MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là những nền kinh tế hưởng lợi lớn nhất từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

04-06-2019 - 15:58 PM | Tài chính quốc tế

Theo Nomura, Việt Nam và Đài Loan được hưởng lợi nhiều nhất từ sự thay đổi trong cách mua hàng của người Mỹ, trong khi đó Chile, Malaysia và Argentina bán được nhiều hàng hóa hơn cho Trung Quốc.

Hơn 1 năm kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh nổ ra, thuế quan trả đũa giữa hai bên đã khiến Mỹ và Trung Quốc giảm nhập khẩu một số mặt hàng quan trọng từ phía bên kia. Thay vào đó, các nhà nhập khẩu của hai bên đã chuyển sang tìm kiếm những địa điểm thay thế, tạo ra hiện tượng chệch hướng thương mại (trade diversion).

Chệch hướng thương mại là hiện tượng mà một quốc gia sẽ không nhập khẩu hàng hóa từ nơi có giá rẻ hơn mà thay vào đó chọn nơi có giá đắt hơn do chịu ảnh hưởng của thuế quan.

Theo các chuyên gia kinh tế từ ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura, Việt Nam đang nổi lên là quốc gia được hưởng lợi lớn nhất từ hiện tượng này.

"Các đợt tăng thuế trả đũa lẫn nhau giữa hai nước tăng lên thì chi phí nhập khẩu cũng tăng lên. Một số công ty xuất khẩu ở cả Mỹ và Trung Quốc có thể sẵn sàng chịu đựng những chi phí phát sinh thêm từ thuế quan, và một số tập đoàn đa quốc gia sẽ chuyển nhà máy sang nơi khác không bị đánh thuế, nhưng về dài hạn thì hậu quả lớn nhất sẽ là hiện tượng chệch hướng thương mại", báo cáo của Nomura viết.

Tính từ khi cuộc chiến bắt đầu, Mỹ đã áp thuế 25% lên tổng cộng 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, thậm chí mới đây ông Trump đã đe dọa sẽ áp mức thuế tương tự lên thêm 300 tỷ USD hàng hóa nữa. Đáp lại, Bắc Kinh cũng tăng thuế áp lên hàng tỷ USD hàng Mỹ.

Theo Nomura, Việt Nam và Đài Loan được hưởng lợi nhiều nhất từ sự thay đổi trong cách mua hàng của người Mỹ, trong khi đó Chile, Malaysia và Argentina bán được nhiều hàng hóa hơn cho Trung Quốc.

Thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc khiến các doanh nghiệp Mỹ phải lựa chọn nguồn thay thế cho nhiều sản phẩm như linh kiện điện thoại, linh kiện máy móc văn phòng, các thiết bị xử lý dữ liệu tự động, đồ nội thất và đồ du lịch.

Ngược lại, thuế đánh vào hàng hóa Mỹ khiến các nhà nhập khẩu Trung Quốc phải mua đậu tương, máy bay, ngũ cốc và các sản phẩm bông từ các nước khác.

Dưới đây là một số sản phẩm mà Nomura cho là 5 nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất đã xuất khẩu được nhiều hơn do chiến tranh thương mại:

Việt Nam: linh kiện điện thoại, đồ nội thất, máy xử lý dữ liệu tự động

Đài Loan: linh kiện điện thoại, linh kiện máy móc văn phòng

Chile: quặng đồng, đậu tương

Malaysia: mạch tích hợp, thiết bị chip bán dẫn

Argentina: đậu tương

Mặc dù chỉ ra một số nền kinh tế được hưởng lợi, Nomura cũng cảnh báo có rất nhiều yếu tố tác động và nhìn rộng ra thì phần lớn trong số các nền kinh tế thứ ba chịu tác động từ chiến tranh thương mại sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực vì các công ty hoãn lại kế hoạch đầu tư do môi trường kinh doanh bất ổn. Thêm vào đó sức tiêu dùng ở cả Mỹ và Trung Quốc sẽ giảm xuống vì cả doanh nghiệp và người tiêu dùng hai bên đều phải chịu chi phí tăng cao do thuế quan.


An Nguyên

CNBC

Trở lên trên