MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao: “Thảm đỏ” không trải sẵn

Con số chưa đến 1% doanh nghiệp (DN) trong tổng số trên 420 nghìn DN đang hoạt động trên cả nước đầu tư vào nông nghiệp cho thấy, đây là lĩnh vực không “trải sẵn hoa hồng”. Trong khi đó, sản phẩm nông nghiệp lại là chủ lực của nền kinh tế nước ta.

Bài 1: Nhiều rào cản doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao

Sự kiện ngày 2-2 (ngay ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán), Thủ tướng Chính phủ đã nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Nông trường VinEco Hà Nam cho thấy, Chính phủ rất coi trọng giải bài toán tái cơ cấu ngành nông nghiệp, và mục tiêu là xây dựng một nền nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi rất nhiều thay đổi từ cơ chế chính sách và bản lĩnh của chính các DN.

Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đang trở thành lĩnh vực “hot” trong năm 2017.

Muốn sản xuất nhưng thiếu đất

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, con số DN đầu tư vào nông nghiệp tăng từ 2.397 DN năm 2007 lên 3.640 DN năm 2015, 9 tháng đầu năm 2016 là 4.080 DN cho thấy sự nỗ lực của cả Chính phủ và DN trong lĩnh vực nông nghiệp. Đã có nhiều nhà đầu tư thành công về ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương và nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nhìn vào con số dưới 1% đầu tư của DN vào nông nghiệp, nông thôn còn rất nhiều hạn chế, thiếu ổn định và chưa tương xứng với tiềm năng, cũng như nhu cầu phát triển của ngành.

Điều đáng nói là đa số DN đầu tư vào nông nghiệp lại là các DN có quy mô nhỏ, số DN có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm 55%. Ông Cường đánh giá, nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào khai thác nguồn lực tài nguyên, chưa quan tâm đầu tư một cách căn cơ, ứng dụng khoa học công nghệ, hoặc chưa đầu tư thiết bị hiện đại, chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng… “Những khó khăn, hạn chế nêu trên, có nguyên nhân lớn từ những rào cản của cơ chế, chính sách và nhiều thủ tục hành chính chưa được cải thiện”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định.

Câu chuyện DN khó sở hữu trong tay những “cánh đồng mẫu lớn” để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đã diễn ra từ rất nhiều năm nhưng chưa có lời giải. Trên thực tế, đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước, người nông dân không có quyền bán mà chỉ có cho thuê hoặc liên kết, như vậy những điều kiện để tích tụ ruộng đất rất khó. Mặc dù cũng có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích dồn điền, đổi thửa nhưng vẫn không thực sự có hiệu quả rộng rãi, chỉ ở quy mô nhỏ và các mô hình điểm.

Trong rất nhiều các hội nghị, hội thảo, DN đều tập trung phản ánh những khó khăn về quỹ đất sản xuất. Theo ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An - Mỹ Bình, DN muốn đầu tư vào nông nghiệp phải tự đi thương lượng, đền bù đất đai với nông dân. Sau đó, Nhà nước sẽ thu hồi lại phần đất đó rồi cho doanh nghiệp thuê lại. “Như vậy, doanh nghiệp phải mất hai lần tiền mới có đất “sạch” để sản xuất”, ông Huy băn khoăn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) cũng phản ánh: “Luật Đất đai đang là rào cản thật sự với doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp. Vì đất đai hoàn toàn là sở hữu công, nông dân không có quyền chuyển đổi, bán… Vì vậy, doanh nghiệp rất khó tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn. Do vậy, để giải quyết được vấn đề này, phải sửa đổi từ Luật Đất đai”.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cũng thừa nhận: “Hiện nay cả nước có gần 60 triệu người làm nông nghiệp nhưng bình quân đất canh tác nông nghiệp là 4.280 m2/hộ, chia theo đầu người là 1.150 m2/người. Cản trở lớn nhất đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là đất đai. Vì hiện nay, nhiều DN quan tâm, muốn đầu tư vào nông nghiệp nhưng không có đất. Đất đã được giao hết cho người dân”.

Điều đáng buồn là nhiều nơi, nông dân bỏ ruộng không canh tác rất nhiều, nhưng DN lại không thể thỏa thuận, đàm phán thống nhất được với hàng nghìn hộ nông dân để tập hợp đất sản xuất. Việc liên kết với nông dân thông qua các tổ chức sản xuất như hợp tác xã cũng không dễ thực hiện. Tâm lý cũ, thói quen sản xuất lạc hậu là trở ngại khiến việc liên kết không thành.

Mấu chốt chính giải quyết vấn đề này là vai trò của chính quyền địa phương. Xóa bỏ sự manh mún, nhỏ lẻ không phải là câu chuyện có thể làm được trong ngày một, ngày hai.


 Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đang trở thành lĩnh vực “hot” trong năm 2017.

Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đang trở thành lĩnh vực “hot” trong năm 2017.

70% DN khó tiếp cận vốn đầu tư vào nông nghiệp

Bên cạnh những khó khăn về đất đai, DN cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về tiếp cận nguồn vốn. Để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn... Tuy nhiên, theo phản ánh của các DN, để tiếp cận được vốn rất khó, đặc biệt là các DN nhỏ.

“Các DN lớn có thể vay vốn theo các dự án, còn DN nhỏ và vừa thì gần như không vay được vốn ngân hàng do thủ tục phức tạp và phải có tài sản đảm bảo mới được ngân hàng cho vay”, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty Mía đường Lam Sơn nêu ý kiến. Cũng theo ông Tam, cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn vẫn còn rất yếu kém nên DN phải tự đầu tư hạ tầng, mất thêm nhiều chi phí. Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho DN nông nghiệp kém, kỹ sư nông nghiệp ra trường không đáp ứng yêu cầu thực tế, DN nhỏ thì không có nguồn lực để đào tạo lại.

Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển Nông nghiệp Nông thôn phân tích, đất đai và tín dụng là những rào cản chính của DN khi đầu tư vào nông nghiệp. Cụ thể, về đất đai có đến 63% DN kêu là khó khăn, 46% kêu là rất khó khăn; về tín dụng, có đến 70% DN kêu khó khăn khi tiếp cận. Nông nghiệp là ngành có lợi thế của Việt Nam trong hội nhập nhưng nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 6% tổng vốn đầu tư của xã hội.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, Nhà nước có 5 nguồn vốn dành cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn gồm: Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tài chính vi mô, và tín dụng ngân hàng.

“Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp từ ngân sách còn ít, chỉ chiếm khoảng 6% trong tổng vốn đầu tư kinh tế, xã hội; vốn ODA, lũy kế đến nay là 5,5 tỷ USD, chiếm 7% trong tổng vốn ODA vào Việt Nam. Nguồn vốn tiếp theo là vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp, tích lũy hiện nay là 3,72 tỷ USD, chỉ chiếm 1,5% tổng vốn FDI vào Việt Nam; còn tài chính vi mô bao gồm các quỹ, hiệp hội…, đầu tư vào nông nghiệp mới chỉ chiếm 4% GDP. Bên cạnh những rủi ro tiềm ẩn, khả năng thu hồi vốn chậm, có không ít những vướng mắc từ cơ chế chính sách thu hút đầu tư bởi chính sách hiện có cũng chỉ tạm dừng lại ở mức độ khuyến khích”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn phân tích.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay mới chỉ có trên 3.600 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm dưới 1% tổng số doanh nghiệp hoạt động (420.251 DN). Nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp ngại đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là ngoài những rủi ro về thiên tai, khí hậu, dịch bệnh, lợi nhuận thấp… thì những rào cản về đất đai và nguồn vốn là những khó khăn không dễ giải quyết.

Theo Ngọc Yến

Công an Nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên