MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư công: Không thể lấy tiền chỗ nọ đắp vào chỗ kia

Dự án đã triển khai từ năm 2009 nhưng đến nay mới được báo cáo những khó khăn trong giải phóng mặt bằng...

Phải lập lại trật tự, trong đầu tư công không thể lấy tiền chỗ nọ đắp vào chỗ kia, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển hơn một lần nhấn mạnh điều này, tại phiên họp sáng 10/1 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Nội dung của phiên thảo luận là xem xét việc điều chỉnh cơ cấu sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đối với dự án hệ thống thủy lợi Tà Pao, tỉnh Bình Thuận và dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng, tỉnh Đắc Lắc.

Đề nghị rút kinh nghiệm

Theo tờ trình của Chính phủ, hợp phần đền bù di dân tái định cư thủy lợi Tà Pao và hợp phần giải phóng mặt bằng của dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bố trí đủ vốn theo tổng mức đầu tư được duyệt để hoàn thành trong năm 2015.

Tuy nhiên, do thay đổi chính sách, nhất là chính sách đền bù, bồi thường đất đai theo Luật Đất đai năm 2013, chế độ về tiền lương, tiền công, đơn giá, định mức kinh tế - kĩ thuật dẫn đến tổng mức đầu tư hợp phần đền bù, di dân tái định cư thủy lợi Tà Pao và hợp phần hồ chứa nước Krông Pách Thượng tăng cao, địa phương không đủ kinh phí để giải phóng toàn bộ mặt bằng của dự án.

Do vậy, dự án thủy lợi Tà Pao và dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng (hợp phần xây dựng) tuy đã được giao vốn nhưng không thể triển khai trong giai đoạn 2017-2020.

Thẩm tra nội dung Chính phủ trình, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí cho phép sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 đã bố trí cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng hai dự án trên để bổ sung thực hiện hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư tương ứng của các dự án này trong giai đoạn 2017-2020.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý Chính phủ là việc lấy kinh phí từ dự án xây dựng hai công trình thủy lợi để bổ sung cho hai dự án giải phóng mặt bằng sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn cho hợp phần xây dựng.

Do vậy, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả thực tế của hai dự án xây dựng, trong khi tại thời điểm xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Chính phủ không báo cáo điều chỉnh tổng mức đầu tư của hai dự án do trượt giá và do chế độ chính sách thay đổi.

Có ý kiến cho rằng, Chính phủ sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 đã bố trí cho hai dự án nói trên để tiếp tục thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong giai đoạn 2017-2020 là chưa tuân thủ nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, vì hợp phần đền bù di dân tái định cư thủy lợi Tà Pao và hồ chứa nước Krông Pách Thượng đã được bố trí đủ từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ theo tổng mức đầu tư được phê duyệt trong giai đoạn 2014- 2016.

Uỷ ban thẩm tra cũng "phê" Chính phủ rằng dự án đã triển khai từ năm 2009 nhưng đến nay, Chính phủ mới báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng là quá chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai hợp phần xây dựng của các dự án và không bảo đảm tuân thủ kỷ luật Nhà nước.

"Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương liên quan làm rõ trách nhiệm và nghiêm túc rút kinh nghiệm, để không lặp lại tình trạng này trong thời gian tới", Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Giải quyết dứt điểm

Phần thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hỏi, tổng mức đầu tư của hai dự án tăng thì đã được duyệt chưa? Tại sao khi làm kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Chính phủ lại không đưa vào?

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết là việc tăng tổng mức đầu tư chưa phê duyệt.

Khẳng định Thường vụ Quốc hội rất ủng hộ các công trình thuỷ lợi vì vai trò rất quan trọng đối với nhân dân, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ trách nhiệm nguyên nhân vì sao để xảy ra tình trạng chậm trễ ở hai công trình nói trên.

Theo Chủ tịch thì cần báo cáo rõ các vấn đề, trong đó có việc cần tăng tổng mức đầu tư bao nhiêu để giải quyết cặn kẽ, dứt điểm, chứ điều chỉnh chỗ này sang chỗ kia thì tới chừng nào mới có nước cho dân.

Gợi ý nếu thiếu vốn thì có thể xin bố trí từ phần dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn, song Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý là hiện nay "ai cũng nhăm nhăm vào dự phòng", nhưng cái gì cấp bách thì cần làm cho sớm.

Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc triển khai chậm làm thay đổi giá đền bù cũng như việc chậm trễ trong báo cáo để xử lý với hai công trình.

Việc điều chỉnh kinh phí từ xây lắp sang đền bù giải phóng mặt bằng là chưa đủ căn cứ, ông Hiển khẳng định.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ rà soát, đánh giá lại dự án, xem xét về mặt quy mô, tổng mức đầu tư và có điều chỉnh chính thức sau đó báo Thường vụ Quốc hội ở phiên họp gần nhất. Ngoài hai công trình trên, Chính phủ cũng cần rà soát báo cáo tổng thể về các công trình thuỷ lợi tương tự, ông Hiển nói.

Theo Nguyên Vũ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên