Đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm tạo đột phá tăng trưởng kinh tế
Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, trong đó có giao thông sẽ là một trong những đột phá cho tăng trưởng kinh tế.
- 01-09-2022Bao nhiêu vốn đầu tư từ các nước trong khu vực đổ vào Việt Nam 8 tháng đầu năm 2022?
- 31-08-2022Địa phương sở hữu cảng biển lọt top 30 cảng container bận rộn nhất thế giới có tiềm năng gì?
- 31-08-2022Một tỉnh nghèo có GRDP bình quân tăng gấp 122 lần sau 30 năm
Gấp rút đảm bảo tiến độ cao tốc Bắc - Nam
Để sớm đưa các dự án trọng điểm vào khai thác, từ tháng 7, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải do Thủ tướng làm trưởng ban để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Năm nay, Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng giao hơn 50 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện kế hoạch đầu tư; khởi công 38 dự án, hoàn thành 30 dự án. Trọng điểm là dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1.
Năm nay sẽ có 4 đoạn dự án với tổng chiều dài 361 km sẽ hoàn thành. Đó là đoạn Mai Sơn - Quốc Lộ 45 đi qua địa phận tỉnh Ninh Bình - Thanh Hóa. Đoạn Cam Lộ - La Sơn đi qua địa phận Quảng Trị - Thừa Thiên Huế. Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đi qua địa phận Bình Thuận - Đồng Nai.
Cho dù trong quá trình thi công, dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 phải đối mặt với tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, biến động giá cả và bất thường về thời tiết nhưng đến nay phần lớn các gói thầu thuộc dự án vẫn bám sát tiến độ và chắc chắn sẽ cán đích theo đúng kế hoạch. Đó là những tín hiệu tích cực của ngành giao thông sau dịch bệnh.
Trong kế hoạch phát triển của ngành giao thông vận tải, đến năm 2030 sẽ có trên 80% các địa phương có cao tốc kết nối. Ảnh minh họa.
Tăng ca, tăng kíp, dồn tất cả nhân lực, máy móc thiết bị vào những vị trí có điều kiện thi công - đó là cách mà ban quản lý dự án đoạn dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 đang thực hiện. Cho đến thời điểm này, toàn bộ đoạn dự án đã hoàn thành hơn 70% khối lượng thi công.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, đến nay, những vướng mắc lớn đã cơ bản được giải quyết. Duy chỉ bất thường về thời tiết sẽ buộc các đơn vị phải tính toán trong các phương án thi công.
Theo Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua, Bộ Giao thông Vận tải được bố trí hơn 300 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách. Với nguồn này và hơn 110 nghìn tỷ đồng của gói phục hồi kinh tế, Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai khởi công mới 67 dự án. Trong đó, sẽ tập trung hoàn thiện toàn bộ hệ thống cao tốc đường bộ Bắc - Nam.
"Đường thông thì tiền bạc mới thông được. Ở nước nhiều hệ thống giao thông khác cũng đã được đầu tư, nhưng theo tôi trước mắt nên đầu tư vào cao tốc đường bộ", ông Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay.
Ông Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: "Chúng ta nên tập trung vào cao tốc để đến năm 2025 sẽ giảm được phí logicstics xuống 10%".
Trong kế hoạch phát triển của ngành giao thông vận tải, đến năm 2030 sẽ có trên 80% các địa phương có cao tốc kết nối.
Đầu tư hạ tầng các cảng hàng không trên cả nước
Cho đến thời điểm này, cả 5 lĩnh vực gồm đường bộ, đường sắt, hàng không, cảng biển và đường thủy đều đã được phê duyệt quy hoạch. Đây là lần đầu tiên cả 5 quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải được xây dựng đồng thời theo hướng tích hợp, đảm bảo tính đồng bộ, linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Những quy hoạch này được lập trước để định hướng cho quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị - nông thôn; là cầu nối giữa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Một trong các dự án trọng điểm quốc gia nữa được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đó là Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang gấp rút thực hiện theo đúng tiến độ để đưa vào hoạt động vào cuối năm 2025. Bên cạnh đó, hàng loạt cảng hàng không trên cả nước cũng đang rốt ráo nâng cấp, xây mới.
Dù là mùa mưa nhưng gói thầu thi công móng cọc nhà ga hành khách của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vẫn hoàn thành tiến độ sớm hơn dự kiến. Các công tác thiết kế kỹ thuật của nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay cũng đang được bám sát tiến độ.
Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: VGP.
Hiện Bộ Giao thông Vận tải cũng đang trình Thủ tướng phê duyệt đề án quy hoạch hệ thống hàng không toàn quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 28 cảng hàng không.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không vào khoảng 400.000 tỷ đồng được huy động từ ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Trong năm nay, một loạt các dự án như: Cảng Hàng không Sapa, Lai Châu, nâng cấp sân bay Nà Sản cũng đã được được đưa vào quy hoạch mạng cảng hàng không toàn quốc.
Chính phủ đã đề ra Chương trình hành động với một trong những trọng tâm là "tạo đột phá trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ hiện đại", theo đúng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Hiện cả nước đang triển khai và chuẩn bị triển khai xây dựng khoảng hơn 1.900 km cao tốc với nguồn lực khoảng trên 500 nghìn tỷ đồng dự kiến hoàn thành trong các năm 2025 và 2026.
Sự quan tâm đặc biệt của chính phủ, Thủ tướng chính phủ tới hạ tầng giao thông luôn được đặt trong tổng thể quyết tâm thúc đẩy sự phát triển của các địa phương, các vùng và cả nước tạo nên không gian phát triển mới với nhiều đổi thay tích cực của đất nước trong những năm tới.
VTV