết: “Mức giá hiện tại đang thúc đẩy các công ty khai thác than ở Madagascar bắt đầu xuất khẩu than lần đầu tiên trong lịch sử của đất nước”.
Tuy nhiên, những người mới tham gia vào thị trường này sẽ phải sẵn sàng rút lui hoặc thậm chí ngừng sản xuất nếu điều kiện thị trường trở nên bất lợi, Nyati nói thêm.
Theo Reuters
Nhịp sống thị trường