Đau vai kéo dài, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động: Bác sĩ bệnh viện ĐH Y chỉ ra 5 nguyên nhân thường gặp nhất, ai cũng nên biết
Vai là khớp linh hoạt nhất trong cơ thể, liên quan đến nhiều hoạt động hàng ngày của con người. Vì thế, những cơn đau vai thường gây khó chịu và ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt của người bệnh. Vậy nếu những cơn đau vai kéo dài bạn nên làm gì?
- 18-09-20202 loại gia vị "luôn có mặt" trong bữa ăn của nhiều gia đình không ngờ có thể gây mất ngủ nghiêm trọng
- 18-09-2020Các chuyên gia dự đoán béo phì sẽ trở thành nguyên nhân hàng đầu gây ung thư: Kiểm soát tốt điều này là cách dự phòng bệnh rất quan trọng
- 18-09-2020Phát triển bản thân chính là làm chủ 10 điều này trong cuộc sống: Điều đầu tiên, đọc về những điều bạn muốn cải thiện
Đau vai là triệu chứng thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các cơn đau kéo dài nếu không được điều trị sẽ khiến người bệnh mệt mỏi, suy nhược, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Thuốc giảm đau chỉ xoa dịu cơn đau tạm thời, không thể chữa trị triệt để. Chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị đúng cách mới là giải pháp hiệu quả để chữa tận gốc chứng đau vai.
Bàn về vấn đề này, TS BS Đỗ Văn Minh, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và y học thể thao Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội đã có bài viết chi tiết:
Theo bác sĩ Minh, hiểu một cách đơn giản, đai vai là một phức hợp xương khớp và gân cơ kết nối thân mình với cánh tay.
Về giải phẫu đai vai là một phức hợp giải phẫu được cấu thành từ 3 xương là xương đòn, xương bả và xương cánh tay, kết nối với nhau bởi 4 khớp là khớp ổ chảo- cánh tay (thường gọi là khớp vai), khớp cùng vai- đòn, khớp ức- đòn và khớp bả vai- lồng ngực.
Đai vai có biên độ vận động rộng rãi nhất cơ thể. Cũng chính vì thế mà có nhiều vấn đề với đai vai như sự mất vững, sự cọ sát của cấu trúc gân cơ với cấu trúc xương dẫn đến đau khớp vai. Đau vai có thể xảy ra khi vận động hoặc đau ngay cả khi nghỉ ngơi. Đau vai có thể thoáng qua nhưng cũng có thể nghiêm trọng và cần được chẩn đoán và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa.
TS BS Đỗ Văn Minh, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và y học thể thao Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội.
Bác sĩ Minh giới thiệu sơ lược một số nguyên nhân đau vai thường gặp. Hầu hết các trường hợp đau khớp vai đều nằm trong 5 nhóm bệnh lý sau:
- Viêm túi hoạt dịch
- Viêm gân hoặc rách/ đứt gân.
- Mất vững khớp (trật/ bán trật khớp).
- Viêm khớp.
- Gãy xương.
Ngoài ra, theo bác sĩ Minh, một số nguyên nhân gây đau vai ít gặp khác có thể là khối u, nhiễm trùng hoặc nguyên nhân thần kinh...
Viêm túi hoạt dịch
Túi hoạt dịch là những túi nhỏ, chứa dịch (hoạt dịch) nằm đệm giữa xương và mô mềm, giúp giảm ma sát khi có sự chuyển động của mô mềm (gân cơ) so với xương.
Việc sử dụng khớp vai quá mức (thường là những động tác quá đầu) có thể làm viêm túi hoạt dịch nằm giữa gân chóp xoay khớp vai và mỏm cùng vai, được biết đến là tình trạng viêm túi hoạt dịch dưới mỏm cùng vai.
Viêm túi hoạt dịch có thể đơn thuần hoặc phối hợp với viêm gân chóp xoay dẫn đến đau vai, sưng nề vai, hạn chế vận động khớp vai, làm ảnh hưởng đến các động tác sinh hoạt hằng ngày như không chải được tóc, không thể với tay kỳ lưng hoặc cài áo nhỏ (phụ nữ), không thể giơ tay lên cao…
Viêm gân
Gân là cấu trúc kết nối cơ với xương. Viêm gân có 2 hình thái:
Cấp tính: Sảy ra sau một gắng sức ở vùng vai như chơi thể thao, mang vác nặng…
Mạn tính: Viêm gân do thoái hóa hoặc do vi chấn thương lặp đi lặp lại nhiều lần.
Bệnh viêm gân ở vùng vai có thể gặp các bệnh lý:Viêm gân chóp xoay khớp vai, viêm đầu dài gân nhị đầu.
Rách/đứt gân
Cũng như viêm gân, rách/ đứt gân là tổn thương thường gặp đối với gân chóp xoay khớp vai và gân nhị đầu dài. Rách/ đứt gân cũng có thể xảy ra cấp tính sau chấn thương hoặc mạn tính do viêm thoái hóa hoặc do viêm do chấn thương. Rách/ đứt gân cơ thể bán phần hoặc hoàn toàn. Vị trí rách đứt gân thường gặp là vị trí gân bám vào xương. Khi có rách đứt gân, đầu gân bị rách đứt thường bị tụt ra xa vị trí bám của nó. Biểu hiện của rách/ đứt gân khớp vai là đau và hạn chế vận động khớp vai, yếu cơ.
Hẹp khoang dưới mỏm cùng vai
Hẹp khoang dưới mỏm cùng vai xảy ra khi có tình trạng mỏm cùng vai tạo nên ma sát đối với gân phía dưới nó (gân chóp xoay) khi thực hiện động tác dạng vai. Tình trạng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai làm cho túi hoạt dịch dưới mỏm cùng vai và/ hoặc gân chóp xoay khớp vai bị viêm, dẫn đến đau và hạn chế vận động khớp vai.
Mất vững khớp vai (trật hoặc bán trật khớp vai)
Mất vững khớp vai xảy ra khi chỏm xương cánh tay bị trật/ bán trật khỏi ổ chảo xương vai. Tình trạng này có thể xảy ra sau một chấn thương mạnh hoặc là hậu quả của chấn thương lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi tình trạng dây chằng, gân cơ, bao khớp và các cấu trúc giữ vững khớp vai bị lỏng hoặc tổn thương nặng có thể dẫn đến tình trạng mất vững khớp vai tái diễn.
Mất vững khớp vai được biểu hiện bằng đau, lỏng khớp và không sẵn sàng/ e sợ các động tác của vai liên quan đến dạng vai và xoay ngoài vai. Mất vững khớp vai dẫn đến viêm thoái hóa khớp vai.
Viêm khớp
Một trong những nguyên nhân phổ biến của đau vai là viêm khớp. Có nhiều loại viêm khớp khác nhau. Viêm khớp phổ biến nhất ở vai là viêm thoái hóa khớp vai, thường xảy ra ở tuổi trung niên hoặc người cao tuổi với các biểu hiện đau, sưng nề, hạn chế vận động khớp và cứng khớp vai. Viêm thoái hóa khớp vai có thể tiến triển chậm và nặng dần theo thời gian.
Viêm thoái hóa khớp vai thường liên quan đến viêm, rách gân cơ chóp xoay khớp vai. Một số trường hợp viêm thoái hóa khớp vai do nhiễm trùng. Ngoài ra có thể gặp viêm thoái hóa khớp cùng vai đòn, ức đòn. Viêm khớp thường gây nên hạn chế vận động và cứng khớp.
Gãy xương vùng vai
Gãy xương vùng vai thường gặp do chấn thương, ít gặp do bệnh lý. Gãy xương vùng vai có thể là gãy xương đòn, xương bả vai hoặc đầu trên xương cánh tay. Gãy xương vùng vai do chấn thương thường là hậu quả của ngã đập vai xuống nền cứng.
Chẩn đoán nguyên nhân đau vai
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ khai thác rất kỹ tiền sử bệnh, khởi phát của triệu chứng, diễn biến của các triệu chứng để xác định tình trạng sức khỏe chung cũng như tình trạng bệnh lý của khớp vai.
Khám lâm sàng chuyên sâu bởi bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình là rất cần thiết để xác định nguyên nhân gây đau khớp vai. Rất nhiều các nghiệm pháp lâm sàng sẽ được các bác sĩ sử dụng để chẩn đoán bệnh.
Các thăm dò cận lâm sàng để xác định nguyên nhân đau vai có thể cần bao gồm: X quang khớp vai, siêu âm khớp vai, cộng hưởng từ khớp vai có hoặc không tiêm thuốc đối quang từ, chụp cắt lớp vi tính khớp vai, điện chẩn thần kinh chi trên…
Theo bác sĩ Minh, để điều trị đau vai, các bác sĩ sẽ tùy theo nguyên nhân để chỉ định biện pháp phù hợp, bao gồm: Thay đổi lối sống và thói quen vận động, phục hồi chức năng, điều trị thuốc, phẫu thuật...