Dầu vượt ngưỡng 50 USD: Giá có còn tăng?
Suốt hơn 1 tuần nay thị trường vẫn được hỗ trợ bởi cam kết được OPEC đưa ra hôm 28/9 ở Algiers.
- 07-10-2016Giá dầu vượt mốc 50USD lần đầu trong 4 tháng
- 12-09-201650 USD/thùng sẽ là mức giá “kỳ diệu” của giá dầu
- 18-07-2016Tổng thống Putin và sức ép cải cách từ giá dầu
Lần đầu tiên kể từ tháng 6, giá dầu giao dịch trên sàn New York leo lên trên mức 50 USD/thùng. Thị trường được hỗ trợ bởi thông tin lượng dầu dự trữ của Mỹ sụt giảm và cam kết sẽ cắt giảm sản lượng của OPEC.
Đóng cửa phiên hôm qua (6/10), giá dầu WTI giao tháng 11 tăng 61 cent, lên 50,44 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 9/6.
Giá dầu thô biển Bắc giao tháng 12 cũng tăng 65 cent, tương đương 1,3%, lên 52,51 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 8/6.
Điều gì đang hỗ trợ cho giá dầu?
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng đầu tiên trong 8 năm của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là điều đầu tiên phải kể đến. Suốt hơn 1 tuần nay thị trường vẫn được hỗ trợ bởi cam kết được OPEC đưa ra hôm 28/9 ở Algiers. Theo đó tổng sản lượng của nhóm sẽ được giảm xuống còn 32,5 – 33 triệu thùng/ngày nhằm giảm nguồn cung và đẩy tăng giá dầu.
Mặc dù con số sản lượng cụ thể của từng nước thành viên sẽ chỉ được quyết định tại cuộc họp thường niên của OPEC vào ngày 30/11 tới, cần lưu ý rằng Nga (một trong những nước lớn tiếng ủng hộ thỏa thuận “đóng băng sản lượng” nhất) đã không có mặt tại Algiers. Do đó có thể Nga sẽ không ủng hộ thỏa thuận của OPEC. Đó cũng chính là lý do sẽ có một cuộc họp quan trọng hơn diễn ra từ ngày 8 đến 13/10 tại Istanbul, giữa OPEC và các nước ngoài OPEC.
Tại đây các thành viên OPEC sẽ phải thuyết phục Nga cắt giảm sản lượng. Nếu Nga từ chối, nhiều khả năng giá dầu sẽ quay lại ngưỡng 40 – 45 USD/thùng.
Một số người cũng lo ngại rằng mức cắt giảm sản lượng của từng nước thành viên OPEC (sẽ được quyết định vào cuộc họp tại Vienna vào ngày 30/11 tới) sẽ không đủ để thị trường thoát khỏi trạng thái dư thừa. Tuy nhiên kể từ đó khi OPEC thông báo cắt giảm sản lượng lần đầu tiên trong 8 năm, giá dầu đã tăng tổng cộng 13%.
Một lý do quan trọng khác là số liệu về dầu của Mỹ. Theo số liệu từ EIA, trong tuần kết thúc vào ngày 30/9, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã giảm 3 triệu thùng, xuống dưới mức 500 triệu thùng lần đầu tiên kể từ tháng 1. Đặc biệt, con số vẫn giảm xuống bất chấp công suất của các nhà máy lọc dầu đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2016.
Lượng dầu dự trữ của cả thế giới cũng có tuần giảm thứ 5 liên tiếp và giảm mạnh hơn mức dự báo của giới phân tích. Những con số này là tin tốt cho giá dầu.
Trong khi đó, ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu sẽ chỉ có thể chạm mốc 55 USD/thùng trước khi quay đầu giảm, bởi vì tại mức giá này các công ty dầu đá phiến Mỹ sẽ quay trở lại sản xuất.
Goldman Sachs cho rằng thị trường dầu mỏ vẫn sẽ ở trong trạng thái dư thừa nguồn cung trầm trọng trong năm 2017. Những nước có hoạt động sản xuất đang bị gián đoạn như Nigeria và Lybia sẽ quay trở lại thị trường, trong khi các công ty Mỹ vẫn tỏ ra kiên cường. Chính triển vọng năm 2017 thế giới ngập trong dầu đã khiến OPEC phải cắt giảm sản lượng.