MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Đấu trường đẫm máu" Amazon: Nơi bạn sẽ bị đuổi việc khi chăm bố mẹ ốm, con nhỏ hay bản thân lâm trọng bệnh, ai cũng trực chờ "triệt hạ" đồng nghiệp

13-12-2017 - 19:04 PM | Tài chính quốc tế

Tại Amazon, nhân viên được khuyến khích thẳng tay xé bỏ ý tưởng của đồng nghiệp, không cần tôn trọng “giờ hành chính” (email luôn được gửi vào nửa đêm và sau đó là hàng loạt tin nhắn hỏi xem tại sao vẫn chưa trả lời). Amazon còn sở hữu một hệ thống “mách lẻo” để các nhân viên có thể gửi lời phàn nàn trực tiếp đến sếp của những kẻ “khó ưa”.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu series "Văn hóa công ty". Series là tập hợp những câu chuyện, bài học và chia sẻ của các doanh nhân về văn hóa công ty của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Từ ngày đầu nhận việc, các “ma mới” liền được cảnh báo rằng không nên tiếp tục những “thói quen xấu” từ các công việc trước đây. Khi đón nhận thử thách, nhân viên Amazon chỉ có một lựa chọn là vượt qua nó, họ phải tự mình trở thành một nhân viên hiệu quả nhất có thể.

“Amazon là tập đoàn với mục tiêu làm chấn động cả thế giới, và đó không phải là việc dễ,” theo Susan Harker, nhân viên tuyển dụng tại Amazon. “Khi bạn muốn thay đổi cả thế giới, việc làm hàng ngày luôn phải đối mặt thách thức. Môi trường Amazon không dành cho mọi người.”

Bo Olson là một trong những số phận “không hợp” đó. Anh chỉ gắng gượng được gần 2 năm tại vị trí Marketing mảng sách khi ngày ngày phải đối mặt với những đồng nghiệp gục khóc trên bàn làm việc. “Hầu như đồng nghiệp nào của tôi cũng từng khóc như vậy”, Bo chia sẻ.

Hàng chục triệu người dân Mỹ biết đến Amazon, nhưng chẳng mấy ai thấu hiểu được môi trường làm việc cực kỳ “khắc nghiệt” ở trong đó. Mọi thứ luôn được giữ bí mật, kể cả lao động phổ thông cũng bị buộc phải ký một biên bản cam kết giữ bí mật dài ngoằng. Có lẽ để hình ảnh Amazon không bị méo mó đi trước các thượng đế ngoài kia.

Jeff Bezos - nhà quản lý dữ liệu

Khi chỉ mới 10 tuổi, để thuyết phục bà của mình ngừng hút thuốc, Jeff Bezos không hề năn nỉ mà thay vào đó, chàng trai nhỏ tuổi kia tính toán và nói thẳng với bà của mình: “Bà đã đánh mất 9 năm cuộc đời vì thuốc lá!”. Câu nói đã khiến người bà bật khóc.

Vài chục năm sau, vào đầu những năm 90s, Jeff Bezos tham gia D. E. Shaw, một công ty tài chính làm “rúng động” cả phố Wall vào thời bấy giờ khi áp dụng thuật toán để chơi cổ phiếu.

Và khi đã trở thành CEO của Amazon, Jeff Bezos luôn “cảnh báo” những ứng viên rằng “Làm việc tại Amazon không có dễ”, vì chính tay ông đã xây dựng lên một đế chế thương mại và công nghệ khổng lồ, sử dụng dữ liệu không chỉ để cung cấp và thúc đẩy hành vi mua sắm của người dùng, mà còn để tính toán và đẩy mạnh tinh thần làm việc của nội bộ nhân viên Amazon, bắt mọi người phải vượt xa giới hạn của bản thân mình.

Trở thành một “Người máy Amazon”

Tại kho hàng của Amazon, nhân viên kho luôn được theo dõi 24/7 bằng những công nghệ hiện đại nhất để đảm bảo hiệu quả làm việc. Và tại văn phòng, Amazon kết hợp giữa một hệ thống các nhà quản lý cấp trung, công cụ phân tích dữ liệu và cả ứng dụng tâm lý học để thúc đẩy hàng chục ngàn nhân viên bàn giấy của mình. “Amazon luôn chạy một thuật toán để đánh giá hiệu quả làm việc của nhân viên quanh năm”, theo Amy Michaels, nhân viên marketing của Kindle.

Ngoài ra thì nhân viên Amazon còn phải chịu trách nhiệm với hàng loạt chỉ số hiệu quả hoạt động của công ty, điều này dẫn đến nỗi ám ảnh mỗi khi có cuộc họp diễn ra. Một hoặc hai ngày trước cuộc họp, nhân viên được nhận một xấp tài liệu về nội dung buổi họp sắp tới, một nhân viên phòng kế hoạch đã trả lời phỏng vấn rằng xấp tài liệu này có thể dày đến 50 – 60 trang. Và vào buổi họp, nhân viên luôn bị gọi bất chợt để trả lời câu hỏi về các thông tin trong tập tài liệu kia.

Những câu trả lời như “Tôi không chắc lắm” hay “Tôi sẽ kiểm tra ngay” hoàn toàn không được chấp nhận. Các nhà quản lý sẽ ngay lập tức khuyên nhân viên đó nên cẩn thận và có thể xem xét “ngừng làm việc” ngay lập tức.

Văn phòng Amazon - Một đấu trường đẫm máu

Vào năm 2013, Elizabeth Willet, một cựu sĩ quan Mỹ từng hoạt động tại Iraq gia nhập Amazon với vai trò quản lý hàng tồn kho. Sau khi sinh con, Elizabeth đã trao đổi với quản lý trực tiếp của mình và được chấp thuận thay đổi giờ làm việc thành 7h sáng đến 4:30 chiều.

Giờ làm việc mới này cho phép Elizabeth về sớm để đón con của mình, tuy nhiên cô luôn đem theo laptop để làm việc và quay trở lại văn phòng để trả máy cho công ty. Quản lý của Elizabeth đảm bảo với cô rằng thời gian làm việc mới này sẽ không ảnh hưởng gì cả, tuy nhiên các đồng nghiệp của Elizabeth bắt đầu than phiền với cấp quản lý rằng Elizabeth thường xuyên về quá sớm so với quy định.

“Tôi không thể bảo vệ cô được khi chính các đồng nghiệp than phiền về năng suất làm việc của cô”, quản lý của Elizabeth "lật mặt". Không lâu sau đó, Elizabeth phải rời khỏi Amazon.

Elizabeth là một nạn nhân nữa của công cụ Anytime Feedback Tool, ứng dụng được cài vào tất cả máy của nhân viên Amazon để khen hoặc chê những đồng nghiệp trực tiếp với ban quản lý. Bởi vì các thành viên trong một bộ phận luôn được xếp hạng vào mỗi năm, và những người “đội sổ” ngay lập tức bị cho nghỉ việc, nên ngay cả các đồng nghiệp trong một phòng luôn phải đấu đá lẫn nhau để giành thành tích tốt hơn.

Craig Berman, phát ngôn viên của Amazon cho rằng công cụ trên góp phần tiết kiệm thời gian gửi mail hoặc trực tiếp phản ánh lên cấp quản lý, và đa phần các phản hồi đều mang tính tích cực.

Nhưng hàng loạt nhân viên tại Amazon lại không nghĩ vậy, họ gọi đó là một công cụ chính trị đầy mưu mô và đẫm máu. Nhân viên Amazon thừa nhận thường xuyên bắt tay nhau để “dìm” hoặc “tâng bốc” một đối tượng. Và trong nhiều trường hợp, các chỉ trích tập thể này được copy thẳng vào đánh giá hằng năm, gây thiệt hại lớn về phúc lợi cho các nạn nhân.

Khi sức ép cam kết đè nặng lên nhân viên

Molly Jay, một thành viên “khai thiên lập địa” của phòng Kindle với đánh giá rất cao qua nhiều năm. Nhưng khi cô bắt đầu không làm việc vào các buổi tối và cuối tuần để chăm sóc người cha bị ung thư của mình, “điểm số” của Molly bắt đầu giảm sút.

Molly nhận ra điều đó và mong muốn được chuyển xuống một vị trí thấp hơn để tiếp tục lo cho gia đình, nhưng quản lý của cô không đồng ý và bảo Molly đang trở thành “một chướng ngại” cho cả phòng. Và khi sức khỏe của bố mình trở nên quá yếu, Molly chấp nhận nghỉ phép không lương để ở nhà với bố và không bao giờ trở lại Amazon nữa.

“Khi bạn không còn cống hiến 100% sức lực nữa, nếu bạn làm dưới 80 tiếng 1 tuần, bạn sẽ trở thành một gánh nặng trong mắt các quản lý.” Molly nói.

Một nhân viên nữ bị ung thư khác còn bị đưa vào danh sách “cần cải thiện hiệu quả làm việc”, đây là danh sách những người có nguy cơ bị sa thải cao nhất tại Amazon, quản lý của cô còn cho biết thêm là những “khó khăn” trong “cuộc sống cá nhân” của cô đang làm ảnh hưởng tới mục tiêu của cả công ty.

Rất nhiều bậc cha mẹ phải nghỉ việc vì áp lực công việc không cho phép họ có thể ở với con cái và gia đình.

Trong các buổi đánh giá, những nhân viên 40 tuổi thường được bảo rằng Amazon hoàn toàn có thể thay thế họ bằng những nhân viên 30 tuổi có thể làm ngoài giờ nhiều hơn, và các nhân viên 30 tuổi thì được bảo rằng họ có thể dễ dàng được thay thế bởi các nhân viên 20 tuổi với khát khao và năng suất làm việc cao hơn.

Một cuộc khảo sát vào năm 2013 bởi trang PayScale cho thấy, thời gian làm việc trung bình tại Amazon chỉ là 1 năm, thấp nhất trong danh sách Fortune 500. Amazon thậm chí chỉ có 15% nhân viên đã làm việc hơn 5 năm tại công ty.

Trong một clip phỏng vấn gần đây, một nhân viên Amazon từng nói: “Bạn chỉ có thể phù hợp hoặc không phù hợp với Amazon. Chỉ có thể mê say đắm hoặc ghét cay ghét đắng Amazon. Không có sự lựa chọn nào khác.”

Theo Lê Thanh Sang

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên