MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là những dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đang hồi phục rất chậm chạp

14-08-2020 - 15:21 PM | Tài chính quốc tế

Theo Bloomberg, bức tranh nổi lên không phải là một cú phục hồi hình chữ V, nhưng đó là 1 nền kinh tế đang định hình lại, cần thời gian để "chữa lành vết thương" và đang bị đe dọa sẽ có những vết sẹo vĩnh viễn.

Chính xác thì Mall of America – trung tâm mua sắm lớn nhất nước Mỹ - trông như thế nào khi không có những khách hàng lượn lờ mua sắm? Con phố Bourbon của New Orleans ra sao khi không còn đám đông du khách đến tham quan, ăn uống, mua đồ lưu niệm?

Đó là những câu hỏi xuất hiện rất nhiều trong những ngày này, khi đại dịch Covid-19 càn quét khắp thế giới và gây ra thiệt hại rất lớn cho ngành du lịch và hoạt động chi tiêu tiêu dùng, đặc biệt là những ngành vốn được xây dựng để phục vụ đám đông.

Bloomberg đã cùng với Orbital Insight thu thập dữ liệu từ vệ tinh, máy bay không người lái, khí cầu và dữ liệu định vị điện thoại di động để theo dõi những gì đang diễn ra. Bằng cách đếm tín hiệu trên 15 khu vực đều đặn mỗi ngày trong suốt 3 tháng qua, các dữ liệu này cho thấy có bao nhiêu người đang quay trở lại ăn uống, vui chơi và tiêu tiền tại các trung tâm thương mại, khu phố bán lẻ sầm uất và những tụ điểm ăn chơi về đêm.

Theo Bloomberg, bức tranh nổi lên không phải là một cú phục hồi hình chữ V, nhưng đó là 1 nền kinh tế đang định hình lại, cần thời gian để "chữa lành vết thương" và đang bị đe dọa sẽ có những vết sẹo vĩnh viễn.

Giống như 1 cơn bão

Sau nhiều tháng bị giam trong nhà, nhiều người Mỹ đang bắt đầu tới các câu lạc bộ đêm hoặc tìm đến những cách giải trí khác, ví dụ như những sòng bài ở Las Vegas hay những khu phố ăn chơi về đêm ở Nashville và New Orleans. Tuy nhiên, lượng người đi bộ tại các khu phố như vậy ở 3 thành phố nói trên chỉ bằng 15 – 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Trên phố Bourbon, các lệnh hạn chế tụ tập tạo ra bầu không khí trầm lắng dọc con đường vốn luôn náo nhiệt.

"Giống như có 1 cơn bão sẽ ập đến ngay hôm nay hoặc ngày mai vậy", Brittany Mulla McGovern, giám đốc điều hành của hiệp hội kinh doanh khu French Quarter nói.

Các hộ kinh doanh đang cố gắng thích nghi, tung ra nhiều chương trình khuyến mại trên mạng xã hội và các lựa chọn mua sắm online. Tuy nhiên, tình trạng không có khách du lịch có thể được ví như "mắt bão". Giờ đây câu hỏi là liệu các khu vực này có thể bình thường trở lại hay không. Mùa thu tới sẽ là thời điểm quan trọng mà các cửa hàng sẽ phải quyết định liệu có nên tiếp tục trong bối cảnh những "chiếc phao" như trợ cấp của chính phủ hoặc các chính sách hạ giá thuê nhà không còn.

Đây là những dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đang hồi phục rất chậm chạp - Ảnh 1.

Sân golf

Theo dữ liệu thu thập từ 3 sân golf danh giá (2 trong số đó là những sân riêng tư) cho thấy số lượng người quay trở lại sân golf đã ngang bằng với mức của năm trước.

Tuy nhiên, mọi thứ chưa thể bình thường trở lại đối với Mike O’Reilly, quản lý tại sân golf Whistling Straits ở Wisconsin. Đáng lẽ 2020 sẽ là năm diễn ra một trong những giải đấu quốc tế lớn nhất, tuy nhiên thay vì tập trung cho Ryder Cup 2020 (giờ đã bị hoãn đến tận tháng 9/2021), ông đang tập trung nhiều hơn vào các khách nội địa.

O’Reilly cho biết Whistling Straits đang vận hành ở mức khoảng 75% so với thông thường, chủ yếu nhờ chiến dịch marketing nhắm vào những người chơi thích chơi 1 mình. Bản chất của bộ môn golf khá phù hợp với các quy định về giãn cách xã hội, vì thế O’Reilly tỏ ra khá lạc quan.

Ngân hàng thực phẩm

Ở nhóm đối diện là những người thậm chí không có đủ tiền ăn. Tháng 3, gần 200 "ngân hàng thực phẩm" ở Mỹ đột nhiên trở thành phao cứu sinh cho hàng nghìn người vốn trước đây không bao giờ cần đến sự trợ giúp như vậy.

Theo Lee Lauren Truesdale, giám đốc The Foodbank Inc ở Dayton, Ohio, nếu như trong tháng 2 những "ngân hàng thực phẩm" của ông phục vụ khoảng 2.350 người thì sang tháng 3 con số đã tăng gần gấp đôi. Tháng 4, gần 8.700 người đã nhận được thực phẩm cứu trợ với sự giúp đỡ của 2 trung tâm phân phối mới được dựng lên trong bãi đỗ xe của 1 trường đại học ở gần đó.

Các công ty khác cũng chứng kiến nhu cầu tăng mạnh như vậy cho đến tận tháng 7.

Đây là những dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đang hồi phục rất chậm chạp - Ảnh 2.

Hàng loạt trung tâm mua sắm đóng cửa

Theo Coresight Research dự báo, khoảng 25.000 cửa hàng ở Mỹ sẽ đóng cửa trong năm nay, chủ yếu là tại các trung tâm mua sắm. Các vụ phá sản đang tăng lên nhanh chóng, khiến các chủ đất và những người đi thuê hết sức lo lắng về tương lai.

Tại South Coast Plaza ở phía Nam bang California, hoạt động mua sắm tại Mall of America và King of Prussia đang dần hồi phục nhưng hết sức chậm chạp và vẫn giảm 44 đến 76% so với cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu di động từ Orbital cho biết.

Theo Craig Migawa, ông chủ của chuỗi đồ ăn Pepper Palace hiện có hơn 80 cửa hàng trên khắp nước Mỹ, tại những trung tâm mua sắm lớn lượng khách đang dần dần tăng lên. Các cửa hàng làm khá tốt việc cung cấp cho khách nước rửa tay, khẩu trang và các chỉ dẫn về giãn cách. Ông cho rằng để phục hồi lượng khách thì các nhà bán lẻ cần phải mang đến cho khách hàng trải nghiệm tới cửa hàng mua sắm là hoạt động thú vị hơn so với mua sắm trực tuyến.

Đây là những dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đang hồi phục rất chậm chạp - Ảnh 3.

Tại những quận sầm uất từ Rodeo Drive ở Beverly Hills đến Michigan Avenue ở Chicago, lượng du khách mùa hè không thể hồi phục và hoạt động chỉ bằng 25 đến 36% so với mức cùng kỳ năm ngoái. Dọc theo con phố Newbury của Boston với đầy rẫy các quán cafe, spa, bảo tàng và cửa hàng bán đồ lưu niệm, dữ liệu từ điện thoại di động cho thấy mức độ hoạt động của du khách tại đây chỉ bằng khoảng 32% so với 1 năm trước.

Các cửa hàng có thể mở cửa trở lại đang thực hiện những điều chỉnh lớn mà chuỗi cửa hàng hoa 75 năm tuổi Winston Flowers là 1 ví dụ. Nhà đồng sáng lập David Winston cho biết khu vực Back Bay đã trở nên hết sức vắng lặng kể từ giữa tháng 3 đến nay. Đại dịch ảnh hưởng đến những người kinh doanh đúng vào mùa cao điểm trong năm. Winston quyết định mở cửa trở lại cửa hàng tại Newbury vào đầu tháng 8, kỳ vọng vào nhóm dân cư vừa được phép quay trở lại văn phòng.

Winston cho biết anh chuyển hướng tập trung nhiều hơn vào dịch vụ trồng và chăm sóc cây cảnh trong nhà, bán chậu, bình và những phụ kiện khác thay vì dịch vụ làm hoa cho các đám cưới hoặc bữa tiệc vốn tốn rất nhiều nhân công.

Thu Hương

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên