MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là nguyên nhân khiến cổ phiếu Apple bị rớt giá “thảm”

22-11-2018 - 10:06 AM | Tài chính quốc tế

Apple đã có lúc là tâm điểm của phố Wall.

Là công ty Mỹ đầu tiên đạt được giá trị thị trường 1.000 tỉ USD, gã khổng lồ công nghệ này từng rất tự hào về các sản phẩm thiết lập xu hướng của mình, cũng như một đống tiền mặt lớn hơn cả nền kinh tế của một số quốc gia và lượng người tiêu dùng trung thành đến nỗi sẵn sàng cắm trại qua đêm để có được sản phẩm mới nhất của Apple.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, sự yêu thích dành cho công ty có trụ sở ở California này đã giảm mạnh.

Giá cổ phiếu của họ đã giảm hơn 20% kể từ tháng 10, làm ảnh hưởng đến các cổ phiếu khác và "lây" sang thị trường rộng lớn hơn.

Giá cổ phiếu của công ty hiện đang giao dịch dưới 180 USD, và chỉ tăng khoảng 2,3% trong năm 2018.

Vậy thì điều gì đã làm mất đi "ánh hào quang" của Apple?

1. Nhà đầu tư đang lo lắng về doanh số iPhone

Hồi tháng 9, Apple đã tiết lộ một dòng sản phẩm mới nhưng không rõ liệu sự phấn khích mà họ tạo ra đó có đang chuyển thành doanh thu hay không.

Số lượng sản phẩm Apple bán ra gần như không tăng trong quý gần nhất và dự báo tăng trưởng doanh thu cho mùa nghỉ lễ – vốn thường là thời điểm mà các gia đình mua sắm những món "đồ chơi" mới nhất – mà công ty này đưa ra là 0% - 5% so với cùng kỳ năm trước đã khiến cho nhà đầu tư thất vọng, gây ra một đợt bán tháo ồ ạt trên thị trường.

Đây là nguyên nhân khiến cổ phiếu Apple bị rớt giá “thảm” - Ảnh 1.

Những thông báo gần đây về việc cắt giảm sản xuất tại một số nhà cung cấp của công ty - như Lumentum – đã làm tăng thêm sự lo lắng, mặc dù những động thái như vậy khó mà giải thích được điều gì.

Tuy nhiên, Apple đã làm trầm trọng thêm vấn đề với quyết định ngừng cho biết họ đã bán ra bao nhiêu iPhone, iPad và các sản phẩm khác mỗi quý, gây ra những nghi ngờ rằng họ đang che giấu điều gì đó.

2. Giá cao có thể khiến cho Apple bị thiệt hại tài chính nếu nền kinh tế xấu đi

Trong những năm gần đây, Apple đã phản ứng với sự sụt giảm doanh số điện thoại thông minh bằng cách tăng giá - một động thái đã giúp công ty đạt doanh thu kỷ lục, ngay cả khi ngành này nhìn chung không còn được như xưa.

Dẫu vậy, tăng trưởng toàn cầu và của Mỹ được cho là sẽ chậm lại, và dữ liệu gần đây về chi tiêu của người tiêu dùng đã cho thấy điều đó.

Với việc đưa ra mức giá lên tới 750 USD cho chiếc iPhone rẻ nhất của mình, Apple có nguy cơ gặp rủi ro trong trường hợp nền kinh tế của Mỹ và toàn cầu bị giảm tốc. Và các dự báo doanh số của chính họ đã làm trầm trọng thêm những lo lắng đó.

"Rõ ràng là xu hướng giá bán trung bình không thể tiếp tục mãi mãi. Tôi nghĩ rằng mối quan tâm thực sự cho nhà đầu tư là Apple có thể giữ cho điều này xảy ra trong bao lâu", Angelo Zino, nhà phân tích cổ phiếu của CFRA, cho biết.

3. Nhà đầu tư chưa tin tưởng mảng kinh doanh dịch vụ của Apple

Apple đã xác định mảng kinh doanh dịch vụ của mình - bao gồm ApplePay, Apple Music và App Store - là động lực thúc đẩy tăng trưởng lớn tiếp theo. Họ đang nhắm tới mục tiêu đạt 50 tỷ USD doanh thu dịch vụ vào năm 2020, dựa trên lượng người dùng khổng lồ của mình.

Tuy nhiên, nhà đầu tư nhìn chung vẫn có nhiều thắc mắc. Chẳng hạn, Apple đã không chính thức chia sẻ kế hoạch dành cho truyền hình và phim ảnh. Ngoài ra, mục tiêu xâm nhập vào ngành y tế của họ cũng vẫn còn tương đối ít được biết đến.

Mặc dù vậy, chuyên gia phân tích Carolina Milanesi của công ty nghiên cứu thị trường Creative Strategies cho rằng ở thời điểm hiện tại những lo lắng trên là quá sớm.

"Nếu chúng ta biết rằng doanh số iPhone sẽ đi ngang hoặc giảm xuống và sau đó không có gì khác để bù đắp cho điều đó, thì tất nhiên có nhiều lý do để quan tâm nhưng tôi nghĩ quá sớm.Trong thời gian một năm, nếu không thấy mảng kinh doanh dịch vụ tăng trưởng theo cách chúng ta mong đợi, thì tôi nghĩ rằng những mối quan tâm đó có thể là hợp lý", bà nói.

4. Apple phản ánh những mối quan tâm lớn hơn trên thị trường - như căng thẳng thương mại Mỹ-Trung

Ngành công nghệ nhìn chung đã bị ảnh hưởng mạnh trong những tuần gần đây, khi nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi một ngành từng thúc đẩy các đợt tăng trên thị trường vào đầu năm nay.

Tuy nhiên, cho đến khi Apple đưa ra cập nhật cho các nhà đầu tư vào ngày 01/11, tình trạng hỗn loạn đó mới giúp cho cổ phiếu của họ tương đối không bị ảnh hưởng.

Giờ đây, nhà sản xuất iPhone cũng đã bị lây nhiễm bởi những nỗi sợ trên thị trường, gồm những vụ định giá lạc quan quá mức, lãi suất tăng, biến động tiền tệ và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Đặc biệt, Trung Quốc là một rủi ro mà một số người đang dè chừng cho trường hợp của Apple, vì khu vực Trung Quốc đại lục - gồm Hồng Kông và Đài Loan - là nơi mang về khoảng 20% ​​doanh thu cho công ty này.

Apple cũng đang phụ thuộc vào các nhà sản xuất ở đó, mặc dù cho đến nay những mức thuế của ông Trump vẫn đang "tha" cho các sản phẩm của họ.

"Đó chắc chắn là một giai đoạn căng thẳng", Daniel Ives, giám đốc điều hành của Wedbush Securities, lên tiếng. Tuy nhiên, ông cho biết vẫn lạc quan về vận may của Apple trong dài hạn.

"Chu kỳ sản phẩm này dường như không đạt được mức mà những người đầu cơ giá lên hi vọng, nhưng tôi không tin rằng có một sự thay đổi lớn hơn trong câu chuyện của Apple trong hai, ba, hoặc bốn năm tới", ông nói.

Lê Thanh Hải

BBC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên