MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là ý nghĩa của việc nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 20 thế giới, vượt Canada, Italia về quy mô năm 2050 theo GDP ngang giá sức mua (PPP)

Năm 2016, GDP Việt Nam tính theo phương pháp thông thường khoảng 200 tỷ USD, nhưng là nền kinh tế lớn thứ 32 thế giới, với GDP 595 tỷ USD nếu tính theo phương pháp ngang giá sức mua (PPP). Bài viết này sẽ giải thích sự khác biệt cơ bản giữa 2 cách tính và ý nghĩa khi so sánh sự thịnh vượng của các quốc gia.

Theo dự báo của PwC, đến năm 2030, quy mô GDP theo PPP của Việt Nam sẽ đứng thứ 29 thế giới, với 1.303 tỷ USD. Và đến năm 2050 là 3.176 tỷ USD có thể kéo nền kinh tế lên top 20 - một con số đầy triển vọng.

Tại sao lại có GDP tính theo ngang giá sức mua?

Ngang giá sức mua (Purchasing Power Party – PPP) là lý thuyết được phát triển vào năm 1920 bởi Gustav Cassel nhà kinh tế người Thụy Điển. Đây là một phương pháp điều chỉnh tỉ giá hối đoái giữa hai tiền tệ để cân bằng sức mua của hai đồng tiền này.

Điểm mấu chốt của phương pháp này là lập luận: Giá cả của ở các quốc gia là khác nhau. Một chiếc áo mua ở Việt Nam sẽ có giá rẻ hơn so với một chiếc y hệt nếu mua ở Mỹ do các rào cản về thương mại và khác biệt chi phí sản xuất. Do đó sẽ là không hợp lý khi so sánh GDP của một nước mà không tính đến vấn đề này.

Mặc dù một người Việt Nam kiếm được ít tiền hơn so với một người Mỹ, động tác đơn giản là chuyển thu nhập ở Việt Nam sang đơn vị tính USD sẽ không đánh giá hết được sức mua của người Việt Nam. Từ đó các con số GDP tính theo ngang giá sức mua PPP được ra đời.

Những tính toán như vậy rất phức tạp và được nhiều tổ chức thực hiện, gồm cả Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Đại học Pennsylvania và Ngân hàng thế giới (WB). Kết quả do các tổ chức khác nhau đưa ra cho cùng một quốc gia có thể có khác biệt, thậm chí khác biệt lớn. Các con số về PPP chỉ là ước tính chứ không phải thực tế.

Dùng chỉ số nào để xếp hạng các nền kinh tế?

Dùng phương thức ngang giá sức mua PPP để so sánh sự chênh lệch về mức sống thực tế của hai nước tuy có tính hợp lý nhất định, nhưng nếu để so sánh quy mô thực tế nền kinh tế hai nước thì dễ có tính dẫn dắt sai.

Giới học giả kinh tế hiện nay chưa có phương thức tính hoàn toàn nhất trí về cách so sánh GDP, cho dù là cách tính theo sức mua thì cũng có nhiều loại tiêu chuẩn, và tồn tại các khiếm khuyết như coi nhẹ hàng hóa phi mậu dịch. Về mặt này học giả các nước chưa đi đến được sự đồng thuận nào.

Thậm chí nhà kinh tế Derek Scissors của viện American Enterprise Institute còn cho rằng ở bất kỳ thời điểm nào, dùng sức mua ngang giá để so sánh GDP giữa các quốc gia với nhau đều không có ý nghĩa quá lớn.

Trong khi đó ưu thế của việc sử dụng các con số GDP danh nghĩa là nó phản ánh chính xác hơn sự tham gia của người dân nước đó vào kinh tế toàn cầu. Việc so sánh sự giàu mạnh của quốc gia cũng thường được thực hiện dựa trên cơ sở GDP quốc gia, nó không phản ánh những sự khác biệt trong giá cả sinh hoạt ở các quốc gia khác nhau.

Chính vì vậy, một số nhà kinh tế cũng khuyến cao là cần cẩn thận khi so sánh sự thịnh vượng giữa hai quốc gia. Thường thường khi muốn làm tăng hay giảm vị thế của một quốc gia người ta thường sử dụng con số phù hợp nhất cho mục tiêu của mình và quên đi con số kia. Vì thế, điều này có thể gây ra sự khác biệt, một so sánh chính xác hơn giữa hai nền kinh tế buộc phải tham khảo cả hai con số xếp hạng, cũng như sử dụng các dữ liệu kinh tế khác để đặt nền kinh tế vào đúng hoàn cảnh của nó.

Linh Bùi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên