Đây là Windows 11: Giao diện tối giản hơn, chạy được cả ứng dụng Android, miễn phí nâng cấp
Windows 11 sẽ được phát hành vào mùa thu năm nay với nhiều thay đổi lớn so với Windows 10.
- 23-06-2021Microsoft lần đầu đạt giá trị vốn hóa 2.000 tỷ USD
- 13-04-2021Hành trình hồi sinh của “đế chế” Microsoft ở tuổi 46
Sau nhiều tháng rò rỉ thông tin, hệ điều hành dành cho PC của Microsoft đã chính thức ra mắt phiên bản mới mang tên Windows 11. Ưu tiên lớn nhất của Windows 11 là đơn giản hoá giao diện người dùng, cung cấp một kho ứng dụng Windows store mới, cải thiện hiệu năng cũng như khả năng đa nhiệm. Lần đầu tiên, Windows cũng sẽ hỗ trợ chạy ứng dụng Android.
Điểm đáng chú ý đầu tiên về Windows 11 là Start menu mới với nút Start đặt ở giữa thanh taskbar, khá giống với cách thiết kế dock trên macOS. Start menu mới cũng loại bỏ Live Tiles, vốn lần đầu xuất hiện trên Windows 8, dùng một launcher quen thuộc giống với Chrome OS hay Android. Các cửa sổ xuất hiện giờ đây cũng có cạnh bo tròn giống với Android và iOS.
Giao diện của Windows 11 với Start menu và thanh taskbar đặt giữa.
Giám đốc sản phẩm Windows Panos Panay cho biết nhóm của ông đặc biệt chú ý đến từng chi tiết nhỏ của hệ điều hành này. Windows 11 cũng có giao diện dark mode và light mode mới, trông đẹp và sạch sẽ hơn so với Windows 10.
Một tính năng mới nữa được Microsoft gọi là Snap Layouts, cho phép bạn mở nhiều ứng dụng cùng lúc trên màn hình được chia đôi, 3 hoặc 4, tuỳ vào nhu cầu. Nó cũng có thể nhóm các ứng dụng có cùng mục đích sử dụng vào thành một nhóm được gọi là Snap Groups.
Snap Layouts.
Windows 11 cũng sẽ hỗ trợ kết nối đa màn hình tốt hơn. Trong khi đó, hiệu năng là một cải tiến lớn khác của Windows 11. Các bản cập nhật Windows sẽ có dung lượng nhỏ hơn 40%, cho phép bạn cập nhật hệ điều hành ở chế độ chạy ngầm, không cần khởi động lại máy.
Microsoft cũng đã tích hợp ứng dụng làm việc từ xa Teams vào làm ứng dụng mặc định trên Windows 11. Teams sẽ xuất hiện trên thanh taskbar, cho phép bạn chat, gọi điện cho bạn bè, gia đình hoặc đồng nghiệp. Có vẻ, Teams sẽ là sự thay thế cho Skype, vốn xuất hiện mặc định trên Windows 10. Windows 11 cũng bổ sung một nút Mute trên giao diện hệ thống để bạn dễ dàng tắt micrphone trên tất cả các ứng dụng.
Microsoft Teams trên Windows 11.
Nếu đã quen sử dụng Android, bạn không lạ gì với Widget và giờ đây, tính năng này được đưa vào Windows 11. Widget trên Windows 11 được cá nhân hoá nhờ AI. Nó sẽ đọc thói quen của bạn để gợi ý những ứng dụng hữu ích nhất khi bạn mở từ bên trái sang. Các widget mặc định gồm có tin tức, thời tiết và bản đồ.
Microsoft cũng cải thiện các tính năng về cử chỉ trên máy tính bảng. Thay vì phải chuyển hẳn sang chế độ tablet, Windows 11 sẽ tự động thích ứng với khi bạn chạm vào màn hình. Windows 11 cũng sẽ hỗ trợ phản hồi xúc giác với một số loại bút cảm ứng, đồng nghĩa bạn sẽ sớm thấy nhiều thiết bị chạy Windows 11 hỗ trợ bút cảm ứng trong tương lai gần.
Widget trên Windows 11.
Microsoft cũng không quên các game thủ khi hỗ trợ Auto HDR, cho phép xem nội dung HDR trên hàng loạt game DirectX 11 và DirectX 12. Tất nhiên, bạn phải sử dụng loại màn hình chuẩn HDR.
Trên Windows 11, Microsoft nâng cấp kho ứng dụng Windows store, trong đó có nhiều ứng dụng hot như Adobe Creative Suite, TikTok và Instagram. CEO Staya Nadella khẳng định nhà phát triển có thể tuỳ ý sử dụng hệ thống thanh toán của mình và Microsoft không có ý định "chia phần" ở đó. "Windows luôn mang đến những món quà cho nhà sáng tạo", ông Nadella nói.
Windows Store mới, tích hợp cả ứng dụng Android.
Tuy nhiên, thông tin đáng chú ý nhất đến từ việc Windows 11 có thể chạy ứng dụng Android. Microsoft đã hợp tác với Amazon và Intel để biến điều này thành hiện thực. Trong buổi ra mắt, đại diện của hãng thử demo một số ứng dụng Android, trong đó có TikTok chạy song song với ứng dụng Windows 11 khác. Hãng cho biết sẽ chia sẻ nhiều thông tin hơn về vấn đề này "trong vài tháng tới".
Microsoft Windows 11 sẽ chính thức phát hành vào mùa thu, miễn phí cho người dùng Windows 10. Bản beta cũng sẽ sớm có mặt trên Windows Insider để cho người dùng trải nghiệm thử.
Tham khảo: The Verge