Đầu tư 2000 tỉ, nhà máy ôtô của VEAM dưới thời Trần Ngọc Hà "thảm bại"
Dự án Nhà máy ôtô (VM) của Tổng Công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) dưới thời Tổng Giám đốc Trần Ngọc Hà hoạt động thiếu hiệu quả. Lượng xe tồn kho nhiều năm không bán nổi bởi chất lượng kém và những quyết sách mang tính cá nhân thiếu chính xác của người đứng đầu.
- 18-05-2019Một loạt sai phạm của VEAM dưới thời ông Trần Ngọc Hà
- 18-05-2019Sai phạm tại VEAM: Bộ Công Thương chuyển thêm hồ sơ sang Bộ Công an
- 17-05-2019Bộ Công Thương công bố kết luận thanh tra các sai phạm tại VEAM
Chủ trương của ông Trần Ngọc Hà và thất bại của VM
Báo cáo gửi Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của VEAM về hoạt động của VM cho biết, dưới thời Tổng Giám đốc Trần Ngọc Hà, VM liên tục rơi vào khủng hoảng.
Theo phương thức hợp tác do ông Trần Ngọc Hà chỉ đạo từ thời còn làm Giám đốc Nhà máy ôtô VM đã chủ trương đưa ra thị trường xe thương hiệu VEAM. Thực chất, xe này được tổ hợp từ các cụm linh kiện khác nhau từ nhiều nhà cung cấp, chứ không sử dụng bộ linh kiện đồng bộ. Phương thức này đã dẫn đến VEAM không có đối tác, hợp tác về sản xuất sản phẩm.
Trong khi các nhà sản xuất khác như Thaco, Thành Công, Đô Thành, TMT tiêu thụ với sản lượng lớn hơn nhiều thì sản lượng của VM rất khó tăng trưởng, lượng xe tồn kho lớn, hiệu quả sản xuất kinh doanh rất thấp.
Trong tổng số 2.622 xe thương hiệu VEAM tồn (giá vốn 966,3 tỉ đồng), thì có 2.221 xe tồn từ 2017 trở về trước (878,5 tỉ đồng). Nguy cơ mất vốn lớn đối với số xe tồn không thể tiêu thụ hoặc phải giảm giá bán để tiêu thụ.
Theo chỉ đạo điều hành mới, VM cần tìm đối tác hợp tác sản xuất lâu dài. Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp HĐQT, ông Trần Ngọc Hà đã phản ứng với việc thay đổi trong điều hành, cho rằng đã dẫn đến đình trệ sản xuất, công nhân không có việc làm. Thực tế từ trước đến nay, VM không có đối tác và sản phẩm chủ đạo, phát triển sản phẩm dàn trải, vòng đời sản phẩm ngắn, tồn kho không tiêu thụ được.
"Cách làm này chỉ có thể tồn tại khi Công ty mẹ tạo điều kiện cấp vốn quá dễ dàng. Việc sản xuất trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi phải chấn chỉnh để tránh hậu quả ngày một lớn hơn", báo cáo nêu.
Dòng tiền của VEAM chủ yếu vào VM
Dự án Nhà máy ôtô VM được quyết định đầu tư dưới 600 tỉ đồng, nhưng thực chất đã đầu tư trên 2.000 tỉ đồng. Những năm khó khăn về vốn, thị trường tiền tệ bị thắt chặt thì dòng tiền mặt của công ty mẹ VEAM đã chủ yếu chuyển vào VM. Tổng thu nhập tài chính Công ty mẹ từ 2009 -2013 là 2.985 tỉ đồng, trong đó tiền chuyển cho VM tăng thêm 1.214 tỉ đồng.
Việc tạo điều kiện về vốn của Công ty mẹ đã dẫn đến lượng tồn kho của VM ở mức cao so với doanh thu thực hiện hàng năm. Đỉnh điểm là năm 2011, tỉ lệ hàng tồn kho/ doanh thu là 172%, năm 2017 là 152%.
Trong số 2.950 xe ôtô do VM sản xuất tồn tới 31.12.2018 chỉ có 632 xe được trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho với giá trị trích lập 36,52 tỉ đồng so với giá gốc của các xe này là 289,03 tỉ đồng. Tức là chỉ có 21,4% số xe được trích lập dự phòng và tỉ lệ trích lập chỉ bằng 12,6% giá trị của các xe được trích lập.
Số xe sản xuất từ 2015 về trước có 219 xe, giá trị 127,2 tỉ đồng, nhưng giá trị trích lập chỉ ở mức 17,1%. Những xe này khó tiêu thụ vì lỗi mốt và chất lượng xuống cấp do đã để ngoài trời một thời gian dài.
Với lợi nhuận 3 năm 2016 đến 2018 chỉ đạt 21 tỉ đồng, VEAM cho rằng, nếu trích lập dự phòng hàng năm để có thể tiêu thụ được các xe tồn lâu năm trong năm sau thì kết quả hàng năm sẽ bị lỗ.
Việc trích lập dự phòng như trên không đủ cơ sở để kiểm toán độc lập chấp nhận giá trị thực tế tồn kho có thể thu hồi và là một điểm của ý kiến ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán tài chính 2018.
Báo cáo nêu rõ, việc ông Trần Ngọc Hà và Giám đốc của VM bảo vệ thực tế trích lập dự phòng hiện nay (gần như áp dụng 1% cho một năm tuổi tồn) đã gây khó khăn cho việc quản trị của Hội đồng quản trị, không phản ánh đúng kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của VM.
Lao động