MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là vũ khí được tổng giám đốc Navigos Search chỉ ra có thể 'tiêu diệt' được zombie công sở tại Việt Nam

22-03-2018 - 21:29 PM | Sống

Một khảo sát từng cho biết thêm cứ 4 nhân viên thì có 1 zombie công sở, chiếm 25%. Họ khiến doanh nghiệp thất thoát tới 11,7% hiệu suất làm việc.

Đa phần zombie là 9x

"Khái niệm zombie công sở xuất hiện gần đây, đặc biệt xuất hiện với nhân sự 9x nhiều hơn, 8x là thế hệ gắn bó với cty quá lâu – gọi zombie hay không thì không đúng lắm. Nhưng mà zombie –khái niệm xác sống thì đúng đúng với các bạn 9x nhiều hơn", CEO TopCV Trần Trung Hiếu mở đầu phần chia sẻ về khái niệm mới về zombie công sở trong chương trình WeTALK trên fanpage CafeBiz ngày 22/3.

Từ quan sát của bản thân, CEO này cho rằng thế hệ 9x có những bạn khi định hướng đi học đại học đôi khi đã theo xu hướng thị trường, theo bố mẹ, hoặc là cứ học đã rồi ra trường tính tiếp. Chính vì khâu định hướng có vấn đề nên sau khi học xong động lực làm việc, trả lời cho câu hỏi tại sao mình học ngành đó cũng bị ảnh hưởng. Từ đó ẫn đến khi mà ra trường, những người trẻ này cũng không biết công việc mình làm sẽ như thế nào, mình sẽ làm cái gì… dẫn đến câu chuyện là "thôi, cứ làm đã."

Anh Hiếu cũng cho rằng chính tư tưởng này lại kéo theo hành động họ chỉ làm những cái gì được giao, không cần phải nhiều hơn. Ngoài ra một số người có thể vẫn còn sự bao bọc của gia đình nên sự sáng tạo, sự đột phá trong công việc hầu như không có. Từ chỗ làm ngày này qua ngày khác, những nhân viên này còn nuôi thêm suy nghĩ không làm chỗ này thì lại có công ty khác để làm.

"Bản chất chúng ta đang tìm cách để sinh tồn chứ không phải đang sống. Zombie, nó là như thế, đó là cái vấn đề mà mình nhìn thấy rất nhiều những bạn trẻ gặp phải", CEO TopCV thẳng thắn nhận định.

Những nhận định này cũng khá chính xác khi cách đây không lâu, mạng việc làm Anphabe từng công bố khảo sát trên 26.000 làm việc tại Việt Nam cho thấy chỉ có 13,8% nhân viên thực sự gắn kết với công ty, 46,9% nhân viên gắn kết, 36,8% thờ ơ và 2,5% rất không gắn kết. Trong nhóm 39,3% nhân sự thờ ơ thì có tới 2/3 vẫn ở lại công ty. Những người này đi làm nhưng không có động lực trong công việc, không có mục tiêu phấn đấu hay có thể gọi họ là những zombie công sở.

Khảo sát này cũng cho biết thêm cứ 4 nhân viên thì có 1 zombie công sở, chiếm 25%. Họ khiến doanh nghiệp thất thoát tới 11,7% hiệu suất làm việc. Anphabe cũng cho biết thêm xu hướng zombie đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa khi Gen Y (những người sinh năm 1994-1998) lên tới gần 31%.

Một con số khác phản ánh tác động của những nhân viên zombie này là trong khi số ngày nghỉ bệnh trung bình chỉ 4 ngày/năm thì trung bình số ngày họ đi làm, nhưng không tập trung và không hiệu quả lên tới 57,5 ngày làm việc trong 1 năm.

Cần phải ‘tiêu diệt’ zombie

"Dưới góc độ của một công ty, một người chủ doanh nghiệp, khi mà mình thấy trong công ty mình có hiện tượng như thế thì theo nguyên tắc quản trị là đối tượng này là đối tượng phải tiêu diệt đầu tiên", anh Hiếu thẳng thắn cho biết.

Tất nhiên tiêu diệt ở đây không phải là sa thải nhân viên hay thay máu tổ chức mà là tiêu diệt cái vi khuẩn, mầm bệnh trong cơ thể họ. Theo CEO này, đây là căn bệnh lây lan rất nhanh bởi có những nhân viên đang làm tốt tuy nhiên khi thấy đồng nghiệp làm việc vật vờ cũng được đối xử như bình thường thì dần dần họ sẽ bị ảnh hưởng, năng suất chắc chắn sẽ bị giảm đi.

Cách của CEO Hiếu đầu tiên là tìm ra nguyên nhân. Nếu những nhân viên này không có định hướng rõ ràng thì người lãnh đạo phải tìm ra cách định hướng họ, đó có thể là luân chuyển sang các phòng ban khác trong công ty để họ tìm ra đam mê, sở thích của mình. Ngoài ra người lãnh đạo cũng cần bổ sung kỹ năng mà họ đang thiếu. Với những trường hợp rất khó thay đổi thì việc cho họ ra đi đôi khi lại tốt cho cả hai phía, có thể sang môi trường khác thì họ sẽ chủ độngvà không còn là zombie nữa.

Cũng cần nói thêm với 1 doanh nghiệp khi mà được sinh ra thì sứ mệnh của họ là tạo ra được lợi nhuận và doanh thu, sau đó là tạo ra được giá trị cho xã hội, cho nhân viên. Đó cũng là một giá trị thứ hai. Nhưng mà trừ doanh nghiệp xã hội, với các doanh nghiệp đang làm kinh doanh khác không phải là cơ sở từ thiện, phải có quan điểm rõ ràng và win-win giữa người chủ doanh nghiệp và người lao động.

"Khi mà các bạn nhận ra được giống như là zombie rồi thì bản thân các bạn phải thay đổi đầu tiên đã. Không thì việc đào thải, việc các bạn phải thay đổi công việc liên tục chắc chắn nó phải xảy ra", CEO Hiếu chia sẻ.

Đồng tình với giải pháp của anh Hiếu, Giám đốc tập đoàn nhân sự Navigos Search Nguyễn Phương Mai cũng cho rằng việc quan trọng đầu tiên là nhận ra đâu là nhân viên zombie. Trước khi thuật ngữ này ra đời, những người làm trong ngành như bà Mai thường dùng hình ảnh "quả táo thối". Lý do bở khi để một trái táo chung trong một rổ táo tươi thì những cái trái táo tươi kia sẽ bị hư rất là nhanh chóng.

Bà Mai cũng chia sẻ thêm một thủ thuật khá hiệu quả của mình chính là tìm ra những cỗ máy năng lượng tích cực (positive energy machine). Họ là những người về bản chất rất vui tươi, tràn đầy năng lượng, từ đó "cài cắm" để những người này chơi chung với các nhân viên đang có suy nghĩ tiêu cực, tình trạng vật vờ tiêu cực.

Ngoài ra tại Navigos Search và các doanh nghiệp hay áp dụng phương pháp khai vấn (coaching) trong quản lý. Khi có phát hiện ra có zombie trong công sở như vậy thì cần ngồi lại, khai vấn, giúp cho họ nhận ra vấn đề của họ là gì, họ cần làm gì và đâu sẽ là giải pháp tốt nhất cho họ. Và theo chia sẻ của bà Mai, có khá nhiều trường hợp những nhân sự này tự đưa cho mình đề xuất công việc mong muốn làm hay thay đổi nhiệm vụ, phòng ban để lấy lại sự năng động. Hoặc có những người nhận ra mình không phù hợp với công việc và quyết định chuyển nghề. Tại Navigos Search, cũng có những trường hợp bà Mai giới thiệu nhân viên tư vấn của mình cho đối tác bởi thấy rõ công việc đó phù hợp và sẽ giúp họ tỏa sáng.

Làm sao để chữa được căn bệnh zombie của dân công sở?

Theo Thảo Nguyên

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên