Đầu tư dự án: Từ một thủ tục thành bốn thủ tục
Tuần qua, đại diện Bộ Tư pháp đã làm việc với Hiệp Hội bất động sản TP.HCM (HoREA) về việc thực hiện Nghị quyết 43 năm 2014 của Thủ tướng về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo đại diện Bộ Tư pháp, một trong những nội dung chỉ đạo của Nghị quyết trên là khuyến khích các địa phương thực hiện cải cách thủ tục hành chính bằng cách thực hiện liên thông, song song các thủ tục hành chính, giảm thời gian, giảm hồ sơ hành chính. Tuy nhiên Đại diện Hiệp hội Bất động sản cho rằng tinh thần của Nghị quyết trên chưa có thời gian đi vào cuộc sống do hàng loạt luật mới cũng được ban hành, trong đó một số quy định đã khiến kéo dài thời gian, thêm thủ tục hành chính.
“Như trước đây, các thủ tục đầu tư xây dựng một dự án bất động sản tại sở Xây dựng được gom chung thành “một gói”. Nhưng theo quy định mới, các thủ tục tách ra thành nhiều bước như công nhận chủ đầu tư, duyệt thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp phép xây dựng... Trước đây chỉ làm một thủ tục, nay phải làm bốn thủ tục, thời gian tăng gấp 4 lần”, một đại diện HoREA bức xúc và cho biết thêm hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng trước đây quy định chủ đầu tư chỉ cần có quyết định giao đất nhưng Luật mới yêu cầu hồ sơ phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Từ quyết định giao đất, doanh nghiệp phải qua các thủ tục thẩm định giá đất,làm bản vẽ hiện trạng, đóng tiền sử dụng đất... mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có khi kéo dài cả năm trời mới xong. Thủ tục chuyển nhượng dự án cũng gây khó khăn cho chủ đầu tư muốn chuyển nhượng hơn thủ tục cũ. Cụ thể, chủ đầu tư phải giải phóng mặt bằng, chấp thuận chủ trương đầu tư, lập quy hoạch 1/500, có quyết định giao đất, đóng tiền sử dụng đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được chuyển nhượng dự án. Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư buộc phải có nhiều giấy phép “con” như giấy chứng nhận phù hợp với quy hoạch mạng lưới điện...
Đặc biệt, đại diện HoREA cho rằng đáng sợ hơn đối với doanh nghiệp là những chi phí, thủ tục “mềm”, không thể hiện trên giấy tờ. Cụ thể như chuyện các cơ quan chức năng làm chậm hồ sơ của doanh nghiệp, sau đó yêu cầu doanh nghiệp nộp lại biên nhận hồ sơ cũ để làm biên nhận mới cho đúng thời hạn giải quyết theo quy định. Hoặc chuyện các cán bộ, chuyên viên có các doanh nghiệp dịch vụ “sân sau”, ép nhà đầu tư phải chịu một số chi phí bất hợp lý...