Đây là công nghệ của tương lai thu hút sự quan tâm của cả Vingroup lẫn shark Việt và shark Hưng
"Cái này hay mà", đó là nhận xét của shark Hưng sau cú bắt tay hợp tác cùng startup công nghệ về plasma. Tình cờ mới đây, tập đoàn Vingroup cũng thông báo thành lập Viện Nghiên cứu Công nghệ cao Vin Hi-Tech và viện trưởng được xem là người đứng đầu về công nghệ plasma tại Việt Nam.
- 20-08-2018Gặp gỡ ông chủ dừa Cocolala: Thất bại ngay trong lần đầu xin việc sau khi từ Mỹ trở về, 4 lần khởi nghiệp cho tới khi tìm đến Shark Tank Việt Nam
- 13-08-2018Startup Dôta nhận thêm ưu đãi từ nhà tài trợ chính của Shark Tank Việt Nam mùa 2
- 10-08-2018Căn bếp hạnh phúc SUNHOUSE và ước mơ cả đời của Shark Phú
Điểm chung đáng gờm
Trong tập 7 Shark Tank mùa 2, lần đầu tiên shark Hưng quyết định rót số vốn khủng 17 tỷ đồng vào startup PlasmaMed cùng shark Việt.
"Tôi thích cái này vì nó thực sự là startup. Quầng khí xung quanh mặt trời có plasma và chất lỏng nằm trong lõi quả đất khoảng 2.000 độ C có chứa plasma. Người ta phát hiện ra cái đó nhưng ứng dụng chỉ khoảng vài chục năm trở lại đây. Mất 100 năm người ta mới nghĩ ra các ứng dụng của trạng thái plasma", shark Hưng hào hứng nhận xét về công nghệ này.
Không những vậy, vị phó chủ tịch Cengroup dùng kỹ năng bán hàng để thuyết phục startup này. Theo shark Hưng, ông có chiến lược để họ đi xa và đi rộng hơn rất nhiều. Ứng dụng của plasma không chỉ cho câu chuyện cái máy để chữa bệnh này. "Ứng dụng plasma còn nhiều lĩnh vực mênh mông khác. Nếu các bạn nắm được công nghệ plasma là công nghệ của tương lai thì các bạn còn rất nhiều đất để dụng võ", shark Hưng công nhận tiềm năng của PlasmaMed.
Về phía shark Việt, để thuyết phục PlasmaMed, ông cho biết hiện đang đầu tư bệnh viện Phương Đông. Bệnh viện 1.000 giường này có cả trường đại học, có cả khu nội trú, khu nghiên cứu khoa học, phục hồi chức năng, có cả phẫu thuật thẩm mỹ.
"Quan hệ với giới ngành y kiểu gì cũng phải đầu tư mối quan hệ thì chi phí marketing của em sẽ ở trong cái của anh luôn", shark Việt bỏ ngỏ.
Tất nhiên PlasmaMed không nỡ từ chối những lời thuyết phục ngọt ngào nào từ 2 shark. Nói thêm về một trong 4 nhà sáng lập startup này, tiến sĩ Đỗ Hoàng Tùng bắt đầu nghiên cứu về plasma tại Đại học Greifswald (Đức) vốn được xem là trung tâm hàng đầu thế giới về công nghệ plasma.
8 năm là chặng đường anh vừa làm tiến sĩ vừa mày mò học hỏi, thu thập kiến thức về công nghệ plasma tại Đức. Về nước năm 2011, anh loay hoay khá lâu vì muốn tạo ra nguồn plasma lạnh đầu tiên của mình. Trong tay khi đó không có tiền, chẳng có phòng thí nghiệm, sau nhờ đề tài từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia Việt Nam (Nafosted), đầu năm 2013, chiếc máy chiếu tia plasma lạnh đầu tiên đã ra mắt.
TS Đỗ Hoàng Tùng.
Trở lại quyết định thành lập Vin Hi- Tech, viện này chuyên về nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các công nghệ cao thuộc các lĩnh vực năng lượng mới; vật liệu mới; công nghệ sinh học, môi trường; cơ điện tử và các công nghệ liên quan đến Công nghệ - Công nghiệp cao. Người đứng đầu Viện nghiên cứu Vin Hi-Tech là GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ, chuyên gia hàng đầu về vật lý plasma. Ông từng được Tổng thống Putin trao tặng Giải thưởng dành cho các nhà khoa học trẻ của Nga năm 2006.
GS Sỹ sinh năm 1967. Sau khi tốt nghiệp trung học tại Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Sỹ sang Nga và theo học trường Đại học Bách khoa St. Petersburg, bảo vệ thành công các luận án phó tiến sĩ và tiến sĩ. Đến năm 2003, ông được mời giảng dạy tại Đại học năng lượng Quốc gia Nga (MEI). Với đam mê nghiên cứu chuyên ngành Vật lý công nghệ Plasma, sau này ông lên làm Trưởng khoa Năng lượng Plasma, Giám đốc phòng thí nghiệm vật lý Plasma.
Tính đến nay, hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học của ông trong lĩnh vực vật lý công nghệ Plasma được biết đến trong giới khoa học không chỉ ở nước Nga. Nhiều công trình nghiên cứu của ông cùng các đồng nghiệp đã được ứng dụng trong các lĩnh vực vũ trụ, quân sự, an ninh quốc phòng, kinh tế.
Nếu đối chiếu vào lời mời của shark Việt với PlasmaMed thì có thể thấy Vingroup hiện cũng sở hữu những nền tảng tương tự thậm chí lớn hơn nhiều lần từ Bệnh viện Vinmec, trường đại học VinUni, nhà máy Vinfast, nông trại Vineco, trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Thuốc Vinfa,…
Công nghệ của tương lai
Vốn tập trung vào ứng dụng plasma vào y học, TS Tùng cho biết tiềm năng ngành này còn rất lớn. Theo đó hiện thị trường thuốc điều trị vết thương trên thế giới khoảng 20 tỷ USD một năm. Con số này của Việt Nam khoảng 50 triệu USD/năm.
Khác với thuốc kháng sinh, tia plasma còn diệt được cả bào tử nấm, virus giúp da tăng sinh để nhanh liền. Hiện tia plasma lạnh mới được một số nước như Đức, Nhật Bản, Israel phát triển thành công trong điều trị vết thương hở. Thế giới đã có những thử nghiệm đưa plasma vào mổ nội soi nhưng chưa phát triển thành thiết bị. Ở Việt Nam thiết bị này đã được ứng dụng ở nhiều bệnh viện và trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ứng dụng thành công công nghệ plasma lạnh trong điều trị.
Bên cạnh việc điều trị vết thương, y học plasma đang mở ra các ứng dụng khác trong y tế. "Ở Việt Nam, ngành này gần như trống nên tiềm năng phát triển lớn. Vấn đề chỉ là mình có chịu làm và có năng lực để làm hay không mà thôi", nhà sáng lập PlasmaMed Đỗ Hoàng Tùng chia sẻ với VnExpress.
Còn với viện trưởng Vin Hi-tech Nguyễn Quốc Sỹ lại dành nhiều năm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực xử lý rác thải bằng plasma.
GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ - Tân Viện trưởng Vin Hi-Tech.
Hiện nay, để xử lý rác thải sinh hoạt có những phương pháp khác nhau như chôn lấp, xử lý vi sinh, đốt và hóa khí. Với chôn lấp, cách này đòi hỏi diện tích lớn và gây ra thiệt hại không thể khắc phục cho môi trường. Xử lý vi sinh làm phân bón (compost) thường không khả thi vì cần phải phân loại rác đầu vào rất kỹ lưỡng để đảm bảo các hóa chất độc hại có sẵn trong rác không đi vào cây trồng, vật nuôi.
Phương pháp thiêu hủy rác bằng phản ứng đốt (oxy hóa) cũng chỉ có tác dụng nếu rác trước đó được phân loại chặt chẽ, tách các loại nhựa thải, rác điện tử và y tế…Hơn nữa các phương pháp sử dụng lò đốt bình thường ở nhiệt độ dưới 1200 độ C lại thường sinh ra dioxin và furan rất độc hại.
Hiện tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mỗ ngày có từ 5 tới 7 nghìn tấn rác thải sinh hoạt và hơn 16 tấn rác thải y tế. Theo GS Sỹ, nếu sử dụng công nghệ plasma hiện đại một cách chủ động sẽ rất có lợi. Chí ít, ở phương diện môi trường, nó tránh được độc hại so với phương pháp đốt rác thông thường.
Cú bắt tay giữa shark Hưng, shark Việt cùng PlasmaMed hay VinGroup đầu tư viện nghiện cứu công nghệ cao có thể xem là những làn gió mới mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của nền công nghệ Việt Nam.
Trí thức trẻ