Đầu tư tiền ảo Pi, mù mờ chuyện được - mất
Chưa khẳng định Pi Network có phải một loại hình lừa đảo hay không, nhưng trước mắt là thiếu tính minh bạch trong vận hành, khiến người chơi mù mờ chuyện được - mất.
- 09-03-2021Quản lý đầu tư Forex và Tiền ảo (bài 3): Hàng trăm nhà đầu tư “sập bẫy” sàn GardenBO
- 09-03-2021Các chính phủ trên thế giới điều tiết tiền ảo như thế nào?
- 05-03-2021Quản lý đầu tư Forex và Tiền ảo (bài 2): Trò thâu tóm tài sản của “cá mập”
Những ngày qua, rất nhiều người đổ xô đi "đào" Pi Network (Pi) - một loại tiền ảo kỹ thuật số. Dù chưa cân nhắc chuyện được mất, giá trị thực và khả năng phát triển trong tương lai của tiền ảo này nhưng khi tham gia người dùng phải cung cấp một số thông tin cá nhân…
Trong khi đó, Pi Network được giới chuyên gia nhận định cũng chỉ là một trong số vô vàn các dự án tiền ảo tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Tất nhiên, chưa khẳng định Pi Network có phải một loại hình lừa đảo hay không, nhưng trước mắt là thiếu tính minh bạch trong vận hành, khiến người chơi mù mờ chuyện được mất.
"Đào cái này mình không có mất gì hết, mình nghĩ sẽ không có rủi ro. Nếu may mắn như lên sàn gì mình có tiền, còn không may mắn thì chỉ coi như trò chơi", một người tham gia "đào" Pi bày tỏ.
Cũng như một số tiền ảo khác, Pi Network đang tiếp tục làm mưa làm gió ngay sau khi xuất hiện ở Việt Nam trong thời gian ngắn. Dù không biết số phận của Pi ra sao, nhưng người dân đổ xô chơi khiến loại hình này trở thành phong trào. Người này giới thiệu cho người kia với hi vọng sẽ cùng kiếm lợi nhuận khi Pi Network được lên sàn.
Khi hỏi về cách chơi, ông V.T.T đại diện một nhóm đào Pi hồ hởi giới thiệu, dù không biết tương lai của nó ra sao: "Bạn cứ yên tâm đi vì mình chơi chẳng tốn kém gì chỉ tốn thời gian, mỗi ngày theo dõi nó rồi click vào nó để đào. Ứng dụng của Pi này đang cho thử nghiệm giao dịch bằng ví điện tử. Tuy nhiên, ở Việt Nam chỉ là thử nghiệm".
Mặc dù chưa được Việt Nam cho phép và cũng chưa được thừa nhận để giao dịch, nhưng trên thực tế đã có những giao dịch ngầm bằng tiền mặt để trao đổi các tài khoản đạt đến mốc điểm được nhà điều hành Pi Network chứng thực.
Nhiều thành viên của nhóm Pi Network tại Việt Nam cho biết, Pi cũng được nhà phát triển nền tảng tặng cho cộng đồng giống như Bitcoin cách đây 10 năm. Đồng tiền này sẽ được niêm yết trên các sàn giao dịch quốc tế và khi đó giá trị của nó sẽ tăng đến hàng trăm, thậm chí hàng chục ngàn USD. Khi đó, Pi sẽ là đồng tiền điện tử thế hệ mới, thay thế Bitcoin.
Nhưng các chuyên gia về kinh tế lại có những nhận định khác. Theo TS. Lê Bá Chí Nhân, Pi cũng như rất nhiều dự án khác tự gán lên mình mác tiền ảo mà chưa hề được lên sàn. Đồng nghĩa giá trị của nó chỉ bằng 0 và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho những người tham gia. "Pi Network dù không tốn chi phí tham gia, nhưng những dấu hiệu của một sàn giao dịch ảo có tính đa cấp sẽ gây nhiều hệ luỵ và có những biến tướng khó lường trong thời gian tới", TS. Lê Bá Chí Nhân khuyến cáo.
Còn TS. Trần Nguyên Đán, Giảng viên trường Đại học Kinh tế TPHCM đặt câu hỏi: Mục đích đằng sau của đơn vị tạo ra Pi Network là gì, liệu có thật sự không tốn gì mà vẫn có tiền? Tại sao thiếu tính công khai trong vận hành, kèm với chiêu bài không đóng phí đầu tiên, không đóng phí duy trì… cứ tham gia, cứ giới thiệu thì có tiền số chảy vào tài khoản? TS. Trần Nguyên Đán khẳng định, không người chơi nào có thể có được thông tin tiền số này sẽ được dùng để làm gì và có thể đổi được USD hay không.
"Tại sao có làn sóng đổ xô chơi như vậy, trong bối cảnh công nghệ như thế này thì tài khoản lớn nhất của thanh khoản là liên kết, là số lượng tài khoản càng lớn thì càng dễ dàng gọi vốn, hoặc bán hệ thống. Pi Network đạt được hơn 10 triệu người trong thời gian ngắn. Người chơi có thật sự không mất gì? Người chơi mất hết thông tin danh tính cá nhân bởi khi đăng ký, chấp nhận với một loạt điều khoản tham gia, khi liên kết thì người chơi đã chấp nhận bán hết toàn bộ thông tin cá nhân cho họ", TS. Trần Nguyên Đán chỉ rõ.
Do thiếu tính minh bạch các chuyên gia kinh tế khuyến cáo thận trọng khi chơi Pi Network.
Đến thời điểm này, hầu như người chơi Pi đều không hiểu hết cơ chế hoạt động của Pi như thế nào, chỉ làm theo phong trào và tốn rất nhiều thời gian, chưa kể đến xuất hiện những giao dịch lừa đảo, chiếm đoạt bằng tiền thật. Việc người dùng cung cấp thông tin qua quá trình cài đặt và đăng ký Pi Network đã là một mất mát. Tốn thời gian và công sức cũng là một dạng tốn kém đang bị nhiều người dễ dàng bỏ qua.
"Nhiều hiện tượng lợi dụng, lừa đảo đã từng xảy ra đối với người chơi tiền ảo trước đây. Ban đầu chơi miễn phí, nhưng sau một thời gian bắt đầu thu phí và nhiều rắc rối diễn ra sau đó. Những cá nhân không am hiểu về công nghệ thì không nên đầu tư và cũng không nên kỳ vọng nhiều, vì đào Pi sẽ không biết khi nào có lợi nhuận, nhưng nguy cơ và hiểm hoạ rất dễ phát sinh trong tương lai", Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena khuyến cáo.
Tất nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định Pi Network có phải mô hình lừa đảo hay không. Nhưng bất cứ đồng tiền ảo nào đều không thể cam kết đổi được tiền ảo lấy tiền thật hoặc hàng hóa. Do đó, người tham gia cần hết sức cân nhắc khi đầu tư thời gian, công sức hay tiền bạc vào bất cứ loại tiền ảo nào, không riêng gì Pi Network./.
VOV