Đầu tư mạnh vào cảng biển, Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại?
Việt Nam hiện thiếu 4 tỷ USD để phát triển cảng biển. Năng lực vận tải bằng container cần phải tăng trưởng gấp đôi tốc độ tăng trưởng 10 – 12% của thập kỷ vừa qua để đáp ứng với nhu cầu tăng dần.
Được nhiều người biết đến như nền kinh tế hưởng lợi thực sự từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, Việt Nam giờ đây cần cố gắng đảm bảo rằng những lợi ích mà Việt Nam có được không biến mất nhanh chóng, theo bài báo mới được Bloomberg đăng tải.
Khi nhiều nhà sản xuất rời khỏi Trung Quốc, Việt Nam đã làm khá tốt để đón đầu làn sóng này. Thế nhưng Việt Nam dễ chịu rủi ro phải đương đầu với thách thức xuất phát từ chính xung đột thương mại đang diễn ra: Không nên để tất cả trứng vào một giỏ.
Trong lĩnh vực da giày, công ty Eclat Textile, nhà cung cấp cho nhiều tên tuổi lớn như Nike đã rời khỏi Trung Quốc năm 2016 bởi các nhà quản lý không tìm được đủ nhân lực và thay vào đó đã chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Giờ đây, khi chiến tranh thương mại đang ngày một căng thẳng hơn, công ty cũng nhận ra họ đang chịu nhiều rủi ro hơn.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, chủ tịch công ty, ông Hung Cheng-hai, nói: “Xét từ diễn biến của tình hình quốc tế hiện nay, điều quan trọng nhất chính là sự đa dạng hóa. Giờ đây khoảng hơn 50% sản phẩm của chúng tôi được sản xuất tại Việt Nam, chính vì vậy có thể nói chúng tôi đang không đa dạng hóa đủ nhiều”.
Việt Nam được đánh giá sẽ chịu nhiều rủi ro khi mà phía Mỹ đang muốn điều chỉnh lại hàng loạt các cam kết trước đây với thương mại tự do.
Việt Nam đã tránh được “làn đạn” của Tổng thống Trump được một thời gian nhờ vào việc Việt Nam đã làm rất tốt trong vai trò chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim hồi tháng 2/2019.
Trong chuyến thăm đến Việt Nam của Tổng thống Trump, phía Việt Nam đã ký nhiều hợp đồng tỷ USD và mang lại thặng dư thương mại cho Mỹ - một điểm quan trọng trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Trump.
Đến tháng 5/2019, dường như họ đang không cố gắng đủ nhiều. Bộ Tài chính Mỹ đã có động thái cứng rắn với Việt Nam về vấn đề tiền tệ. Đến tháng 7/2019, Mỹ áp thuế hơn 400% với thép nhập khẩu từ Việt Nam bởi nói rằng nó xuất xứ từ Đài Loan và Hàn Quốc.
Trong nửa đầu năm 2019, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng 39% lên 25,3 tỷ USD.
Giới chức Việt Nam nói rằng họ đang cố gắng để giảm bớt thặng dư thương mại ấy. Thế nhưng doanh nghiệp địa phương lại gặp khó: Khi mà nhu cầu của người Mỹ với tấm năng lượng mặt trời Việt Nam tăng lên, điều này vốn thường được coi như tin tốt nhưng giờ đây lại làm giới chức lo lắng, họ sợ phản ứng tức giận từ Nhà Trắng.
Một đất nước có nền sản xuất đang tăng trưởng nhanh như Việt Nam chắc chắn đương đầu với nhiều rủi ro, trong đó phải tính đến năng lực xử lý của các cảng cũng như chất lượng nhân lực.
Năng lực vận tải bằng container cần phải tăng trưởng gấp đôi tốc độ tăng trưởng 10 – 12% của thập kỷ vừa qua để đáp ứng với nhu cầu tăng dần, theo tính toán của Bloomberg Intelligence. Việt Nam hiện thiếu 4 tỷ USD để phát triển cảng biển. Cho đến nay chưa có đủ các hợp đồng đầu tư lớn cho mảng này.
Ngay cả với nhiều nền kinh tế khác tại Đông Á bao gồm Trung Quốc và Hàn Quốc, việc vượt qua các trở ngại này cũng không hề đơn giản. Đối với Việt Nam và nhiều nước đến muộn khác, chính sách bảo hộ của Mỹ đồng nghĩa sự ổn định chắc chắn sẽ là điều vô cùng khó có được.
BizLive