MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là người đàn ông sẽ đảo lộn trật tự kinh tế thế giới?

12-03-2017 - 15:16 PM | Tài chính quốc tế

Peter Navarro cho rằng “trật tự tự do giao thương” mà thế giới đã duy trì suốt 70 năm qua là không công bằng đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Những nước như Trung Quốc đang triển khai chiến thuật “xâm lược bằng cách mua lại”, thâu tóm nhiều tài sản Mỹ.

Hôm 6/3, trong 1 bài phát biểu trước Hội đồng kinh doanh kinh tế quốc gia (NABE), Chủ tịch Ủy ban thương mại Mỹ Peter Navarro đã đưa ra những vấn đề chủ chốt trong chương trình nghị sự về thương mại của mình.

Luận điểm đáng chú ý nhất trong bài phát biểu của ông cho rằng “trật tự tự do giao thương” mà thế giới đã duy trì suốt 70 năm qua là không công bằng đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Những thỏa thuận tồi tệ khiến những việc làm giá trị nhất bị cướp khỏi tay người Mỹ. Mỹ cũng bị cô lập trên thị trường nước ngoài. Những nước như Trung Quốc đang triển khai chiến thuật “xâm lược bằng cách mua lại”, thâu tóm nhiều tài sản Mỹ.

Không chỉ riêng Trung Quốc bị chỉ trích, Navarro đã liệt kê 15 quốc gia khác, thậm chí trong đó có rất nhiều nước là đồng minh của Mỹ. Ông khẳng định những nước này đang khiến thâm hụt thương mại của Mỹ gia tăng bằng cách xuất siêu. Theo Navarro, đây chính là nguyên nhân khiến kinh tế Mỹ trì trệ trong nhiều thập kỷ gần đây.

Bài phát biểu này bổ sung thêm cho bài bình luận được đăng trước đó trên tờ Wall Street Journal – bài viết làm dấy nên nỗi lo sợ trong cộng đồng kinh tế học. Trong đó Navarro tuyên bố ông sẽ đi theo những nước được gọi là thao túng tiền tệ và không có nghĩa vụ phải hiểu về Export-Import Bank - ngân hàng chuyên giúp đỡ nguồn vốn cho các doanh nghiệp đầu tư và mở rộng hoạt động ở nước ngoài (ngân hàng này đã bị phe cánh hữu chỉ trích).

Ông cũng muốn Mỹ “ép” các nước như Đức phải hủy bỏ đồng euro và xóa bỏ các hiệp định thương mại đã tồn tại lâu đời. Ông không thừa nhận những lập luận như nếu làm vậy Mỹ sẽ bị trả đũa hoặc tự động hóa mới là thứ khiến việc làm không thể quay trở lại như trước.

Nhìn vào những lý lẽ này, một số người cho rằng Navarro đã trở thành “người đàn ông nguy hiểm nhất đối với kinh tế thế giới”.

Hãy cho người đàn ông này một cỗ máy thời gian

“Chúng tôi đang cố gắng hướng về tương lai”, Navarro khẳng định khi miêu tả nền kinh tế Mỹ mà ông đang hướng đến.

Tuy nhiên, thực sự thì viễn cảnh mà Chủ tịch Ủy ban thương mại Mỹ đưa ra lại tồn tại đâu đó trong những năm 1970. Navarro muốn mang những việc làm “cấp 2 và cấp 3”, những việc làm gắn chặt với chuỗi cung tứng toàn cầu, quay trở lại nước Mỹ để giảm thâm hụt thương mại với các quốc gia khác.

Theo ông, thâm hụt thương mại chính là lực cản lớn nhất đối với nền kinh tế. Nhưng đây có vẻ là một suy nghĩ sai lầm. Thâm hụt thương mại không hề liên quan đến tăng trưởng GDP. Và đối với những việc làm mà ông muốn đem về, một phần đã “chạy” sang những nước có chi phí nhân công thấp nhưng cũng có một phần không nhỏ mất đi vì tự động hóa – điều mà Navarro không công nhận.

“Hoạt động sản xuất hàng hóa công nghiệp có hệ số nhân việc làm cao hơn và cũng đem lại mức lương cao hơn”, ông nói. “Để có thể tăng số việc làm mới và tăng lương, để những nơi từng là trung tâm công nghiệp hùng mạnh như Ohio, Michigan, North Carolina và Pennsylvania có thể hồi sinh, chúng ta phải tập trung vào việc mở rộng và hậu thuẫn cho các vùng công nghiệp bằng những chính sách ưu đãi về thuế, luật lệ quản lý hay năng lượng.

Nhưng sự thật là ở thời điểm hiện tại, khu vực hứa hẹn nhất và đóng vai trò quan trọng nhất đối với kinh tế Mỹ lại không phải là công nghiệp. Đó là ngành dịch vụ, từ những nhân viên trong siêu thị đến tài xế taxi hay nhân viên ngân hàng và y tá. Và mức lương của ngành này cũng có rất nhiều cấp bậc.

Có tới 76,5% lao động Mỹ làm việc trong ngành dịch vụ, so với mức 10,4% của ngành sản xuất.

Có tới 76,5% lao động Mỹ làm việc trong ngành dịch vụ, so với mức 10,4% của ngành sản xuất.

Ông Navarro quả quyết rằng thay vì đào tạo nhân lực cho ngành dịch vụ, Chính phủ nên tập trung vào việc “lấy lại chuỗi cung ứng và khả năng sản xuất”.

Ông còn gắn vấn đề thâm hụt thương mại và sản xuất của nước Mỹ vào 16 nước được cho là “có vấn đề”, bao gồm nhiều đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức.

“Trong khi tỷ lệ người lao động Mỹ làm trong ngành sản xuất hiện chỉ là 8%, ở Đức – một trong những nước tự động hóa phát triển mạnh nhất thế giới, tỷ lệ vẫn là 20%”.

Năm 2014, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính nếu ngành sản xuất của Mỹ đứng riêng rẽ, nó sẽ là nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới. Toàn bộ nền kinh tế Đức lớn thứ 4 thế giới. Lee Branstetter, giáo sư ĐH Carnegie Mellon, mỉa mai nói với Business Insider rằng “thứ tốt nhất mà người Đức có thể làm là những bộ chế hòa khí. Họ làm ra ổ trục bánh xe và hệ thống phun xăng. Thật kỳ lạ là chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nội các của ông Trump lại muốn chúng ta giống như vậy”.

Kẻ thù ở khắp nơi

Nếu Navarro muốn nước Mỹ giống với Đức, Mỹ sẽ giống như “một người phụ nữ da trắng độc thân”. Ông ghen tị với ngành công nghiệp của nước Đức, nhưng ông cũng gọi Đức là một kẻ thao túng tiền tệ để ở trong Eurozone.

“Đức sử dụng lý lẽ là thành viên của eurozone để không ký hiệp định thương mại song phương với Mỹ - điều có thể đúng mà cũng có thể sai. Đức sẽ là một trong những nguồn khiến Mỹ thâm hụt thương mại mà chúng ta khó đối phó nhất”, ông nói.

Lập luận này có thể đúng, nhưng điều đáng lo ngại là Navarro đang muốn can thiệp cả vào chuyện nội bộ của nước khác. Ông còn tỏ ra lo ngại về làn sóng thâu tóm doanh nghiệp Đức của Trung Quốc: “Sự thật là – tôi chưa thể kiểm chứng thông tin này, nhưng một số người nói với tôi thông tin này là đúng – mỗi ngày trôi qua đều có 1 doanh nghiệp Đức bị Trung Quốc thâu tóm”.

Những lo ngại về nguy cơ các đối tác thương mại trả đũa và Mỹ sẽ phải trả giá đắt bị Peter Navarro bác bỏ hoàn toàn. “Đối với tôi, đây là lập luận vô căn cứ bởi nó giả định rằng những người nghèo nhất trong xã hội Mỹ sẽ có thể mua hàng hóa rẻ hơn cùng với một việc làm tốt và mức lương tốt”.

Lập luận của Navarro khiến các chuyên gia kinh tế “đứng ngồi không yên” vì lo lắng. Tuy nhiên điều may mắn là những động thái gần đây cho thấy đội ngũ kinh tế của Tổng thống Trump vẫn chưa vội vã hành động.

Tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói với CNBC rằng ông không coi Đức là nước thao túng tiền tệ. Và ít nhất tới tháng 4 Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin mới đưa ra quyết định liệu Trung Quốc có thao túng tiền tệ hay không.

Thu Hương

Business Insider

Từ Khóa:
Trở lên trên