MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đau xót nhìn cá lồng bè chết trắng sông

12-04-2016 - 15:11 PM | Thị trường

Chỉ trong 2 ngày cuối tuần qua, hàng chục lồng bè nuôi cá mú, cá chẽm, cá bớp, hồng Mỹ và cá tự nhiên ở các xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh, Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đồng loạt chết trắng, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi trồng...

Các cơ quan chức năng đã vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Thiệt hại trên 1 tỷ đồng

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, trong 2 ngày (6 - 7/4), có 18 lồng cá của 14 hộ dân ở 3 xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh, Kỳ Lợi đồng loạt chết phơi trắng bụng, ước tính thiệt hại lên đến hơn 1 tỷ đồng. Trong đó, xã bị thiệt hại nặng nề nhất là Kỳ Lợi với sản lượng cá chết 2.120kg (cá hồng Mỹ, cá bớp), ước thiệt hại 535 triệu đồng.

Ông Lê Văn Luyện, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà cho hay, tính đến ngày 7/4, trên địa bàn xã có gần 40.000 con cá nuôi lồng bè ở khu vực cửa sông Hải Khẩu đồng loạt chết, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

“Chúng tôi xuống kiểm tra còn xót hết cả ruột nói gì đến người dân. Như hộ anh Nguyễn Thái Bảo (thôn Tây Hà), trưa ngày 6/4, hơn 4.000 con cá hồng Mỹ, cá chẽm (1 tháng tuổi) nuôi trong lồng bè vẫn ăn bình thường, đùng một cái đến khoảng 2h sáng 7/4 thủy triều lên đẩy nguồn nước biển vào thì cá bắt đầu bơi lờ đờ và sau đó chết hàng loạt. Chúng tôi cho rằng cá chết là do nguồn nước ô nhiễm'', ông Luyện nói.

Ông Võ Hữu Duật (thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi) vừa vớt cá chết lên thuyền vừa sụt sùi: “Tôi nuôi 2 lồng cá bớp, bây giờ trọng lượng mỗi con cũng đạt gần 3kg rồi, gia đình đang tính ít bữa nữa nắng lên thì thu hoạch nào ngờ trong một đêm 500kg cá chết sạch sành sanh. Đây là lần đầu xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt nên chúng tôi đang rất hoang mang”.

Không chỉ cá lồng bè bị chết, ngư dân Trần Đình Hường (thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi) là người thường xuyên đánh bắt cá tại khu vực biển thuộc cảng Sơn Dương (Vũng Áng) cho hay, mấy ngày gần đây khu vực ven biển cách bờ 2 hải lý cũng có hiện tượng một số loài cá tự nhiên chết đồng loạt, ngư dân phải tự tay vớt xác cá chết lên bờ.

“Việc cá ngoài biển chết như vậy rất bất thường, chúng tôi đang nghi do ô nhiễm nguồn nước từ các nhà máy ở khu vực Vũng Áng xả thải ra", anh Hường đặt nghi vấn.

Ngoài việc đi biển khai thác thủy, hải sản, người dân các xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh, Kỳ Lợi sống dựa vào nghề nuôi cá, tôm, cua lồng bè trên biển. Các loài cá người dân đang nuôi trên đều là những đối tượng đã được nuôi thử nghiệm cho thấy hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn Hà Tĩnh và đang được tỉnh khuyến khích nhân rộng.

Tuy nhiên, hiện tượng cá chết đồng loạt xảy ra trong mấy ngày qua đã đẩy không ít hộ dân lâm vào cảnh nợ nần, tay trắng. Không những thế, giờ đây hàng chục hộ dân khác cũng đang đứng ngồi không yên lo sợ “thần chết” gõ cửa lồng tôm, cua, cá gia đình mình lúc nào không hay.

Cá chết không phải do dịch bệnh

Sau khi nhận được thông tin cá chết bất thường tại các địa phương, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh phối hợp với Sở TN-MT, Trung tâm Quan trắc Môi trường và bệnh thủy sản Miền Bắc (Viện Nghiên cứu NTTS I) và UBND thị xã Kỳ Anh đã đi kiểm tra thực tế, khuyến cáo người nuôi thu gom cá chết chôn đúng nơi quy định, không vứt thủy sản chết ra môi trường, không được bán cá chết; không dùng cá chết làm thức ăn cho động vật khác; đưa lồng bè lên bờ vệ sinh, khử trùng; tạm dừng các hoạt động thả nuôi cá lại vào thời điểm hiện tại; không lấy nước vào các ao nuôi trồng thủy sản trong khoảng thời gian này. Đồng thời, lấy mẫu nước, cá gửi đi xét nghiệm, tìm hiểu nguyên nhân.

Sáng 10/4, ông Phạm Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh thông tin với NNVN, qua mổ, khám lâm sàng, cơ quan thú y không phát hiện dấu hiệu bệnh lý, giải phẫu các cơ quan nội tạng không có biểu hiện bất thường.

“Chỉ trong một thời gian ngắn số lượng cá chết bất thường lớn nên chúng tôi đặt nghi vấn có thể do virus gây hoại tử thần kinh (VNN) gây ra, nhưng sau khi lấy mẫu gửi cơ quan Thú y vùng 3 xét nghiệm thì cho kết quả âm tính với bệnh trên. Như vậy hiện tượng cá chết ở thị xã Kỳ Anh không phải do dịch bệnh”, ông Bình nhấn mạnh.

Còn ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết, hiện mẫu nước và cá đang được Trung tâm Quan trắc Môi trường và bệnh thủy sản Miền Bắc (Viện Nghiên cứu NTTS I) xét nghiệm, khi nào có kết quả sẽ thông báo rộng rãi cho người nuôi trồng và chính quyền các địa phương biết, có phương án xử lý.

Nguyên nhân cá chết do dịch bệnh đã loại trừ. Khi có kết quả xét nghiệm cuối cùng, thiết nghĩ tỉnh Hà Tĩnh cần có chính sách hỗ trợ người nuôi trồng bị thiệt hại. Trường hợp cá chết do ô nhiễm nguồn nước, tỉnh cũng cần mạnh tay xử lý các nhà máy, cơ sở sản xuất trong KKT Vũng Áng xả thải ra môi trường không đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho người dân sống trong vùng.

theo Thanh Nga

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên