MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là lý do vì sao nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn chưa bắt kịp công nghệ 4G

25-07-2021 - 20:27 PM | Tài chính quốc tế

Đây là lý do vì sao nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn chưa bắt kịp công nghệ 4G

Phản ứng của Đức trước đại dịch Covid-19 càng cho thấy những thiếu sót kỹ thuật số đang tồn tại trong lĩnh vực công khiến các nhà quan sát quốc tế cảm thấy vô cùng khó hiểu.

Trường học trang bị máy tính lạc hậu. Cơ quan y tế làm việc trên máy fax. Các văn phòng cung cấp ít hoặc thậm chí không có những dịch vụ internet. Tất cả những vấn đề này đang là thực tế tại Đức năm 2021.

Phản ứng của Đức trước đại dịch Covid-19 càng cho thấy những thiếu sót kỹ thuật số đang tồn tại trong lĩnh vực công khiến các nhà quan sát quốc tế cảm thấy vô cùng khó hiểu. Họ đặt ra câu hỏi rằng: Tại sao một quốc gia giàu nhất châu Âu lại không thể tiến hành hiện đại hóa và số hóa trong lĩnh vực hành chính?

Cố vấn kỹ thuật số hàng đầu của bà Merkel cho rằng một phần nguyên nhân nằm ở hệ thống chính trị phi tập trung của Đức.

Katrin Suder, trưởng ban cố vấn chính phủ Hội đồng Kỹ thuật số, trong tập podcast mới nhất trên DW cho biết: "Hệ thống được thiết kế khi không có nền tảng, không số hóa, không có công nghệ thông tin". Tại Đức, các bang được quyền định hình các chính sách riêng trong lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục.

Nhà cố vấn Suder lập luận rằng chính sự phân chia quyền lực này đã ngăn cản Đức thúc đẩy quá trình hiện đại hóa lĩnh vực công. Do đó, cần có nhiều cú huých hơn nữa tác động lên chính phủ liên bang ở Berlin.

Đây là lý do vì sao nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn chưa bắt kịp công nghệ 4G - Ảnh 1.

Katrin Suder, cố vấn về các vấn đề kỹ thuật số của bà Merkel.

Đại dịch giúp Đức mở rộng tầm mắt

Nhiều năm qua, các chuyên gia đã cảnh báo sự tụt hậu của Đức trong đổi mới công nghệ ở lĩnh vực công. Báo cáo gần đây của EU cho biết, Đức xếp thứ 21 trong số 27 quốc gia thành viên và Vương quốc Anh về cung cấp dịch vụ trực tuyến cho công dân.

Nhưng phải đến khi đại dịch Covid-19 xuất hiện bắt buộc hạn chế tiếp xúc và tăng cường các hoạt động qua internet thì thực tế này mới bắt đầu ảnh hưởng đến nhiều người ở Đức. Vài tháng sau khi đại dịch bùng phát, các cơ quan y tế vẫn đang báo cáo số ca nhiễm bằng máy fax. Người dân Đức gặp khó khăn khi làm việc tại nhà do kết nối internet bị lỗi.

Trên khắp cả nước, các trường học thiếu những công nghệ cơ bản để tổ chức dạy học trực tuyến. Theo lập luận của nhà cố vấn, nguyên nhân sâu xa là do mỗi bang sử dụng các công cụ điện tử khác nhau dẫn đến sự khác biệt lớn về chất lượng học tập. Điều này ngăn cản Đức phát triển một nền tảng học tập điện tử chung mà tất cả các bang có thể thích ứng tùy theo mục đích của họ.

Thành lập Bộ Kỹ thuật số có phải là giải pháp?

Cố vấn Katrin Suder tin rằng cần có nhiều cải cách hơn nữa để lĩnh vực công của Đức bắt kịp với thời đại số hóa. Cô cũng tin rằng thành lập một bộ chuyên trách vấn đề kỹ thuật số có thể là một phần giải pháp.

Tuy nhiên, cô cũng cảnh báo rằng chính phủ cần cực kỳ cẩn thận khi thiết lập bộ mới, nếu không nó sẽ tạo ra một loạt những bài toán khác. Cơ quan mới cần có ngân sách và nhân viên riêng. Bộ cũng cần là cơ quan đi đầu trong các chính sách sáng kiến.

"Nhưng chỉ một bộ mới sẽ không thay đổi được cuộc chơi", cô nói. Đức cần cải thiện trong việc thuê các chuyên gia kỹ thuật cho chính phủ. Những người làm công việc quản trị cũng cần năng động hơn với những khả năng mới xảy ra trong quá trình chuyển đổi số.

Tham khảo DW

Khánh Ly

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên