MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là những con số đáng lưu ý cho thấy kinh tế Việt Nam "cứng nhắc", chưa tạo điều kiện cho các ngành nghề thời 4.0 phát triển

Là ngành đại diện cho xu thế phát triển công nghệ mới nhưng vốn đầu tư vào ngành thông tin truyền thông, tài chính ngân hàng và bảo hiểm vừa thấp, lại vừa giảm xuống.

Số liệu từ Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết đầu tư xã hội sau hai năm 2012, 2013 suy giảm đã bắt đầu phục hồi từ năm 2014, và liên tục tăng đạt hơn 33,5% trong năm 2018, đạt mục tiêu đề ra.

Đây là những con số đáng lưu ý cho thấy kinh tế Việt Nam cứng nhắc, chưa tạo điều kiện cho các ngành nghề thời 4.0 phát triển - Ảnh 1.

Nếu xét về tốc độ tăng trưởng đầu tư theo thành phần kinh tế, đầu tư nhà nước liên tục suy giảm, và giảm rất nhanh từ 13,5% năm 2012 xuống còn 1,43% năm 2018.

Trong khi đó tốc độ tăng đầu tư ngoài nhà nước liên tục tăng và đạt mức cao nhất. Giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trung bình hàng năm của đầu tư ngoài nhà nước là 6,23%, tăng lên 13,9%.

Đặc biệt trong 2 năm 2017 - 2018 có tốc độ tăng hơn 15%, gần gấp đôi so với tốc độ tăng tổng đầu tư xã hội.

Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, sau 2 năm suy giảm (2011 - 2012), đã bắt đầu gia tăng trở lại từ năm 2013 với tốc độ tăng bình quân 3 năm 2013 - 2015 khoảng 10%, giai đoạn 2016 - 2018 cũng là 10%.

Tuy nhiên điều đáng lưu ý là tốc độ tăng FDI năm 2018 đã giảm xuống còn khoảng 7%, giảm hơn 5 điểm % so với năm 2017. CIEM cho rằng đầu tư ngoài nhà nước là động lực cho tăng trưởng và phục hồi đầu tư xã hội giai đoạn 2011 - 2018, nhất là từ năm 2014, là năm Chính phủ bắt đầu thực hiện mạnh mẽ cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Đây là những con số đáng lưu ý cho thấy kinh tế Việt Nam cứng nhắc, chưa tạo điều kiện cho các ngành nghề thời 4.0 phát triển - Ảnh 2.

Nhờ tốc độ tăng cao, tỷ trọng đầu tư tư nhân trong nước trong tổng đầu tư xã hội đã có xu hướng liên tục tăng từ 38,5% năm 2011 lên hơn 43% năm 2018, tăng gần 5 điểm %.

Trong khi đó, tỷ trọng của FDI lại có xu hướng giảm nhẹ từ trung bình hơn 39% giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn khoảng 35,5% giai đoạn 2016 - 2018.  Tỷ trọng đầu tư nhà nước tăng nhẹ từ 22,6% giai đoạn 2011 - 2015 lên khoảng 23,6% giai đoạn 2016 - 2018.

Mặt khác, khi xem xét thực trạng phân bố vốn đầu tư xã hội theo các ngành kinh tế, các con số cho thấy tỷ trọng không có sự thay đổi đáng kể. Tỷ trọng vốn đầu tư phân bố vào 14 ngành (trong tổng số 19 ngành) về cơ bản không thay đổi trong giai đoạn 2011 - 2017.

Đây là những con số đáng lưu ý cho thấy kinh tế Việt Nam cứng nhắc, chưa tạo điều kiện cho các ngành nghề thời 4.0 phát triển - Ảnh 3.

Phân bố vốn đầu tư xã hội theo ngành kinh tế giai đoạn 2011 - 2017

Hơn 1/4 vốn đầu tư xã hội tập trung vào chế tác, chế tạo và tăng từ khoảng 25% giai đoạn 2011 - 2015 lên hơn 28% giai đoạn 2016 - 2017.

Trong khi đầu tư vào khai khoáng giảm là điều dễ hiểu, thì đầu tư vào ngành thông tin và truyền thông, tài chính ngân hàng và bảo hiểm vừa thấp, lại giảm xuống là điều đáng lưu ý.

Bởi những ngành này đang đại diện cho xu thế phát triển công nghệ mới, công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thực trạng phân bố vốn đầu tư như vậy có thể xem là biểu hiện chứng tỏ cơ cấu kinh tế Việt Nam đang khá cứng nhắc, kém năng động. Thể chế phân bố nguồn lực có thể đang kìm hãm chuyển dịch đầu tư từ ngành kém hiệu quả sang ngành có hiệu quả hơn, và chưa tạo điều kiện cho các ngành, nghề mới phát triển.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên