MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là "cách" nhanh nhất phá vỡ mọi mối quan hệ làm ăn lẫn bạn bè: Muốn làm nên đại sự, ắt phải sửa tính

18-07-2020 - 09:49 AM | Sống

Trong kinh doanh, quan hệ đóng vai trò tối quan trọng, và khi quan hệ đổ vỡ, mọi thứ khác cũng theo đó mà đi. Vì vậy, muốn xây dựng và giữ gìn quan hệ, bạn nên học cách quản trị chính cảm xúc của mình.

Tức giận là một cảm xúc rất bình thường của con người. Tuy nhiên, ông cha ta có câu: "cả giận mất khôn", tức là khi cơn phẫn nộ nổi lên, ít người có thể tự chủ hay kiểm soát được hành động của bản thân, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

Nữ chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân cho rằng: "Trong cuộc đời làm việc khắp nơi trên thế giới của mình, một trong những điều tôi thấy làm gãy đổ nhiều hợp đồng, dự án, và quan hệ nhất là "cảm xúc nhất thời". Mỗi người chúng ta đều có những giá trị riêng, có những mặc định về "sai" và "đúng". Đây là những ngòi nổ âm ỉ được chôn sâu ở đâu đó, chỉ chực chờ có người châm là nổ mà thôi.

Đây là cách nhanh nhất phá vỡ mọi mối quan hệ làm ăn lẫn bạn bè: Muốn làm nên đại sự, ắt phải sửa tính - Ảnh 1.

Khi bị châm ngòi, sự tức giận có cơ hội trỗi dậy, xâm chiếm ta, làm chủ ta, và dĩ nhiên là đứng ra điều hành mọi hành vi của ta lúc đó. Khi tức giận, cảm xúc làm cho mọi ý niệm về tiêu cực có cường độ tăng lên gấp trăm, gấp ngàn lần so với tình hình thực tế. Và những lời nói, thái độ, hành vi đáng tiếc xảy ra..."

Chính vì thế, chuyên gia đánh giá trong kinh doanh, quan hệ đóng vai trò tối quan trọng, và khi quan hệ đổ vỡ, mọi thứ khác cũng theo đó mà đi. Vì vậy, muốn xây dựng và giữ gìn quan hệ, bạn nên học cách quản trị chính cảm xúc của mình. Sau đây là 7 điều bạn có thể áp dụng:

1. Nhận biết: biết người, biết ta..., câu này đã quá nhàm rồi, nhưng trên thực tế nếu bạn không biết điều gì làm cho mình nổi cơn thì bạn sẽ khó mà kiềm được chuyện nổi cơn. Bạn nên dành thời gian cho bản thân để tìm hiểu chính mình.

2. Tập lắng nghe: khi nổi cơn giận vì bất kỳ lý do gì, ta thường đóng hết tất cả giác quan, không nghe, không thấy, không cảm, và chỉ tập trung phản ứng. Đây là phản ứng một chiều và điều này chỉ làm cho tình hình tệ hơn mà thôi. Hít một hơi thật dài, giữ bình tĩnh, và lắng nghe người đối diện. Bạn sẽ thấy là tình hình không tệ như là bạn nghĩ, và bạn cũng có thời gian và không gian để đưa ra một quyết định tốt hơn.

3. Chọn câu trả lời: khi ta mất bình tĩnh và vô tình có hành vi thái quá, ta thật ra đang đánh mất lòng tôn trọng của người khác đối với mình. Bạn nên tách mình và người đối diện ra khỏi "vấn đề", nhìn vấn đề một cách khách quan và giải quyết nó chứ không đổ dầu, thổi lửa vào cho nó. Bạn có rất nhiều cách nói và câu trả lời cho một vấn đề, hãy chọn cách giao tiếp thế nào để không xúc phạm người đối diện.

Đây là cách nhanh nhất phá vỡ mọi mối quan hệ làm ăn lẫn bạn bè: Muốn làm nên đại sự, ắt phải sửa tính - Ảnh 2.

4. Ghi nhận cảm xúc của người khác: khi giận, ta thường trở nên ích kỷ và lấy mình làm trung tâm của vũ trụ. Mọi cái sai là của người khác, mọi cái đúng là thuộc về mình. Nếu có thể bước lùi lại một bước, nhận biết cảm xúc của người đối diện, hiểu rằng người ta có quyền có cảm xúc, giá trị sống khác với mình. Người ta khác không có nghĩa là mình "sai", và càng không có nghĩa là mình phải thay đổi theo họ. Chúng ta sinh ra và lớn lên trong những hoàn cảnh khác nhau, và do đó có thể có những giá trị khác nhau thôi. Tôn trọng giá trị sống và cảm xúc của người khác và đi tìm một cách giải quyết vấn đề chung chỉ chứng tỏ là bạn có sức mạnh nội tại và có sức kết nạp mọi người.

5. Tìm hiểu sự việc: có đôi khi bạn nổi giận chỉ vì bạn hiểu lầm hoặc cảm nhận sai. Ai trong chúng ta cũng có khi mắc sai lầm. Tôi cũng vậy, bạn cũng vậy. Trước khi nổi cơn, hãy làm rõ sự việc bằng cách hỏi những câu hỏi khách quan, sử dụng câu hỏi mở như "Chuyện xảy ra như thế nào?". Hỏi và làm rõ sự việc sẽ giúp ta biết chắc mình có hiểu lầm, hiểu sai hay không trước khi phản ứng.

Đây là cách nhanh nhất phá vỡ mọi mối quan hệ làm ăn lẫn bạn bè: Muốn làm nên đại sự, ắt phải sửa tính - Ảnh 3.

6. Vô thành kiến: ai cũng có hành trang riêng trên con đường sống và lập nghiệp của mình. Sẽ rất thú vị nếu bạn lắng nghe và tìm hiểu quan điểm của người khác. Chỉ cần mở rộng trái tim mình để lắng nghe, để tìm hiểu và thông cảm thay vì giữ khư khư lấy thành kiến của mình, bạn sẽ thấy con người trên thế giới này thật ra đều hướng về những giá trị như nhau, được hiểu, được thương yêu, và hạnh phúc. Có khi, lắng nghe và tìm hiểu vô thành kiến chính là liều thuốc bổ giúp bạn phát triển bản thân mình.

7. Tập trung vào "vấn đề": khi giận, người ta thường xiên chuyện nọ, xọ chuyện kia để chứng minh một người hay một việc gì đó là "không thể chấp nhận được". Vậy là từ một vấn đề, chúng ta có thể tìm ra 1001 vấn đề liên quan. Nhiên liệu giận đong đầy, và ta bùng nổ. Có khi trên thực tế, "chuyện nhỏ như con thỏ" mà thôi. Hãy tập trung vào đúng vấn đề đang xảy ra và giải quyết chỉ vấn đề đó đã. Giải quyết xong có khi bạn sẽ quên mất vấn đề này sau một tách cà phê.

Theo PV

Trí thức trẻ

Trở lên trên