MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là những điều đặc biệt chỉ có ở kinh tế Cuba

28-11-2016 - 09:58 AM | Tài chính quốc tế

Nền kinh tế Cuba gần như hoàn toàn khép kín và chỉ mới gần đây khu vực kinh tế tư nhân mới được khuyến khích phát triển.

Fidel Castro – vị lãnh tụ nổi tiếng của người dân Cuba – vừa qua đời ở tuổi 90. Không chỉ nhân dân Cuba mà nhiều người trên toàn thế giới sẽ nhớ mãi về con người đã đấu tranh mạnh mẽ cho dân tộc, cho chủ nghĩa xã hội bởi cuộc đời ông gắn liền với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Cuba, với nhiều sự kiện lịch sử của thế giới.

Do sức khỏe không đảm bảo, từ 10 năm trở lại đây, Fidel đã gần như đã chuyển giao quyền lực cho người em trai Raul. Và dưới thời Raul Castro, đặc biệt là trong mấy năm trở lại đây, Cuba đang dần mang một diện mạo khác.

Một trong những thay đổi lớn nhất là trong mối quan hệ với Mỹ. Quan hệ Mỹ - Cuba có lẽ là một trong những mối quan hệ ngoại giao kỳ lạ nhất thế giới. Là quốc đảo thuộc vùng Caribe với chỉ 11 triệu dân, Cuba đã có thời gian dài đóng cửa và đối đầu với Mỹ - siêu cường số 1 thế giới. Mối quan hệ đối đầu kéo dài tới hơn nửa thế kỷ, suýt nữa đã đẩy thế giới vào một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Trước đây, nền kinh tế Cuba gần như hoàn toàn khép kín và khu vực kinh tế tư nhân không được khuyến khích phát triển. Theo số liệu của World Bank, hiện Cuba có GDP bình quân đầu người đạt khoảng 6.000 USD.

Hoạt động giao thương chủ yếu là với các nước cùng khối xã hội chủ nghĩa như trước đây là Liên Xô cũ và gần đây là Venezuela. Dịch vụ y tế chiếm tới 40% kim ngạch xuất khẩu của Cuba và là điểm sáng của nền kinh tế này. Các khách hàng lớn nhất là Brazil, Algeria và Angola. Trong nhiều năm, Cuba đã phát triển các bệnh viện đặc biệt điều trị bệnh riêng cho người ngoại quốc và các nhà ngoại giao nước ngoài. Mỗi năm, hàng ngàn người châu Âu, người Mỹ Latinh, người Canada và người Mỹ tới đây để sử dụng các dịch vụ chăm sóc y tế có giá cả thấp hơn tới 80% so với tại Hoa Kỳ.

Ngoài ra Cuba xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp như đường, hoa quả, xì gà, cà phê, cá nhưng hoạt động khá èo uột. Ở chiều ngược lại, nước này chủ yếu nhập khẩu dầu mỏ và ngũ cốc từ Venezuela.


Số liệu nhập khẩu của Cuba năm 2013, dầu mỏ từ Venezuela và ngũ cốc là những thứ Cuba nhập khẩu nhiều nhất. Nguồn: Bloomberg.

Số liệu nhập khẩu của Cuba năm 2013, dầu mỏ từ Venezuela và ngũ cốc là những thứ Cuba nhập khẩu nhiều nhất. Nguồn: Bloomberg.

Sau hơn 5 thập kỷ, người ta đang hi vọng Cuba và Mỹ sẽ trở thành láng giềng tốt của nhau. Đến tháng 7/2015, cuối cùng thì hai nước đã đặt quan hệ ngoại giao trở lại, với đại sứ quán xuất hiện ở Washington và Havana. Hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến thăm lịch sử tới Cuba. Ông cũng cho phép người Cuba ở Mỹ gửi nhiều tiền hơn về cho họ hàng, công dân Mỹ được tạo điều kiện tới Cuba du lịch và xuất khẩu nhiều hơn sang Cuba.

Mối quan hệ với Mỹ ấm lên là một trong số những thay đổi của Cuba, nhưng trên chính quốc đảo này cũng đang có những thay đổi lớn lao. Dù những điểm đặc trưng về thương mại, thị trường việc làm và hoạt động sản xuất vẫn mang đậm những nét xưa cũ, ở Cuba đang xuất hiện một thế hệ mới các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp tư nhân, mang lại màu sắc mới cho nền kinh tế vẫn còn khép kín.

Đến thăm Cuba những ngày này, người ta có thể cảm nhận được một “cuộc cách mạng” trong nền kinh tế. Bên cạnh những khách sạn và nhà hàng quốc doanh cũ kỹ, ở đây đã mọc lên những phòng nghỉ hoặc cả căn nhà do tư nhân cho thuê hay những nhà hàng đông đúc khách du lịch được vận hành bởi tư nhân.

Kể từ năm 2011, Cuba bắt đầu thực hiện cải cách, công nhận tính hợp pháp và mở rộng vai trò của các doanh nghiệp nhỏ trong nền kinh tế, sau hàng chục năm áp dụng nền kinh tế kế hoạch và hạn chế tối đa hoạt động của kinh tế tư nhân.

Dưới thời Raul Castro, tư nhân được tự do mua bán xe hơi và nhà cửa, đồng thời gánh nặng thuế đè nặng trên vai các doanh nghiệp cũng giảm bớt. Kết quả là nhóm người tự kinh doanh nhỏ lẻ bùng nổ, tăng từ mức 148.000 của năm 2009 lên 500.000 vào cuối 2015. Các chuyên gia kinh tế cho rằng con số trên thực tế có thể lên đến 2 triệu người, tương đương 40% lực lượng lao động.

Khác với quan điểm truyền thống ở Cuba, Raul Castro nói rằng kinh tế tư nhân là một phần của mô hình phát triển kinh tế mới. Ông mở rộng hoạt động kinh tế tư nhân ra 201 ngành nghề, trong đó có lái xe taxi, cắt tóc… Môi giới bất động sản cũng được công nhận hợp pháp, đánh dấu một bước chuyển lớn ở quốc gia mà suốt hơn 50 trước đó người dân không được phép bán nhà.

Tuy nhiên, các doanh nhân ở Cuba sẽ phải vượt qua khá nhiều trở ngại. Các nguyên liệu đầu vào chỉ được bán ở những cửa hàng quốc doanh và số lượng kho bãi cũng hạn chế. Ngoài ra ở đây chưa có thị trường bán buôn hoặc mạng lưới phân phối tư nhân.

Khi Rafael Rosales, người điều hành Café Madrigal (quán bar tư nhân đầu tiên ở Cuba kể từ thời cách mạng) cần đến cốc đựng cocktail, anh đã dành cả một ngày trời lùng sục ở các cửa hàng nhưng không thể tìm thấy.

Nền kinh tế Cuba vẫn đang trong giai đoạn chuyển đổi và Hugo Pons, chuyên gia tại Hội đồng kinh tế quốc gia Cuba, cho rằng mục tiêu của cải cách không phải là xây dựng một nền kinh tế thị trường mà là để bảo vệ chủ nghĩa xã hội.

Kể cả nhiều doanh nhân ở Cuba cũng nói rằng họ không muốn một nền kinh tế thị trường hoàn toàn, tự tin rằng Chính phủ có thể cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, an ninh ở mức tốt hơn so với hầu hết các nước Mỹ Latinh.

Dù mô hình kinh tế kế hoạch tập trung chưa thể giúp kinh tế Cuba cất cánh, nó vẫn đem lại một số mặt sáng mà người Cuba luôn tự hào. Cuba nổi tiếng với hệ thống y tế phủ rộng, chi tiêu cho y tế lên đến gần 12% GDP. Tỷ lệ bác sĩ trên số dân cao hơn Mỹ và nhiều nước phát triển khác. Cuba cũng có tỷ lệ mù chữ thấp nhất thế giới.

Thu Hương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên