MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư hơn 9.800 tỷ để mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành

13-06-2020 - 10:16 AM | Bất động sản

Bộ GTVT kiến nghị mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành lên 8 làn xe vào năm 2025 với vốn đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng để gải quyết vấn đề quá tải.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) khảo sát, nghiên cứu điều chỉnh phương án mở rộng cao tốc TP.HCM- Long Thành lên 8 làn xe vào năm 2025.

Đầu tư hơn 9.800 tỷ để mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Ảnh 1.

Dự án đường cao tốc TP.HCM- Long Thành được khởi công xây dựng vào ngày 3/10/2009 với quy mô 4 làn xe trên tổng chiều dài 55,7 km.

Căn cứ vào thực tế, CIPM đưa ra phương án dựa trên số liệu lưu lượng xe khảo sát sơ bộ tại trạm thu phí. Cụ thể: Tại trạm thu phí Long Phước năm 2017 (14,17 triệu lượt), đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải phía Nam (Tedi South) đã đưa ra dự báo về số làn xe đối với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây theo từng giai đoạn. Trong đó, năm 2025 dự kiến mở rộng 5 làn xe, 2030 thành 7 làn, 2035 mở rộng 8 làn, 2038 lên 9 làn và 2040 lên 10 làn xe.

Dựa trên cơ sở báo cáo này, CIPM Cửu Long kiến nghị đối với đoạn từ nút giao An Phú (quận 2, TP.HCM), đến thị trấn Long Thành dài 24 km sẽ mở rộng từ 4 lên 8 làn xe vào năm 2025 với nguồn vốn hơn 9.800 tỷ đồng.

Và sau năm 2040, tuyến đường này sẽ mở rộng lên 10 làn xe, tuyến Long Thành đi Dầu Giây sẽ giữ nguyên quy mô 4 làn xe vì có thể đáp ứng nhu cầu lưu thông đến năm 2040.

Về kế hoạch thực hiện, đại diện CIPM, cho biết: "Phương án mở rộng đường cao tốc Long Thành được đưa ra trên cơ sở kết hợp các kịch bản và hàng loạt các dự án hạ tầng kết nối cao tốc này cho những năm tới,như: Sân bay Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3, cầu Cát Lái, đường 25C và các tuyến đường sắt...".

Cũng theo đại diện CIPM, việc đầu tư mở rộng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được thực hiện bằng hình thức đầu tư công nguồn vốn trong nước hoặc nguồn vốn ODA (JICA) của Nhật Bản.

Về phía địa phương có đường cao tốc đi qua, ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND Đồng Nai cho rằng: Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến chính kết nối với sân bay Long Thành.

Tuy nhiên, sau 5 năm, cao tốc đã quá tải, lưu lượng xe qua tuyến năm 2015 khoảng 10 triệu lượt xe, nhưng năm 2019 đã tăng 16,5 triệu. Mức tăng lưu lượng xe bình quân khoảng 10% mỗi năm. Hiện nay, mỗi ngày cao tốc phục vụ khoảng 52.000 lượt xe, trong khi thiết kế chỉ 44.000 lượt xe. Do đó, việc mở rộng quy mô cao tốc này sẽ đảm bảo việc kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ khi sân bay đi vào khai thác giai đoạn I dự kiến năm 2025. Vì vậy, UBND Đồng Nai đã đề xuất tăng từ 10 đến 12 làn đường thay vì trước đó chỉ có 4 làn xe.

Đầu tư hơn 9.800 tỷ để mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Ảnh 2.

Mức tăng lưu lượng xe bình quân trên cao tốc TP.HCM - Long Thành khoảng 10% mỗi năm. Hiện nay, mỗi ngày cao tốc phục vụ khoảng 52.000 lượt xe, trong khi thiết kế chỉ 44.000 lượt xe. Và đây chính là lý do để mở rộng tuyến cao tốc này.

Ông Từ Nam Thành, Giám đốc Sở GTVT – Đồng Nai, cho biết đối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được địa phương quy hoạch với lộ giới rộng 120m nên đảm bảo cho nhu cầu mở rộng trong thời gian tới.

Về phía Sở GT-VT TP.HCM cho hay, quỹ đất để phục vụ mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn quan địa bàn cũng đủ cho quy hoạch 10 làn xe.

Trước những đề xuất này, UBND TP. HCM cũng đã có văn bản đồng ý với phương án tăng làn. Theo UBND thành phố, quy mô mở rộng tuyến cao tốc cần được khảo sát và đánh giá kỹ, căn cứ trên nhu cầu giao thông thực tế. Đồng thời xem xét việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Long Thành - Thủ Thiêm trong thời gian tới cũng như bảo đảm hành lang an toàn tuyến cao tốc.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện nút giao thông An Phú và kết nối đường Long Phước ở quận 9 vào với cao tốc Long Thành để đẩy mạnh phát triển khu vực phía Đông.

Dự án đường cao tốc được khởi công xây dựng vào ngày 3/10/2009 với quy mô 4 làn xe trên tổng chiều dài 55,7 km. Chủ đầu tư là Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) với tổng vốn đầu tư là 20.630 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 – chỉ xây dựng bốn làn xe trên toàn tuyến, có vốn đầu tư là 9.890 tỷ đồng từ nguồn vay ODA. Dự án được sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC). Tuyến đường cao tốc được chia thành hai đoạn do 2 đơn vị cấp vốn gồm: Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành do JICA cấp vốn và Long Thành – Dầu Giây do ADB cấp vốn.

Tuyến đường giúp kết nối giao thông, kinh tế giữa TP HCM với các vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Tuy nhiên, sau 5 năm, cao tốc đã quá tải, lưu lượng xe qua tuyến năm 2015 khoảng 10 triệu lượt xe, nhưng năm 2019 đã tăng 16,5 triệu. Mức tăng lưu lượng xe bình quân khoảng 10% mỗi năm. Hiện nay, mỗi ngày cao tốc phục vụ khoảng 52.000 lượt xe, trong khi thiết kế chỉ 44.000 lượt xe. Và đây chính là lý do để mở rộng tuyến cao tốc này.

Theo Hương Giang - Duy Long

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên