Đầu tư đất nền ven đô đón đầu xu hướng tăng trưởng bùng nổ
Dân số ngày một gia tăng, nhưng đất đai thì không nở ra. Chính vì thế, bất động sản ở đâu cũng sẽ đắt giá, chỉ khác thời điểm bùng nổ. Vậy tại miền Bắc, đất nền ở đâu sẽ bắt nhịp bùng nổ trong tương lai gần? Hãy cùng kết nối các dữ liệu chủ trương, quy hoạch để trả lời câu hỏi đó.
Chủ trương quy hoạch phát triển Thành phố hai bên bờ sông Hồng
Quy hoạch phát triển Thành phố hai bên bờ sông Hồng đã được nhắc tới từ nhiều năm nhưng do một số vướng mắc về quy hoạch, vẫn chưa thể triển khai. Tuy nhiên, với những động thái mới nhất, có thể thấy thành phố tương lai dọc hai bên bờ sông Hồng là hoàn toàn khả thi và đang trong quá trình hình thành.
Theo quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/07/2011 về việc Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Khu vực hai bên Sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của Thủ đô.
Cùng trong quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/07/2011, Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của Thành phố). Trong đó, phía Bắc tới khu vực Mê Linh, Đông Anh và phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên nằm trong khu vực đô thị trung tâm. Hàng loạt các trung tâm dịch vụ thương mại, khu đô thị lớn sẽ được xây dựng tại khu vực này như: trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia quy mô 90 ha sẽ được xây dựng tại Đông Anh (trung tâm cũ tại Giảng Võ, Ba Đình); Công viên Kim Quy; nâng tầm khu di tích Cổ Loa; KĐT thông minh của BRG; Vinhomes Cổ Loa; v.v.
Các cây cầu mới: Yếu tố tiên quyết cho sự phát triển vượt bậc
Các dự án cầu nối hai bờ sông là dấu hiệu cho sự phát triển Thành phố hai bên bờ sông Hồng. Theo quyết định số 519/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 18 công trình đường bộ vượt sông Hồng. Thành phố sẽ xây mới hàng loạt các cầu như: Cầu Vĩnh Tuy 2, cầu Tứ Liên, cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Mễ Sở, v.v. Trong đó, cầu Vĩnh Tuy 2 đã được khởi công vào ngày 09/01/2021. Chủ tịch UBND thành phố cho biết, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng cao giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc.
Đồng thời, Thành phố cũng sẽ chủ trương xây mới 4 cây cầu bắc qua sông Đuống đoạn đi qua Hà Nội gồm: cầu Đuống 2, cầu Ngọc Thụy, cầu Giang Biên và cầu Mai Lâm. Trong số đó, cầu Đuống 2 bắc qua sông Đuống kết nối trực tiếp quận Long Biên và huyện Gia Lâm với địa bàn tỉnh Bắc Ninh, rút ngắn đáng kể khoảng cách từ Bắc Ninh tới các quận trung tâm nội đô, thậm chí gần hơn so với một số địa điểm thuộc ngoại thành.
Các cầu bắc qua sông Hồng và sông Đuống kết nối trực tiếp các khu vực trung tâm Thủ đô và các tỉnh thành phía Bắc, Đông Bắc chính là yếu tố tiên quyết tạo đà phát triển mạnh mẽ cho bất động sản khu vực này.
BĐS Từ Sơn, Bắc Ninh – Mảnh đất vàng sáng giá
Trước làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, BĐS công nghiệp đang là cơ hội vàng cho các nhà đầu tư. Bắc Ninh – cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô Hà Nội – chính là một mảnh đất đầy tiềm năng. Bắc Ninh kết nối dễ dàng tới cảng hàng không, cảng biển và cửa khẩu đường bộ; sở hữu nhiều khu công nghiệp lớn như Hanaka, Tiên Sơn, Quế Võ, Yên Phong, Đại Đồng, v.v. với nhiều nhà máy của các thương hiệu nổi tiếng như SamSung (Hàn Quốc), Canon (Nhật Bản), Foxxconn (Đài Loan), v.v., thu hút hơn 11 nghìn người nước ngoài từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ đang làm ăn sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Hơn nữa, vùng đất xứ Kinh Bắc được mệnh danh là "thủ phủ" FDI của cả nước dự kiến trở thành thành phố trực thuộc Trung Ương vào năm 2022 theo quyết định số 558/QĐ ngày 15/05/2019 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Là một trong hai trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục của Bắc Ninh và là thị xã duy nhất của Bắc Ninh, Từ Sơn tiếp giáp trực tiếp với Thủ đô Hà Nội tại vùng phát triển trọng điểm; cách trung tâm Hà Nội chỉ 18km, 25km tới Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài. Mang lợi thế vị trí kết nối vàng, BĐS Từ Sơn được hưởng tiềm năng đúp từ cả quy hoạch Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và quy hoạch phát triển mở rộng Thủ đô Hà Nội, đưa bất động sản nơi đây ứng với câu tấc đất tấc vàng. Vậy nhưng giá trị bất động sản tại các mặt phố trung tâm Từ Sơn hiện tại chỉ đang dao động ở mức giá 60 triệu đồng/m2. Có thể thấy sự gia tăng giá trị bất động sản tại Từ Sơn nói riêng và Bắc Ninh nói chung là xu hướng tất yếu và sáng giá trong tương lai gần.