MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là lý do nhà đầu tư nên "đòi hỏi" Hòa Phát phải có chính sách cổ tức khác bây giờ

27-02-2017 - 13:23 PM | Doanh nghiệp

Thay vì mức cổ tức năm nào chốt năm đấy, cổ đông Hòa Phát nói riêng và nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn đầu tư lớn nói chung nên đòi hỏi Hội đồng quản trị phải có chính sách cổ tức dài hơi hơn.

Trong các thông tin được công bố của công ty cổ phần niêm yết, thông tin về cổ tức là một trong những thông tin quan trọng nhất mà nhà đầu tư quan tâm khi xem xét đầu tư vào một cổ phiếu. Trên cơ sở thông tin về cổ tức và các thông tin khác như lợi nhuận hay tốc độ tăng trưởng, nhà đầu tư đánh giá triển vọng phát triển của một công ty, định giá cổ phiếu và ra quyết định mua bán cổ phiếu này.

Mới đây, Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia Vinare đã dành hẳn một nghị quyết riêng của Hội đồng quản trị về việc công bố chính sách cổ tức trong dài hạn giai đoạn 2017 – 2020, theo đó, “công ty sử dụng tối đa 55% lợi nhuận sau thuế hàng năm để chia cổ tức. Tỷ lệ chia cổ tức thực tế hàng năm do Đại hội đồng cổ đông quyết định”.

Đây là một điểm độc đáo mà hiện nay đa số các công ty niêm yết chưa thực hiện, là một trong những thay đổi đáng kể so với phương thức công bố thông tin về cổ tức hiện nay, đó là, đa số các công ty không công bố chính sách dài hạn về cổ tức mà chỉ đề xuất mức chi trả cổ tức cụ thể từng năm để trình ra Đại hội đồng cổ đông, sau khi được Đại hội đồng cổ đông phê chuẩn, trong năm đó, công ty ra nghị quyết HĐQT về việc chia cổ tức từng đợt trong năm. Trong nhiều chiến lược và kế hoạch tài chính dài hạn của các công ty niêm yết công bố tới các cổ đông, thường chỉ có dự kiến về doanh thu, vốn điều lệ và lợi nhuận trong dài hạn chứ ít có công bố cam kết dài hạn về cổ tức.

Vậy một vấn đề tranh luận đặt ra đó là, có nên hay không việc các công ty nên công bố một chính sách cổ tức trong dài hạn làm khung chính sách cổ tức để công ty theo đó tuân thủ hay chỉ cần từng năm đề xuất mức cổ tức cụ thể?

Điểm thứ nhất đó là tính tuân thủ, nếu Hội đồng quản trị công ty công bố chính sách dài hạn về cổ tức thì điểm bất lợi tiềm tàng từ đó mang lại đó là tính tuân thủ theo đó sẽ ràng buộc, các công ty sẽ phải chấp hành thay vì có thể linh hoạt như phương thức hiện nay đó là chỉ đề xuất mức cổ tức hàng năm, từ đó đặt ra một áp lực đáng kể cho ban quản trị công ty.

Thứ hai là tác động phát tín hiệu, ưu điểm của việc công bố chính sách cổ tức trong dài hạn là nó đưa ra những tác động phát tín hiệu rõ ràng về triển vọng kinh doanh dài hạn của công ty. Trong trường hợp của Vinare, việc chính sách cổ tức 4 năm tới dự kiến tối đa được chi dùng 55% lợi nhuận sau thuế cho việc chi trả cổ tức cho thấy, công ty đang có xu hướng ưu tiên giữ lại một phần đáng kể lợi nhuận để tái đầu tư, qua đó tăng tiềm lực vốn chủ sở hữu, thúc đẩy sự tăng trưởng. Điều này phát tín hiệu về kỳ vọng của ban lãnh đạo Vinare vào triển vọng tăng trưởng tương lai của Vinare là khá tích cực.

Thứ ba, một ưu điểm lớn của việc công bố chính sách cổ tức trong dài hạn đó là những cam kết dài hạn về cổ tức của công ty giúp giảm rủi ro cho nhà đầu tư và giúp nhà đầu tư có cơ sở thông tin tốt hơn trong định giá cổ phiếu và qua đó đánh giá giá trị doanh nghiệp sát thực hơn.

Các thông tin dài hạn về cổ tức, mặc dù chỉ là một khung dự kiến cổ tức (ví dụ một công ty có thể công bố chính sách cổ tức trong giai đoạn 2017 – 2020 mức cổ tức tiền mặt dao động 10% - 15%) đã đem đến nhiều thông tin giá trị cho nhà đầu tư trong việc định giá cổ phiếu, giảm thiểu rủi ro thông tin cho nhà đầu tư.

Những công bố dài hạn của công ty về mức cổ tức trên thực tế dựa trên những ước định tương đối thận trọng của Ban điều hành công ty về mức lợi nhuận có thể được duy trì trong dài hạn. Những công ty có cam kết dài hạn về cổ tức và thực sự tuân thủ cam kết này thường được nhà đầu tư đánh giá tích cực và giá cổ phiếu thường có xu hướng ổn định và được đánh giá cao.

Trên cơ sở những điểm lợi và bất lợi của phương thức công bố chính sách cổ tức trong dài hạn, chúng ta có thể đề xuất điều gì về công bố cổ tức cho các công ty đại chúng nói chung và công ty niêm yết nói riêng?

Sự công bố của ban quản trị về chính sách cổ tức dài hạn trở nên quan trọng nhất khi công ty có sự thay đổi rất quan trọng về chiến lược phát triển và chiến lược đầu tư. Một ví dụ rõ nhất hiện nay đó là Tập đoàn Hoà Phát.

Bắt đầu từ năm 2017, Hoà Phát về cơ bản đã đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển đa ngành, với tốc độ tăng trưởng kỳ vọng cao và nhu cầu vốn đầu tư lớn, đặc biệt là nhu cầu đầu tư cho đại dự án thép ở Dung Quất (tổng mức đầu tư xấp xỉ 52.000 tỷ) và đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp. Chính vì vậy, chính sách cổ tức sẽ cần thay đổi từ một chính sách cổ tức từ việc chi trả cổ tức tiền mặt tương đối ổn định hiên nay (10% - 15% hàng năm trong giai đoạn 2010 – 2016) sang một chính sách ưu tiên trả cổ tức bằng cổ phiếu là rất cần thiết. Tập đoàn Hoà Phát có nên ra một nghị quyết riêng của HĐQT về sự thay đổi chính sách cổ tức 5 năm tới và kèm theo những phân tích lý giải sự thay đổi chính sách cổ tức này? Câu trả lời là hoàn toàn cần thiết.

Điểm quan trọng của việc công bố sự thay đổi chính sách cổ tức này là công ty cần cung cấp kèm theo những phân tích và đánh giá những nguyên nhân của sự thay đổi chính sách cổ tức xuất phát từ những vấn đề của chính sách đầu tư và kèm theo dự kiến tỷ suất lợi nhuận thu được từ các khoản đầu tư này.

Theo nhiều nghiên cứu về công bố cổ tức cho thấy, Ban điều hành của công ty có dự án tốt mà chi trả quá nhiều cổ tức nay phải cắt giảm cổ tức cần công bố rõ ràng để truyền tải thông tin, nhằm giúp các nhà đầu tư phân biệt công ty với những công ty cắt giảm cổ tức do sự suy giảm lợi nhuận.

Sự nghi ngờ của thị trường đối với nguyên nhân cắt giảm cổ tức sẽ được giải quyết một phần bằng việc cung cấp cho thị trường thông tin về chất lượng của các dự án ở thời điểm cắt giảm cổ tức. Vì nếu nhà đầu tư không biết nguyên nhân cắt giảm thì họ sẽ thường diễn giải theo trường hợp tiêu cực nhất là cắt giảm cổ tức vì triển vọng tương lai nghèo nàn và điều này sẽ khiến giá cổ phiếu thực sự bị sụt giảm mạnh hơn khi họ bán tháo cổ phiếu.

Vậy nếu công ty thay đổi đáng kể chính sách cổ tức cho phù hợp với bối cảnh mới của chiến lược phát triển, như trong trường hợp của Tập đoàn Hoà Phát, thì có lo ngại việc công bố cụ thể việc giảm tỷ lệ chi trả cổ tức sẽ làm giảm mạnh giá cổ phiếu hay không?

Việc công ty theo đuổi chính sách cổ tức cao trong một thời gian dài đã thu hút được những cổ đông tìm kiếm thu nhập từ cổ tức cao. Do đó, việc thay đổi chính sách cổ tức theo hướng cắt giảm có thể sẽ gây ra sự không hài lòng của các cổ đông này. Điều này có thể khiến những cổ đông này phản ứng tiêu cực theo hướng bán cổ phiếu và ban đầu sẽ khiến giá cổ phiếu sụt giảm.

Tuy nhiên, nếu ban quản trị thông tin đầy đủ cho các cổ đông rằng điều này nhằm tái đầu tư vào những dự án hiệu quả và điều này tốt cho lợi ích dài hạn của cổ đông, sự bất mãn của cổ đông có thể sẽ được giảm thiểu. Và nếu nhiều các cổ đông bán cổ phần của họ vì không thích chính sách cổ tức mới, công ty sẽ thu hút được các cổ đông mới, những người sẵn lòng chấp nhận cổ tức thấp hơn và ưu tiên cho tái đầu tư tăng trưởng.

Đây được gọi là hiệu ứng khách hàng của chính sách cổ tức (client effect), theo đó, một công ty có chính sách cổ tức như thế nào thì sẽ thu hút được các nhà đầu tư ưa thích chính sách đó. Chính vì vậy, phản ứng tức thì của thị trường sẽ là sự sụt giảm giá cổ phiếu, tuy nhiên, sau đó, giá cổ phiếu sẽ phục hồi và tăng lên do những nhà đầu tư mới ưa thích chính sách cổ tức mới mua vào.

ThS. Nguyễn Tuấn Dương-Học viện tài chính

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên