MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là lý do khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra không giống với cuộc khủng hoảng 2008, thậm chí còn “khắc nghiệt” hơn nhiều!

16-04-2020 - 15:12 PM | Tài chính quốc tế

Cuộc khủng hoảng năm 2008 không gắn liền với nỗi đau dịch bệnh, do đó thời gian và tốc độ phục hồi nhanh hơn rất nhiều. Cuộc khủng hoảng 2008 chỉ là bước chạy thử nghiệm cho cuộc khủng hoảng lần này.

Mỗi ngày trôi qua, mối đe doạ về một cuộc khủng hoảng mới sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 càng trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết. Sụt giảm sản lượng toàn cầu đang diễn ra và nó kinh khủng hơn bất cứ cuộc suy thoái nào trong suốt 150 năm qua.

Bất kể những nỗ lực của các ngân hàng trung ương và nhiều tổ chức tài chính lớn trong việc xoa dịu "nỗi đau" gây ra bởi Covid-19, thị trường tài chính ở các nền kinh tế phát triển đều đứng trước nguy cơ sụp đổ và dòng vốn tháo chạy mạnh chưa từng thấy tại các thị trường mới nổi. Nguy cơ khủng hoảng tài chính và suy thoái mạnh đã hoàn toàn hiện hữu chứ không còn là dấu hiệu nữa. Và câu hỏi khiến các chuyên gia kinh tế và nhà hoạch định chính sách đau đầu lúc này là cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ kéo dài bao lâu và mức độ nghiêm trọng như thế nào?

Cho đến khi cả thế giới nhận thức được mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh và tầm quan trọng của sức khoẻ con người đối với nền kinh tế, thì ngay cả các nhà kinh tế học hàng đầu thế giới cũng không đưa ra được dự báo cho kết quả của cuộc khủng hoảng này. Bên cạnh sự hoang mang của giới khoa học về những diễn biến khó lường của con virus chết người là sự hoang mang của các nhà kinh tế học, nhà xã hội học và cả nhà hoạch định chính sách. Họ đều có chung một câu hỏi: "Dịch bệnh này sẽ đi đến đâu và chúng ta nên làm gì trong những tháng tiếp theo?".

Những ngày qua dường như cả thế giới có chung một cảm giác: Chúng ta đang bị xâm lược bởi người ngoài hành tinh. Tất nhiên, đến cuối cùng, con người vẫn sẽ chiến thắng dịch bệnh chứ không để trái đất này bị xâm chiếm bởi những người ngoài hành tinh. Nhưng liệu cái giá phải trả cho chiến thắng này là bao nhiêu?

Hiện nay, chúng ta đều hi vọng rằng thị trường sẽ phục hồi nhanh chóng, ít nhất từ quý IV năm 2020 trở đi. Nhiều nhà bình luận đã nhìn tấm gương của Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch bệnh để khích lệ phần còn lại của thế giới. Nhưng liệu đó có phải là viễn cảnh tươi sáng và khả thi?

Xét trên một vài khía cạnh, tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc đã giảm đôi chút và người dân dần lấy lại việc làm. Nhưng không có cơ sở nào để khẳng định tỷ lệ việc làm đã quay trở lại như trước khi cơn bão Covid-19 đi qua. Ngay cả khi ngành sản xuất của Trung Quốc hoàn toàn phục hồi, câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ mua hàng hoá từ Trung Quốc khi phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu đang "đóng băng"? Ở phía bên kia, việc tăng trưởng trở lại khoảng 70% - 80% công suất dường như là giấc mơ xa vời đối với Mỹ.

Đến thời điểm hiện tại, Mỹ gần như "bất lực" trước tốc độ lây lan chóng mặt của Covid-19 mặc dù đây là quốc gia có hệ thống y tế tiên tiến nhất thế giới. Các chuyên gia kinh tế đều có chung một quan điểm cho rằng, nước Mỹ khó có thể trở lại như trước đây trừ khi thế giới có vắc xin cho Covid-19. Đương nhiên, tiến trình này có thể kéo dài 1 năm, 2 năm hoặc lâu hơn. Thậm chí nhiều người còn bày tỏ lo ngại liệu nước Mỹ có thể tiếp tục tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống mới vào tháng 11 năm nay?

Ở chiều hướng tích cực hơn, trong tháng 3 vừa qua, thị trường cũng được "an ủi" phần nào khi Tổng thống Trump và Cục dự trữ liên bang Mỹ tung ra các gói cứu trợ kinh tế khổng lồ nhằm giải cứu nền kinh tế và bảo vệ người lao động bị mất việc do Covid-19. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần của bức tranh và nước Mỹ vẫn còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước.

Nếu Covid-19 đơn thuần chỉ là cuộc khủng hoảng tài chính tạm thời, việc Chính phủ tăng cường bơm tiền để kích cầu có thể giải được bài toán khó. Tuy nhiên, đây lại là đại dịch nghiêm trọng nhất mà cả thế giới đang phải đối mặt kể từ sau dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-1920. Nếu có thêm khoảng 2% dân số toàn cầu chết vì đại dịch lần này, con số thiệt mạng do Covid-19 sẽ lên tới 150 triệu người.

Tất nhiên, không ai hi vọng giả thuyết trên xảy ra, bởi các biện pháp phong toả đất nước và thực hiện giãn cách xã hội mà các quốc gia đều đang thực hiện. Tuy vậy, sau khi cuộc khủng hoảng y tế này được giải quyết, chắc chắn nó sẽ dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế còn "nghiệt ngã" hơn rất nhiều. Thậm chí ngay cả khi các nền kinh tế tái khởi động thì thiệt hại mà các doanh nghiệp và thị trường phải gánh chịu sẽ còn kéo dài, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ nợ toàn cầu tăng cao kỷ lục kể từ khi cuộc khủng hoảng này bắt đầu.

Vấn đề ở đây không chỉ là cú sốc cầu mà còn là cú sốc lớn từ phía nguồn cung. Việc cả thế giới mắc kẹt trong nhà và có quá nhiều thời gian rảnh rỗi để mua sắm sẽ thúc đẩy cầu tăng cao và giảm tỷ lệ lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ gây sức ép lên phía cung khi 20-30% lực lượng lao động không thể đi làm.

Dĩ nhiên, chúng ta vẫn có thể hi vọng vào một kịch bản lạc quan hơn cho nền kinh tế toàn cầu. Với việc xét nghiệm trên diện rộng, chúng ta có thể biết những người khoẻ mạnh, người đã nhiễm bệnh và ai sẵn sàng quay trở lại công việc. Và ngay cả khi không có vắc xin, nền kinh tế vẫn có thể hoạt động bình thường trở lại nếu các nước tuân thủ luật cách ly và thực hiện nghiêm túc các yêu cầu giãn cách. Tuy nhiên, nếu không xét nghiệm trên diện rộng và người dân không nghiêm túc tuân thủ luật cách ly, đó sẽ là một bối cảnh không bình thường kéo dài trong vài năm tới.

Ở thời điểm hiện tại, có thể dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường chưa lớn bằng mức sụt giảm từ cuộc khủng hoảng toàn chính toàn cầu năm 2008 nhưng hãy nhớ rằng cuộc khủng hoảng năm 2008 không gắn liền với nỗi đau dịch bệnh, do đó thời gian và tốc độ phục hồi nhanh hơn. Và nếu như cuộc khủng hoảng 2008 chỉ là bước chạy thử nghiệm cho cuộc khủng hoảng lần này, các nhà đầu tư cũng không nên kỳ vọng thị trường có thể phục hồi nhanh chóng.

Ở một diễn biến khác, các nhà nghiên cứu Mỹ hứa hẹn sẽ cố gắng nghiên cứu ra vắc xin chống Covid-19 trong một vài tháng tới khi họ có thể truy cập trực tiếp dữ liệu từ bệnh nhân trong nước, chứ không thông qua những báo cáo của Trung Quốc từ tỉnh Hồ Bắc như trước đây. Sau tất cả, chỉ khi virus nhỏ bé bị đánh bại, chúng ta mới tính được cái giá mà nền kinh tế toàn cầu đã phải trả cho cuộc chiến này. Và chắc chắn, đó là một cái giá không hề rẻ!

Hà My

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên