MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là ngành học dự đoán sẽ bùng nổ sau đại dịch: Cơ hội việc làm thì "sum suê", mức lương ổn định lại ê hề khoản thưởng

14-10-2021 - 20:37 PM | Sống

Ngành học này hiện đình trệ vì yêu cầu phòng dịch chứ không phải do giảm nhu cầu.

Dịch Covid-19 đã khiến nhiều ngành nghề ảnh hưởng, trong đó có những ngành liên quan đến du lịch, dịch vụ khách sạn. Cụ thể doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, giảm 51,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên du lịch nội địa giảm mạnh như Hà Nội giảm 44,3%, thành phố Hồ Chí Minh giảm 53,6%, Quảng Ninh giảm 36,6%...

Một số địa phương có khởi sắc đón khách nội địa trong quý I/2021, nhưng đợt dịch thứ 4 bùng phát khiến khách hủy phòng, hủy tour hàng loạt gây thiệt hại rất lớn cho cơ sở kinh doanh lưu trú và doanh nghiệp lữ hành.

Đây là ngành học dự đoán sẽ bùng nổ sau đại dịch: Cơ hội việc làm thì sum suê, mức lương ổn định lại ê hề khoản thưởng - Ảnh 1.

Ngành Quản trị khách sạn được dự đoán sẽ bùng nổ sau dịch. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên theo dự báo của các chuyên gia, sau đại dịch, một số ngành sẽ bùng nổ trở lại, bao gồm ngành Quản trị khách sạn. Theo thông tin từ báo Dân trí, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho biết, khi Covid-19 qua đi, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống sẽ đón đợt phát triển "bùng nổ", kéo theo đó nhu cầu nhân sự cao.

Trong mùa tuyển sinh năm nay, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng khối ngành du lịch, khách sạn, dịch vụ vẫn có rất đông thí sinh lựa chọn. Cụ thể, số liệu đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ năm 2021 cho thấy, gần 200.000 em đăng ký nhóm ngành này, trong khi chỉ tiêu có hơn 24.000. Và về mức độ cạnh tranh, khối ngành du lịch - dịch vụ đang đứng thứ 4 trên tổng số 24 nhóm ngành".

Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, ngành Quản trị khách sạn hiện đình trệ vì yêu cầu phòng dịch chứ không phải do giảm nhu cầu. Vậy nên ngành này không lo thiếu việc làm.

Ngành Quản trị khách sạn học những gì, mức lương ra trường có khả quan không?

Trong các mùa tuyển sinh hàng năm, Quản trị khách sạn luôn là ngành hot, thu hút nhiều sĩ tử nộp hồ sơ. Theo đó, Quản trị khách sạn là ngành học về cách quản lý và tổ chức các hoạt động của khách sạn một cách hiệu quả và hợp lý. Người quản lý phải lập kế hoạch, chỉ đạo và điều phối các bộ phận nhân sự như lễ tân, phục vụ, nhà bếp, kế toán,… Phân công công việc, nhiệm vụ, phối hợp các nguồn lực, khởi xướng các kế hoạch kinh doanh và chiến lược phát triển thị trường.

Ngoài ra, học cách kiểm soát ngân sách và các chi phí hoạt động khác, đảm bảo việc thực hiện và tuân thủ các quy định về khách sạn do Nhà nước đặt ra, đồng thời chỉ đạo việc quảng bá hình ảnh của khách sạn thông qua các hoạt động quảng cáo, PR,...

Sau khi ra trường, sinh viên có thể đảm nhiêm các công việc: Quản lý hoặc chuyên viên các bộ phận lễ tân tiền sảnh, phòng, ẩm thực, bếp, hội nghị yến tiệc, nhân sự, tài chính - kế toán, kinh doanh doanh - tiếp thị, hành chính, nhân lực, marketing… tại các resort, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch…; Cán bộ điều hành, tiếp thị, nhân sự, tài chính tại các cơ quan nghiên cứu, kinh doanh du lịch trong và ngoài nước; Giảng dạy nghiên cứu về nhà hàng khách sạn tại các trường đại học cao đẳng,...

Đây là ngành học dự đoán sẽ bùng nổ sau đại dịch: Cơ hội việc làm thì sum suê, mức lương ổn định lại ê hề khoản thưởng - Ảnh 2.

Hiện tại rất nhiều trường đại học đang đào tạo ngành học này, có thể kể đến như: Đại học Ngoại thương (FTU); Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU); Đại học Thương mại (TMU); Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn - ĐHQG Hà Nội (USSH); Đại học Công nghiệp (HaUI),...

Năm 2021, điểm chuẩn đầu vào ngành Quản trị khách sạn của Đại học Ngoại thương lên tới 28,45 điểm với tổ hợp A00. Đại học Kinh tế Quốc dân cũng lấy 27,35 điểm.

Theo khảo sát mức lương ngành Quản trị khách sạn sẽ dao động tùy theo từng vị trí công việc. Cấp nhân viên, mức lương dao động từ 6.000.000 – 8.000.000 đồng/ thán. Cấp quản lý, mức lương dao động từ 15.000.000 – 20.000.000 đồng/tháng. Với vị trí giám đốc, lương dao động từ  25 – 50 triệu đồng/tháng, tùy quy mô khách sạn.

Ngoài mức lương, người lao động còn được hưởng những khoản phụ cấp khác theo chính sách của doanh nghiệp.

Theo Thanh Hương

Pháp luật & Bạn đọc

Trở lên trên