Đẩy lùi tín dụng đen là tránh thất thu thuế cho nhà nước
Tín dụng phi chính thức đang chiếm khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng, tức vào khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Bên cho vay thu được nguồn lợi lớn khi làm tín dụng đen nhưng không một đồng thuế nào được đóng vào ngân sách.
- 21-10-2018Ai cũng biết thẻ tín dụng tiện lợi, nhưng vì sao người ta còn ngần ngại sử dụng?
- 19-10-2018Quyết liệt giải quyết tình trạng “tín dụng đen” ở Hưng Yên
- 17-10-2018Cử tri rất lo ngại về tín dụng đen, lừa đảo qua mạng
Tín dụng đen đang là cụm từ khoá "nóng" hơn bao giờ hết trên thị trường tài chính thời gian gần đây. Tín dụng đen hoành hành ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế, gây hiểu lầm về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng và đặc biệt gây bất ổn xã hội, cho nên các ngành, các cấp, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, đang phải ra sức để ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này.
Những bất ổn do tín dụng đen gây nên
Tín dụng phi chính thức (tức là tín dụng không qua ngân hàng hay tổ chức tín dụng phi ngân hàng) đã có từ rất lâu trong lịch sử phát triển của nền kinh tế và tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, đó có thể là góp họ, chơi phường, hội, cầm đồ, anh em cho vay mượn lẫn nhau…Theo thống kê của các chuyên gia thì các hình thức vay mượn này chiếm một lượng tiền rất lớn trong nền kinh tế, hiện vào khoảng 20% tổng tín dụng tức khoảng trên 1,2 triệu tỷ đồng.
Tín dụng phi chính thức có cả tích cực lẫn tiêu cực. Chuyên gia tài chính TS. Cấn Văn Lực cho rằng tín dụng phi chính thức mà tồn tại dưới dạng cho vay với lãi suất cao "cắt cổ" thì ấy là tín dụng đen, và nó đang chiếm khoảng 30-35% tổng tín dụng phi chính thức tức là vài trăm ngàn tỷ đồng. Nói con số tuyệt đối thì không lớn nhưng nó lại đang gây ra rất nhiều bất ổn cho xã hội.
Những bất ổn có thể xảy ra là lãi suất cao ngất ngưởng, người vay 1 đồng nhưng phải trả nợ tới 2-3 đồng, rồi đòi nợ dạng "khủng bố" về tinh thần, đe doạ đến sức khoẻ và tính mạng của người vay, mà nhiều khi là cả người thân của người vay, đến khi "con nợ" không có khả năng trả thì bên cho vay cưỡng đoạt tài sản. Tín dụng đen cũng không chỉ đơn thuần là hoạt động cho vay, mà còn là huy động vốn dưới dạng góp vốn với lãi suất cao rồi lừa đảo, ôm tiền bỏ trốn…khiến người cho vay rơi vào cảnh đứng ngồi không yên.
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng là cơ quan công an đã triệt phá nhiều "ổ" cho vay tín dụng đen hoặc các phi vụ lừa đảo người dân để góp tiền lãi suất cao. Điển hình như cơ quan công an Tp.Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa bắt giữ hai đối tượng lập ra công ty rồi hoạt động dưới hình thức cho vay với lãi suất cao từ 60% đến hơn 400%. Hay trường hợp của công an Hưng Yên vừa khởi tố 5 đối tượng về tội cho vay nặng lãi. Công an tỉnh Đăk Lăk cũng đang điều tra một băng nhóm từ ngoài Bắc vào hoạt động cho vay nặng lãi với lãi suất tới 30%/tháng tức 360%/năm rồi cưỡng đoạt tài sản của người dân khi họ không trả nổi tiền. Công an Hà Nội cũng triệt phá nhiều băng nhóm cho vay tín dụng đen với lãi suất "cắt cổ"…
Phát triển tài chính tiêu dùng để đẩy lùi tín dụng đen và tránh thất thu thuế cho nhà nước
Mặc dù tín dụng đen có nhiều hệ luỵ nhưng nó vẫn tồn tại và phát triển rộng khắp là vì nhu cầu tiền mặt sử dụng của người dân vẫn rất cao, thủ tục cho vay đơn giản, gọn nhẹ, bên cạnh những nhận thức về hoạt động cho vay này còn thấp…Bên cạnh đó, tín dụng đen được che dấu, luồn lách quy định hết sức tinh vi nên cũng gây khó khăn cho lực lượng quản lý khi ngăn chặn hình thức này.
Ngoài những hệ luỵ đối với người dân kể trên thì tín dụng đen còn gây tổn thất lớn cho nền kinh tế đó là bị thất thu thuế. Bởi tín dụng đen là phi chính thức, bên cho vay kiếm được nguồn lợi rất lớn nhưng không phải đóng một đồng thuế hay lệ phí nào. Trong khi đó nếu như nguồn vốn ấy được đưa vào tín dụng chính thức, thông qua các tổ chức tín dụng là ngân hàng và công ty tài chính, thì nguồn ngân sách thu được chắc chắn không phải là con số nhỏ. Do vậy, yêu cầu đăt ra đối với việc đẩy lùi tín dụng đen lại càng trở nên cấp bách.
Một trong những biện pháp nhằm đẩy lùi tín dụng đen, theo các chuyên gia đó là phát triển tín dụng chính thức, mà đơn giản và hiệu quả nhất là thông qua hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính.
Vì sao lại là công ty tài chính? Bởi lẽ hoạt động của công ty tài chính đang rất phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người dân: là các khoản cho vay nhỏ từ vài triệu đồng cho đến dưới 100 triệu đồng; người dân dễ tiếp cận được (chỉ cần đủ 18 tuổi trở lên); không cần tài sản thế chấp (chỉ cần có chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu hoặc bằng lái xe…); có thể vay để mua hàng tiêu dùng, mua xe máy hoặc tiền mặt; thủ tục đơn giản và giải ngân nhanh chóng; hệ thống mạng lưới phủ khắp các tỉnh thành và cả ở vùng xa thông qua các điểm bán hàng, nhất là cửa hàng điện máy (chẳng hạn công ty tài chính lớn nhất thị trường hiện nay là Fe Credit đang có tới 12.000 điểm bán hàng phủ khắp 63 tỉnh thành cả nước).
Ngoài ra khi vay công ty tài chính, người dân có được hợp đồng vay mượn rõ ràng theo quy định của pháp luật, được pháp luật bảo vệ; thông tin về vay mượn rõ ràng chứ không mù mờ như vay tín dụng đen; và việc đòi nợ cũng rất minh bạch, đường hoàng theo quy định do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Đặc biệt, lãi suất vay của công ty tài chính thì rẻ hơn rất nhiều lần so với vay tín dụng đen bên ngoài.
Để tránh xảy ra vỡ nợ, bị áp lãi phạt cao người dân cần lưu ý gì khi vay tiền của công ty tài chính?
Chia sẻ tại một buổi toạ đàm hồi cuối tháng 9 do CafeF phối hợp với Báo Trí thức trẻ tổ chức, ông Đoàn Xuân Phong đến từ công ty tài chính Fe Credit cho biết, để tránh xảy ra tình trạng vỡ nợ hay bị áp lãi cao thì người vay cần có 4 lưu ý.
Thứ nhất là phải chọn các thương hiệu tài chính tiêu dùng có uy tín trên thị trường, người đi vay cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa các hình thức vay tiêu dùng của công ty tài chính, ngân hàng và vay "nóng" của tín dụng đen; đồng thời nghiên cứu kỹ và hỏi rõ về các quy định trong hợp đồng vay vốn trước khi vay.
Hai là cân nhắc khả năng tài chính cá nhân và khả năng thanh toán khoản vay của bản thân trước khi đặt bút ký hợp đồng vay.
Ba là, sau khi đăng ký vay tiêu dùng và nhận được khoản giải ngân thành công, khách hàng cần có trách nhiệm với khoản vay của chính mình thông qua việc trả nợ đúng hạn.
Và bốn là có kế hoạch tài chính để thanh toán đủ số tiền và đúng thời gian quy định trong hợp đồng. Khi thanh toán cần thực hiện đúng các yêu cầu cơ bản như thông tin thanh toán có đầy đủ họ tên, mã số hợp đồng vay tiêu dùng, nội dung khoản thanh toán của mình và phải giữ đầy đủ biên nhận khoản thanh toán hàng tháng nhằm tránh các rủi ro tranh chấp về sau.