MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là cách người Nhật "hồi sinh" những vùng quê xơ xác vì già hóa dân số

10-03-2017 - 14:10 PM | Tài chính quốc tế

Nhiều vùng quê của Nhật Bản từng được dự báo sẽ biến mất vì xu hướng già hóa dân số. Tuy nhiên, công nghệ và những người trẻ tuổi đã chán ngấy cuộc sống bon chen ở thành thị đang mang đến một làn gió mới.

Đường truyền băng thông rộng tốc độ cao. Một quán bar mới mở được dựng lên từ các vật liệu tái sinh. Một cửa hàng pizza sử dụng nguyên liệu hoàn toàn hữu cơ với những chiếc bánh được nướng bằng lò đốt củi.

Đó là bức tranh cuộc sống mới ở các thị trấn Kamiyama và Kamikatsu, thuộc quận miền núi Tokushima của Nhật Bản. Trong khi già hóa dân số giống như một “cơn lũ” quét qua khiến đời sống kinh tế xã hội phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực, ở Kamiyama, người trẻ vẫn làm việc cho các tập đoàn công nghệ nhưng là làm việc từ xa. Còn ở Kamikatsu, nhiều người cao tuổi sử dụng drone và nhiều công nghệ tiên tiến để thu hoạch lá cây và hoa cung cấp cho các nhà hàng ở tận châu Âu.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hồi sinh lại các vùng nông thôn trong bối cảnh đất nước của ông phải đối mặt với tình trạng suy giảm dân số. Theo dự đoán, trong mấy chục năm nữa, già hóa khiến quy mô dân số bị thu nhỏ và có thể xóa sổ một nửa số thị trấn trên cả nước.

Gọi đây là “suy giảm dân số thông minh”, những gì xảy ra ở Tokushima được nhìn nhận là một cách để giải quyết vấn đề. Người Nhật không thể chặn đà suy giảm dân số, nhưng họ có thể sống chung với vấn đề này và tìm ra cách xử lý thông minh.

“Chúng tôi muốn tạo ra một hệ thống mà có thể duy trì cộng đồng dù dân số giảm một nửa đi chăng nữa”, Shinya Ominami (64 tuổi), Chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận Green Valley nói. Green Valley đang nỗ lực tạo nên làn sóng thay đổi ở Kamiyama.

Dân số Nhật Bản – một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới – được dự báo sẽ giảm từ mức 127 triệu hiện nay xuống còn 100 triệu người sau 30 năm nữa. Đang là đất nước nặng nợ nhất thế giới, dân số già khiến áp lực lên ngân sách càng nặng nề hơn.

Kamiyama

May mắn đã đem chàng kỹ sư phần mềm Yoichi Dan tới Kamiyama, thị trấn có khoảng 6.000 dân nhưng có hơn một chục công ty công nghệ tới đây mở văn phòng vệ tinh hoặc cho phép các nhân viên làm việc từ xa.

Cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống bon chen của một thành phố lớn, Dan và vợ rất muốn rời khỏi Tokyo. Vì thế anh nói sếp về ý định bỏ việc và tới nơi khác để tìm việc. Nhưng ông chủ của Sansan Inc. gợi ý anh nên xem xét Kamiyama – nơi Sansan có một văn phòng vệ tinh thường được sử dụng cho các buổi hội thảo và tập huấn. Dan và vợ chuyển đến đây từ năm 2013 và họ đã có 1 đứa con gái.

Kamiyama đã khởi động nỗ lực thu hút nhóm người trẻ tuổi sáng tạo ít nhất là từ năm 1999, khi Ominami của quỹ Green Valley và một số người khác bắt đầu mời họa sĩ tới đây sinh sống. Lấy Kamiyama làm hình mẫu, 43 công ty đã mở văn phòng vệ tinh ở 9 thị trấn của Tokushima.

Khó có thể định lượng những tác động kinh tế của những biện pháp này, nhưng chí ít thì dòng người trẻ tuổi chuyển đến các vùng nông thôn sinh sống cũng đã giúp cho cộng đồng dân cư ở đây thêm phần sống động, theo Satoshi Shitaro, giám đốc nghiên cứu của Viện nghiên cứu Mitsubishi (Tokyo).

Một trong những người mới chuyển đến Kamiyama là Tetsu Sumita, Chủ tịch Plat-Ease, tập đoàn có trụ sở ở Tokyo chuyên phát triển các chương trình quản lý truyền hình trực tiếp trên TV và phân phối video. Ông mở văn phòng vệ tinh ở đây từ năm 2013, với mục tiêu đa dạng hóa những rủi ro liên quan đến thảm họa đối với công ty.

Sumita cho biết ông bị hấp dẫn bởi cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Kamiyama cũng như bầu không khí nồng ấm ở đây.

Kamikatsu

Ở Kamikatsu, cụ bà 79 tuổi Yukiyo Nishikage luôn thức dậy lúc 5h30 sáng, sẵn sàng cho công việc thu hoạch lá cây và những cánh hoa sẽ được chuyển đến các nhà hàng ở Tokyo và xa hơn nữa.

Sau bữa sáng, bà bật máy tính để xem qua đơn đặt hàng và rồi tới chỗ làm việc. Bà chia sẻ sử dụng các thiết bị công nghệ “giống như một liều thuốc” giúp bà cảm thấy vui vẻ.

Ý tưởng áp dụng công nghệ vào công việc thu hoạch thực vật ở Kamikatsu đến từ Tomoji Yokoishi, Chủ tịch của Irodori – công ty đang làm việc với 350 người ở Kamikatsu mà chủ yếu là các cụ bà có độ tuổi trung bình 70.

“Các vùng nông thôn đã chán ngấy việc nhận tiền và sự giúp đỡ. Nếu như những người già làm việc và đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng, đó thực sự là một tác động lớn đến khu vực”, Yokoishi nói.

Kamikatsu đang thu hút những người trẻ muốn học về nông nghiệp. Công ty của Yokoishi đã nhận hơn 600 nhân viên thực tập từ năm 2010 đến nay, và khoảng 20% trong số đó cuối cùng đã chuyển đến sống ở Kamikatsu.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên