Đây là nguyên nhân khiến nội chiến Syria dai dẳng và hỗn độn
Nội chiến ở Syria là một mớ hỗn độn, nơi mỗi phe phái đều có những đồng minh và kẻ thù dù nhiều lúc hai kẻ thù lại có chung một đồng minh. Mâu thuẫn lợi ích khiến nội chiến Syria mãi chưa có điểm kết.
- 12-04-2018LIVE: Đã qua hạn 48 giờ, Tomahawk đã sẵn sàng, vẫn chưa có tên lửa nào được phóng: Ông Trump đang tính toán gì?
- 11-04-2018Châu Âu cảnh báo các hãng hàng không về nguy cơ tên lửa ở Syria
- 11-04-2018Tổng thống Trump: Nga hãy sẵn sàng đón tên lửa Mỹ ở Syria
- 10-04-2018Tàu khu trục của Mỹ lên đường tiến tới bờ biển Syria
- 10-04-2018TT Trump không loại trừ phương án quân sự, sẽ có quyết định đáp trả Syria trong 24-48h tới
Cuộc chiến ở Syria là một mớ hỗn độn. Sau 7 năm, xung đột trên đất Syria vẫn là cuộc chiến chính giữa 4 nhóm khác nhau dù cục diện đang dần ngã ngũ. Một bên là Chính quyền Assad với sự hậu thuẫn của Nga, Iran với một bên là phe đối lập nhận sự hậu thuẫn của Phương Tây và các nước Ả Rập muốn chống lại ảnh hưởng của Iran. Hai bên còn lại là nhóm người Kurd được Mỹ hậu thuẫn và lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo IS.
Để hiểu được mối quan hệ phức tạp này, cần nhìn vào tình hình chiến sự trên đất Syria. Những phát súng đầu tiên của cuộc nội chiến Syria nổ ra tháng 3/2011. Lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Bashar al-Assad bị cáo buộc nổ súng bắn vào đám đông biểu tình trong bối cảnh phong trào Mùa xuân Ả Rập làm rúng động Trung Đông – Bắc Phi. Đây cũng là thời điểm được cho là điểm bắt đầu của cuộc nội chiến.
Trong tháng 7, những người biểu tình bắt đầu bắn trả lực lượng quân sự Syria. Nhiều binh sĩ đào ngũ khỏi quân đội Assad gia nhập lực lượng nổi dậy. Họ tự gọi mình là Quân đội Syria Tự do, chính thức đẩy Syria vào nội chiến.
Các tay súng cực đoan ở Syria và các nước khác trong khu vực và thế giới ồ ạt gia nhập hàng ngũ phe nổi dậy. Tổng thống Assad được cho là làm phức tạp thêm tình hình thông qua việc trả tự do cho các tay súng thánh chiến để gia nhập Quân đội Syria Tự do, khiến lực lượng này trở nên ô hợp và cực đoan.
Tháng 1/2012, al-Qaeda thành lập chi nhánh mới tại Syria với tên gọi Jahid al-Nusra. Cũng trong thời điểm đó, các nhóm chiến binh người Kurd ở phía bắc ly khai với chế độ Assad sau nhiều năm gắn bó.
Mùa hè năm đó, Syria thực sự trở thành một mớ hỗn độn. Iran, đồng minh quan trọng nhất của Assad trong khu vực, can thiệp vào tình hình chiến sự Syria. Cuối 2012, Iran cử hàng trăm chuyên gia và những chuyến bay chở hàng tiếp tế cho chính quyền Assad.
Nhằm chống lại sự gia tăng ảnh hưởng của Iran trong khu vực, các cường quốc dầu mỏ ở vịnh Ba Tư cũng bơm tiền và vũ khí cho phe nổi dậy thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Giữa năm 2012, Iran gia tăng ảnh hưởng khi đưa lực lượng chiến binh Hezbolla can thiệp vào chiến sự Syria. Nhóm chiến binh này sát cánh cùng quân đội Assad. Đáp lại, các nước Vùng Vịnh đổ thêm tiền và vũ khí hỗ trợ phiến quân. Ả rập Xê út dẫn đầu nỗ lực này.
Năm 2013, Trung Đông trở thành cuộc chiến giữa các lực lượng Hồi giáo dòng Sunny, ủng hộ Phiến quân Syria và dòng Shiite, ủng hộ quân đội Assad.
Tháng 4/2013, Chính quyền Obama chính thức chống lại nhà lãnh đạo Assad thông qua việc cho phép CIA đào tạo và vũ trang cho phiến quân Syria dù bị đình trệ trong thời gian đầu. Mỹ yêu cầu các nước Ả Rập ngừng tài trợ cho các nhóm cực đoan nhưng bị từ chối.
Tháng 8/2013, chính quyền Assad bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào thường dân. Tổng thống Mỹ thời điểm đó là ông Barack Obama nhấn mạnh: "Đàn ông, phụ nữ và cả trẻ em nằm la liệt. Họ bị sát hại bởi khí độc. Mỹ có trách nhiệm đáp trả việc sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền Assad nhằm bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ thông qua các đợt không kích".
Ba ngày sau, Nga tuyên bố Syria chấp thuận giao nộp vũ khí hóa học cho một ủy ban quốc tế nhằm tránh các đợt không kích. Washington chấm dứt kế hoạch dội bom Syria. Tuy nhiên, Mỹ và Nga chính thức bước vào thế đối đầu tại Syria thông qua việc ủng hộ và chống lại quân đội Assad. Vài tuần sau, Mỹ đào tạo và cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy, đánh dấu sự góp mặt chính thức của người Mỹ trong mớ bòng bong Syria.
Tháng 2/2014, nội bộ al-Qaeda xảy ra mâu thuẫn, làm thay đổi cục diện chiến trường. Một nhóm cực đoan tuyên bố tách khỏi al-Qaeda và thành lập lực lượng mới sau này phổ biến với tên Nhà nước Hồi giao (IS). IS không chỉ đối đầu với chính quyền Assad mà còn không cùng phe với tất cả các lực lượng trong cuộc nội chiến Syria, bao gồm cả al-Qaeda.
Tuy nhiên, IS không tập trung chống lại Quân đội Assad. Thay vào đó, lực lượng này chống các nhóm phiến quân khác và người Kurd.Mùa hè 2014, thế giới chấn động trước IS. Lực lượng này đã thôn tính một phần rộng lớn lãnh thổ Iraq và Syria và gây ra hàng loạt vụ hành quyết man rợ công dân Mỹ và người nước ngoài. Tháng 9/2014, Mỹ tuyên bố tiến hành chiến dịch chống khủng bố trên toàn bộ lãnh thổ Iraq và Syria và các hoạt động chống IS.
Lầu Năm Góc triển khai kế hoạch đào tạo lực lượng nổi dậy Syria vào tháng 7. Tuy nhiên, khác với kế hoạch của CIA, Lầu Năm Góc muốn chống IS chứ không phải quân đội Assad. Vượt qua quân đội Syria, IS trở thành mối quan ngại lớn nhất của Mỹ trên đất Syria.
Tháng 8/2015, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành ném bom lực lượng người Kurd ở Syria và Iraq. Tuy nhiên, Ankara không ném bom lực lượng IS. Lúc này, những vấn đề to lớn nảy sinh. Trong khi Mỹ coi IS là kẻ thù lớn nhất và ủng hộ người Kurd, đồng minh của họ trong khu vực lại làm điều ngược lại. Nó càng khiến mớ hỗn độn trở nên khó giải quyết.
Một tháng sau, Nga can thiệp để đảm bảo vị thế của Chính quyền Assad thông qua việc đưa máy bay tiêm kích tới khu vực. Không chỉ dội bom IS, Nga bị cáo buộc ném bom tất cả các lực lượng nổi dậy ở Syria, bao gồm các lực lượng do Mỹ chống lưng.
Năm 2016, ông Donald Trump đắc cử trong cuộc đua Tổng thống Mỹ và tuyên bố kéo Mỹ khỏi vũng lầy Syria. Mỹ cũng đồng ý với việc Tổng thống Assad có thể tiếp tục lãnh đạo Syria. Trong khi đó, với sự giúp đỡ của Nga, quân đội Assad nhanh chóng chiếm lại các vùng lãnh thổ đã mất từ tay IS và lực lượng nổi dậy. Nhiều thành trì của phe nổi dậy thay nhau bị đánh bại.
Mùa xuân năm 2018, quân đội Assad tiếp tục bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào thường dân, giết hại nhiều người trong đó có trẻ em. Ngay lập tức, chính quyền Tổng thống Trump đã lên tiếng. Vụ việc sử dụng khí độc thần kinh đã làm thay đổi suy nghĩ của ông Trump về việc Assad có thể tiếp tục nắm quyền.
Tổng thống Trump thề sẽ đáp trả và vài ngày sau, Mỹ bị cáo buộc bắn hàng chục quả tên lửa Tomahawk vào một căn cứ không quân của Syria. Tuy nhiên, Nga cho rằng vụ không kích do phía Israel tiến hành. Hiện tại, Mỹ và các đồng minh vẫn đang cân nhắc phương án can thiệp quân sự vào Syria trong khi Nga cảnh báo sẽ bắn hạ tất cả tên lửa tấn công vào khu vực.
Những mối tơ vò trong cuộc nội chiến Syria