MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư, từ đâu?

15-11-2024 - 15:30 PM | Doanh nghiệp

Đầu tư, từ đâu?

Đầu tư là một trong những cụm từ hot nhất hiện nay. Bởi người trẻ ngày càng muốn làm chủ tài chính, không ngừng tìm kiếm các kênh sinh lời ngoài nguồn thu nhập. Tuy nhiên, việc đầu tư cũng gặp rất nhiều trở ngại nếu không có kiến thức về tài chính tốt.

Độ tuổi bắt đầu đầu tư ngày càng trẻ hóa

Xu hướng đầu tư đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ, cho thấy ý thức về quản lý và xây dựng nền tảng tài chính tương lai đang được quan tâm hơn.

Dữ liệu khảo sát từ HSBC chỉ ra rằng thế hệ Gen Z bắt đầu đầu tư ở độ tuổi trung bình là 23 và Millennials ở độ tuổi 27. Trong khi đó, các thế hệ trước từng bắt đầu trễ hơn, cụ thể là Gen X ở độ tuổi trung bình là 31 và Baby Boomers ở độ tuổi 33. Cũng theo khảo sát của HSBC, thế hệ Millennials và Gen Z dành phần lớn thu nhập của mình để đầu tư ở mức 27% thu nhập, cao hơn mức 22% của thế hệ Baby Boomers.

Bắt đầu quản lý và xây dựng tài chính khi còn trẻ, đồng nghĩa với việc các bạn trẻ hiện nay phải đối mặt với tình trạng thiếu kiến thức và kinh nghiệm khi đứng trước việc chọn lựa phương thức phân bổ dòng tiền hiệu quả cho bất động sản, chứng khoán, chứng chỉ quỹ và nhiều kênh khác. Cùng với đó, sự lo lắng vì sợ bỏ lỡ (FOMO) cũng là một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ đưa ra những quyết định kém hiệu quả, dẫn đến thua lỗ, lâu dần có thể gây ra trở ngại về tâm lý khi tham gia thị trường.

Điểm hẹn của các nhà đầu tư trẻ

Tham gia hội thảo "Tự tin đầu tư – Tối ưu cơ hội" do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam đồng tổ chức nhằm chia sẻ kiến thức tài chính, nhiều nhà đầu tư trẻ đã chia sẻ về những trải nghiệm cá nhân, từ việc chịu lỗ do tâm lý FOMO đến việc thiếu kiến thức nên ngần ngại không dám đầu tư và từ đó bỏ lỡ nhiều cơ hội.

Đầu tư, từ đâu?- Ảnh 1.

Travel blogger Lý Thành Cơ chia sẻ tại hội thảo

Lý Thành Cơ (sinh năm 1992, travel blogger với hơn 400.000 follower) cho biết, anh vốn là người đầu tư theo kiểu truyền thống như kinh doanh hoặc tiết kiệm. Tuy nhiên, nam blogger dần nhận thức được tầm quan trọng của việc đa dạng hóa kênh đầu tư để giảm thiểu các rủi ro tài chính có thể gặp phải.

Trong khi đó, Thuỳ Linh (sinh năm 1995) cũng đang loay hoay đi tìm hướng đầu tư. Tốt nghiệp ở một trường đại học thuộc top đầu về đào tạo ngành Kinh tế và bắt đầu đi làm với thu nhập 12 triệu/tháng, Thuỳ Linh đã quyết định thử sức với chứng khoán, một lĩnh vực mà cô tự tin có kiến thức và quen biết nhiều bạn bè cùng ngành. Thế nhưng, ngay trong lần đầu tiên đầu tư, Thuỳ Linh đã thua lỗ 60 triệu đồng. Trải qua thất bại này, Thuỳ Linh rút ra bài học của việc tìm kiếm các công ty có tiềm năng, đầu tư dài hạn và giữ vững tính kỷ luật của bản thân.

Lời khuyên từ chuyên gia: Nên đầu tư càng sớm càng tốt

Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chỉ khoảng 30% người Việt Nam trưởng thành có hiểu biết về tài chính, thấp hơn so với trung bình khu vực ASEAN là 38%.

Đây cũng là một trong những vấn đề trăn trở khiến SSC và Dragon Capital Việt Nam tổ chức hội thảo nhằm cung cấp kiến thức tài chính và chia sẻ kinh nghiệm đến các nhà đầu tư F0. "Chúng tôi cho rằng tư duy là điều quan trọng nhất khi đầu tư, bởi sẽ giúp khơi gợi động lực tìm hiểu, nắm bắt, từ đó tự tin hơn khi chọn kênh và phân bổ nguồn vốn", bà Lương Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Quản lý tài sản, Khối trong nước của Dragon Capital Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo được tổ chức cho gần 300 nhà đầu tư mới vào cuối tháng 10 vừa qua ở TP.HCM.

Đầu tư, từ đâu?- Ảnh 2.

Bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Quản lý tài sản, Khối trong nước Dragon Capital

Theo nhận định của bà Hạnh, độ tuổi quan tâm tài chính đang ngày càng trẻ hoá. Số liệu từ ứng dụng DragonX của Dragon Capital, số lượng nhà đầu tư dưới 35 tuổi tham gia thị trường vốn chiếm từ 35 - 40%.

Đại diện Dragon Capital nhấn mạnh rằng việc đầu tư sớm là rất quan trọng bởi thời gian có ảnh hưởng lớn đến hành trình xây dựng nền tảng tài chính của mỗi người. Theo bà Hạnh, việc chần chừ không bắt đầu đầu tư ngay từ khi còn trẻ sẽ dẫn đến việc mất đi cơ hội gia tăng tài sản, hay nói cách khác, phải chịu một "chi phí cơ hội" rất lớn.

Ví dụ, nếu một người bắt đầu đầu tư với 5 triệu đồng/tháng vào một quỹ từ độ tuổi 30 với hiệu suất đầu tư 15%/năm, khi họ đến tuổi 60, tổng số tiền có thể lên đến khoảng 34 tỷ đồng. Nhưng nếu để đến năm 40 tuổi mới đầu tư, việc đạt được số tiền 30 tỷ sau 20 năm sẽ cần họ bỏ ra tới 20 triệu đồng/tháng, cao gấp 4 lần so với những người tích luỹ sớm 10 năm.

Cùng với đó, "các nhà đầu tư mới, đặc biệt là người trẻ, cần tìm hiểu kỹ về quy định Pháp luật trước khi tham gia thị trường, đồng thời nắm bắt các biện pháp kiểm soát rủi ro một cách tốt nhất", Ông Bùi Đình Hòa, chuyên gia SSC chia sẻ với những người tham dự.

Theo các chuyên gia, nhà đầu tư F0 cũng cần phát triển thêm một yếu tố không kém phần quan trọng, đó là tính kỷ luật trong việc đầu tư. Chính điều này sẽ hình thành thói quen đầu tư lâu dài với tần suất ổn định.

Tham gia Hội thảo do SSC và Dragon Capital Việt Nam đồng tổ chức, gần 300 nhà đầu tư F0 không chỉ nắm bắt nhiều kiến thức cơ bản về thị trường vốn, mà còn hiểu thêm về kênh đầu tư chứng chỉ quỹ - một trong những phương thức đầu tư được yêu thích nhất hiện nay. Chứng chỉ quỹ có lợi thế khi sở hữu danh mục đa dạng, được quản lý bởi các chuyên gia, dễ dàng tham gia và tạo dựng thói quen tích luỹ định kỳ.

Bạn có thể bắt đầu hành trình đầu tư với chứng chỉ quỹ tại đây.

Ánh Dương

Tổ Quốc

Từ Khóa:
Trở lên trên