Đầu tư hay đầu cơ cổ phiếu Than? Hãy đọc bài viết này trước khi quyết định
Khi nhìn lại chỉ số các cổ phiếu than, dễ dàng nhận thấy đa số các công ty sau thời gian dài giá cổ phiếu sụt giảm nhanh hơn giá than, đã bắt đầu về mức độ hợp lý. Định giá có chiết khấu so với sổ sách và mức chi trả cổ tức kế hoạch bắt đầu hấp dẫn so với lãi suất ngân hàng.
- 13-11-2016Than thiếu lao động kỹ năng, nhưng doanh nghiệp nhỏ Việt Nam toàn tuyển ‘người quen’ vào làm việc
- 11-11-2016TKV điều chỉnh giá bán 8 loại than cám
- 11-11-2016Cổ phiếu vàng đen đồng loạt tím ngắt, giá than lên cao nhất 5 năm
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa công bố báo cáo về ngành Than – một ngành được đánh giá là chịu nhiều “điều tiếng” nhất trên thị trường chứng khoán. Trong những năm qua, áp lực giá than suy giảm trên phạm vi toàn cầu, trữ lượng giảm dần và quỹ phúc lợi lớn hàng năm cho lượng nhân công lớn đã khiến cổ phiếu Than dần mất đi sức hấp dẫn với nhà đầu tư.
Tuy nhiên, cùng với sự tăng vọt của giá than trên thị trường thế giới thì giá cổ phiếu than đang làm mưa làm gió trên TTCK.
Theo thống kê của BSC, chỉ trong hơn 3 tháng qua, giá Than thế giới liên tục tăng trưởng – đạt mức tăng 112% trong vòng 1 năm, và đưa giá than từ vùng đáy của nhiều năm về gần với mức giá của 2012. Trên TTCK toàn cầu, từ Mỹ đến Australia và các quốc gia khu vực châu Á, cổ phiếu Than đã có sự quay lại ngoạn mục bất chấp những bất ổn vẫn đang diễn ra.
Tại sao ngành than lại có sự tăng trưởng ngược lại xu hướng suy giảm?
Sau khủng hoảng 2008, giá than giảm tới 75% và giảm dần đều cho đến tận 2016, khi giá các loại than giao động ở mức 50,5 - 58 USD/tấn. Điều này được giải thích do nhu cầu tiêu thụ than của Trung Quốc và Ấn Độ (2 quốc gia tiêu thụ than lớn nhất thế giới) đều trên đà suy giảm. Dù vậy từ đầu năm 2016, giá than bắt đầu phục hồi với tốc độ tốt nhất so với các hàng hóa năng lượng khác. Tính đến tháng 11/2016, giá than đã tăng tới 112% so với đầu năm.
BSC cho rằng đợt tăng giá mạnh mẽ của than đá năm 2016 bắt nguồn từ 2 nguyên nhân:
(1) Chính sách khiến cân đối cung cầu than của Trung Quốc thay đổi. Giữa năm 2015, Trung Quốc ban hành chính sách hạn chế mở cửa mỏ than dưới 273 ngày (so với 330 ngày) do vấn đề môi trường. Hiện than chiếm tới 64% nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc, do đó việc hạn chế mở cửa mỏ than đã khiến các nhà máy công nhiệp trong nước phải tăng cường nhập khẩu. Chính sách này đã khiến nhu cầu nhập khẩu than của quốc gia này tăng vọt lên trên 17%.
(2) Kỳ vọng chính sách tân Tổng thống Hoa Kỳ. Trong các phát ngôn tranh cử của mình, Tân tổng thống Hoa Kỳ có nhắc tới việc sẽ khiến các công ty Than của quốc gia này tốt trở lại. Điều này đem lại hy vọng lớn cho các nhà sản xuất than tại Hoa Kỳ. Ngay sau ngày có kết quả bầu cử, giá than đã có phiên tăng mạnh gần 20% trong ngày 10/11.
Dù vậy phải thừa nhận, xu hướng sử dụng năng lượng sạch vẫn tiếp diễn, và giá than do vậy sẽ phụ thuộc rất nhiều vào động thái chính sách của các quốc gia tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ…
Ngành than của Việt Nam
Nói riêng về ngành than của Việt Nam, BSC cho rằng cân đối cung cầu về than của kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục thiếu hụt nghiêm trọng trong những năm sắp tới. Việt Nam từ vị thế là quốc gia xuất khẩu than lớn với quy mô trên 25 triệu tấn năm 2009, đã chuyển sang nhập khẩu hơn 10 triệu tấn than chỉ trong 9 tháng 2016. Cụ thể, nhập khẩu than đá 9T2016 tăng mạnh 147,6% về lượng và 82,1% về trị giá, với hơn 10,51 triệu tấn, trị giá 655 triệu USD. Nguồn nhập khẩu chủ yếu đến từ Australia, Nga và Trung Quốc.
Nhu cầu tiêu thụ than phần lớn đến từ các nhà máy nhiệt điện. Hiện Việt Nam có 19 nhà máy nhiệt điện than, và con số này sẽ tăng lên 52 vào năm 2030, với tổng số lượng than cần nhập khẩu ước tính khoảng 85 triệu tấn mỗi năm. Cùng với nhu cầu từ các nhà sản xuất công nghiệp thuộc các ngành xi măng, hoá chất, phân bón, luyện kim…, bộ Công Thương đã ước tính nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam đến năm 2020 khoảng 35 triệu tấn; năm 2025 khoảng 80 triệu tấn, năm 2030 khoảng 135 triệu tấn.
Thuộc nhóm khai khoáng, ngành Than có những rủi ro đặc thù mà nhà đầu tư cần quan tâm:
(1) Trữ lượng các mỏ lộ thiên đã dần cạn. Đa số mỏ khai thác hầm lò sâu, thậm chí âm 300 m so với mực nước biển
(2) chi phí khai thác với hệ số bóc đất tăng khoảng 3 lần so với khai mỏ lộ thiên dẫn đến giá than kém cạnh tranh
(3) Hoạt động khai thác có tính mùa vụ và chịu tác động của thời tiết
(4) Do ảnh hưởng xấu tới môi trường, các mức thuế và phí với ngành than luôn cao và có xu hướng tăng.
Bản chất hoạt động của các công ty Việt Nam không giống như các doanh nghiệp than thế giới có quyền của chủ mỏ. Các công ty than Việt Nam phần lớn hoạt động khai thác theo kế hoạch và theo định mức được giao từ Công ty mẹ Vinacomin. Khi giá than tăng, phần lợi thế sẽ dồn về công ty mẹ, các công ty con hưởng định mức lãi theo kế hoạch và theo quy mô doanh thu (khoảng 3%/doanh thu). Tất nhiên việc giá than tăng lên và lượng tồn kho lớn sẽ có lợi cho công ty mẹ, qua đó giảm áp lực cho các công ty con.
Xét về hiệu quả kinh doanh, các công ty con sẽ chỉ được lợi khi (1) Quy mô doanh thu tăng trưởng (do sản lượng tăng hoặc do chi phí khai thác tăng khi chuyển từ lộ thiên sang khai thác hầm lò làm tăng giá bán), và (2) Chủ động tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất (chi phí lớn nhất của các công ty trong ngành thường là khấu hao, nhân công, và lãi vay).
Đầu tư hay đầu cơ?
Khi nhìn lại chỉ số các cổ phiếu than, dễ dàng nhận thấy đa số các công ty sau thời gian dài giá cổ phiếu sụt giảm nhanh hơn giá than, đã bắt đầu về mức độ hợp lý. Định giá có chiết khấu so với sổ sách và mức chi trả cổ tức kế hoạch bắt đầu hấp dẫn so với lãi suất ngân hàng.
“Chúng tôi cho rằng khó có thể đánh giá liệu xu hướng giá than tăng sẽ tiếp diễn bao lâu, nhưng các yếu tổ hiện tại cũng đã đủ đề nhà đầu tư nghiêm túc nhìn lại cơ hội trong nhóm cổ phiếu than.” – Báo cáo của BSC nhận định.
Từ đó các chuyên gia khuyến nghị lựa chọn các cổ phiếu có định giá hấp dẫn, tỷ lệ cổ tức cao, doanh thu lớn, trữ lượng tốt và thanh khoản đảm bảo. Câu hỏi đầu cơ hay đầu tư sẽ tùy thuộc vào góc nhìn của mỗi người.