MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là lý do khiến Mỹ nhất định muốn Anh ở lại EU

24-04-2016 - 10:35 AM | Tài chính quốc tế

London luôn là sự lựa chọn tiện lợi nhất đối với nhiều công ty Mỹ vì ngôn ngữ, nguồn nhân lực có trình độ cao và là cửa ngõ để các công ty Mỹ đến với phần còn lại của châu Âu.

Trong chuyến thăm Anh vào ngày 22/4, tổng thống Mỹ Obama đã cùng 8 cựu bộ trưởng tài chính Mỹ thuyết phục Anh tiếp tục là thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rút lui hay ở lại Liên minh châu Âu sau 40 năm là thành viên sẽ diễn ra trong hai tháng tới.

Kết quả cuộc bỏ phiếu này 23/6 cũng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ vì mối quan hệ thương mại rất 'đặc biệt' giữa Anh và Mỹ.

Thị trường Anh có ý nghĩa quan trọng đối với các công ty Mỹ. Các công ty Mỹ có thể hoạt động ở bất kỳ đâu trong EU nếu thành lập một cơ sở hay chi nhánh ở một trong 28 nước thành viên EU. Song London luôn là sự lựa chọn tiện lợi nhất đối với nhiều công ty Mỹ vì ngôn ngữ, nguồn nhân lực có trình độ cao và là cửa ngõ để các công ty Mỹ đến với phần còn lại của châu Âu. 30% số hàng bán của các công ty Mỹ và các chi nhánh của các công ty này ở châu Âu được sản xuất tại Anh. Nhiều ngân hàng Mỹ sử dụng London làm bàn đạp để triển khai hoạt động của mình trên khắp châu Âu vì là nước thành viên EU, Anh có "tấm hộ chiếu” cho phép các công ty tài chính cung cấp dịch vụ khắp 27 nước thành viên khác.

Song Brexit có thể làm phá vỡ đường kết nối này. Theo các cựu bộ trưởng tài chính Mỹ, Anh sẽ vẫn tiếp tục là một trung tâm tài chính hấp dẫn ngay cả khi Anh rời EU, song Anh không còn giữ được tính ưu việt toàn cầu của mình khi không còn là cửa ngõ vào châu Âu.

Ngoài ra, Brexit còn đe doạ những rủi ro cho thương mại hai chiều giữa Anh và Mỹ. Hiện tại, Mỹ là đối tác kinh doanh lớn thứ hai của Anh sau EU. Trong khi đó, Anh là nước đối tác kinh doanh lớn thứ bảy của Mỹ, sau Canada, Trung Quốc, Mexico, Nhật Bản, Đức và Hàn Quốc. Trong năm 2015, xuất khẩu của Anh đến Mỹ đạt 58 tỉ USD , chiếm trên 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này, trong khi giá trị xuất khẩu hàng hoá Mỹ đến Anh đạt 56 tỉ USD.

Mối quan hệ này càng trở nên quan trọng hơn trong lĩnh vực công nghiệp dịch vụ. Anh là nước cung cấp lớn nhất các dịch vụ trên thị trường Mỹ và ngược lại. Viễn thông, các dịch vụ công nghệ và tài chính là những lĩnh vực hàng đầu của cả hai bên.

Cục diện này cũng có thể thay đổi nếu Anh rời EU. Mỹ và EU hiện nay đang trong quá trình đàm phán về một hiệp định thương mại tự do cho tổng cộng 800 triệu dân.

Những người ủng hộ Brexit cho rằng Anh có thể đạt được các thoả thuận thương mại của riêng mình với Mỹ, Trung Quốc và các cường quốc khác. Tuy nhiên, những người phản đối Brexit lại cho rằng vị thế thương lượng của Anh có thể suy yếu đi nhiều khi không còn lại thành viên của EU.

Mỹ có thể sẽ ưu tiên thương mại tự do với châu Âu song các quan hệ song phương với Anh vì thế có thể bị ảnh hưởng. Hiện nay, không có bất kỳ hiệp định thương mại tự do nào giữa Anh và Mỹ.

Về phương diện đầu tư, các công ty Anh là các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Mỹ, nắm giữ khoảng 519 tỉ USD trị giá tài sản tích luỹ vào cuối năm 2014. Cũng trong năm này, đầu tư của Anh chiếm trên 18% tổng đầu tư nước ngoài vào Mỹ và các công ty Anh tuyển dụng khoảng 1 triệu nhân công tại Mỹ. Ngược lại, các công ty Mỹ cho đến nay là nguồn cung cấp đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Anh và đem lại 1,2 triệu việc làm.

Anh tiếp nhận khoảng 30% tổng đầu tư của Mỹ vào EU, một tỉ lệ lớn hơn bất kỳ nước nào khác. Các nhà nghiên cứu ở trường đại học John Hopkins ước tính, các công ty Mỹ nắm giữ 5 ngàn tỉ trị giá tài sản đầu tư ở Anh trong năm 2014, chiếm trên 20% tổng giá trị tài sản toàn cầu của các công ty Mỹ.

Xuân Hương

CNN

Trở lên trên