Đẩy mạnh mảng IB – Chứng khoán HSC có gì để cạnh tranh với các đối thủ "đáng gờm" còn lại?
Ông Johan Nyvene – Tổng Giám đốc CTCK Tp.HCM (HSC, mã: HCM) nhấn mạnh vấn đề lớn nhất mà HSC đưa ra tờ trình ĐHĐCĐ thường niên 2018 là nguồn vốn cần có để phát triển theo hướng ngân hàng đầu tư – IB".
Có thể nói, trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh thực hiện kế hoạch thoái vốn khiến thị trường chứng khoán gia tăng thanh khoản, thu hút mạnh dòng vốn, mảng Ngân hàng đầu tư (IB) trở thành cuộc chơi lớn trên thương trường. Tuy nhiên, không phải công ty chứng khoán (CTCK) nào cũng có thể nhập cuộc!
Chính vì vậy, chia sẻ bên lề ĐHĐCĐ thường niên 2018 vừa diễn ra, ông Johan Nyvene – Tổng Giám đốc Chứng khoán HSC nhấn mạnh: "Vấn đề lớn nhất mà HSC đưa ra tờ trình là nguồn vốn cần có để phát triển theo hướng ngân hàng đầu tư – IB".
Theo đại diện Chứng khoán HSC, IB không phải là thương vụ mà bản chất là một mô hình kinh doanh. Trong mô hình ấy bao gồm thứ nhất là hoạt động tư vấn, tiếp đến là phân phối – tức việc bán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cuối cùng, CTCK sẽ dùng nguồn vốn của mình để thực hiện những công việc liên quan đến tự doanh; trong đó có tạo lập thị trường, đầu tư, bảo lãnh cũng như mua gom cho khách hàng…
Và trước khi đến với sân chơi này, Chứng khoán HSC đã lường trước sẽ phải cạnh tranh với những CTCK hàng đầu như SSI, VCSC… "bao giờ cũng phải có cạnh tranh", ông Johan Nyvene nhấn mạnh. Vậy, liệu rằng Chứng khoán HSC đã chuẩn bị những gì để nhập cuộc?
Muốn tham gia làm IB thì CTCK phải đảm bảo nguồn vốn lớn
Thứ nhất, nói về lợi thế cạnh tranh của mình, Tổng Giám đốc HSC cho biết: "Có cái họ được có cái mình được, có cái họ hơn có cái mình hơn".
Cụ thể, vị này đưa ra ví dụ nếu trong một deal mà HSC có vốn, thì Công ty sau đó sẽ có lợi thế về phát hành. Song, tựu trung lại thì vốn là một yếu tố cạnh tranh lớn, tức muốn tham gia làm IB thì CTCK phải đảm bảo nguồn vốn lớn. Nếu so sánh với các đơn vị còn lại, HSC tự nhận thấy nguồn vốn còn khá nhỏ, thua xa SSI và chắc chỉ tương đương với VCSC. Khi mà nguồn vốn HSC tính đến cuối quý 1/2018, trước khi chia cổ tức gần 3.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu (VCSH).
Hiện, HSC quản lý tài chính dễ hiểu nhất là VCSH, còn vốn điều lệ liên quan đến pháp lý mà thôi. Theo đó, quay trở lại câu chuyện tăng vốn, như đại diện Công ty đã nói ở trên là năm 2018 HSC sẽ tập trung trình cổ đông xem xét bổ sung nguồn vốn hướng đến mảng IB.
Giữ vững thị phần khách hàng tổ chức nước ngoài
Yếu tố thứ hai được ông Johan Nyvene đưa ra là khả năng phân phối. "Khả năng phân phối thì phụ thuộc vào thị phần của khối khách hàng tổ chức nước ngoài, thành ra quay trở lại câu hỏi đầu tiên là làm sao để giữ vững được thị phần khách hàng tổ chức nước ngoài, HSC hiện đang cố gắng duy trì được những thế mạnh của mình".
Ông Johan Nyvene – Tổng Giám đốc CTCK Tp.HCM.
Ngoài ra, HSC sau định hướng tăng vốn thì cũng mới chỉ đạt một nửa so với nguồn vốn của bạn hàng lớn SSI. Như vậy, để phát triển sâu rộng trong hoạt động ngân hàng đầu tư, HSC sẽ tiếp tục mô hình kinh doanh mình đang giữ vị thế là môi giới và cho vay ký quỹ.
Trong đó, việc cho vay ký quỹ HSC đang có nguồn vốn khá dồi dào. Cụ thể, Công ty đã phát hành trái phiếu trong năm 2017 là 800 tỷ đồng. Mới đây, HSC công bố phát hành 1.200 tỷ đồng trái phiếu nữa. Như vậy, với nguồn vốn vay tổng cộng 2.000 tỷ và 1.900 tỷ đồng vay ngân hàng thì HSC không thiếu vốn.
Song, yếu tố đáng chú ý khi cho vay ký quỹ là dựa trên tỷ lệ an toàn vốn do UBCKNN yêu cầu thì HSC không thể tăng hạn mức cho vay từng mã một – mà thời gian qua những mã chứng khoán lớn trên thị trường tăng khối lượng giao dịch lên rất nhiều và nhu cầu vay cho những mã lớn đó như HPG, VNM, HSG, VCB, ACB…rất lớn. Dựa trên số liệu VCSH hiện tại thì HSC không thể tiếp tục tăng hạn mức cho các mã lớn này.
"Vậy việc tăng vốn là để tăng vốn điều lệ. Với VCSH khoảng 3.000 tỷ đồng cuối quý 1 và cộng các khoản vốn vay 3.900 tỷ đồng, có nghĩa HSC đã đang dùng vốn vay rất hiệu quá. Việc tăng vốn điều lệ là việc cần thiết để duy trì bảng cân đối tài sản cân đối, vốn vay không lớn hơn vốn chủ sở hữu quá nhiều", đại diện HSC bổ sung.
Cùng với đó, tình hình cho vay ký quỹ trên thị trường, theo vị này đúng là dư nợ tăng nhiều thời gian qua nhưng tính thanh khoản trên thị trường cũng tăng cao, năm 2017 tăng hơn 60%, từ đầu năm đến nay tăng gấp đôi so với trung bình 2017. Bối cảnh như vậy, hoạt động đòn bẩy cũng tăng tương xứng.
Hé lộ thương vụ lớn 2018 – Niêm yết Yeah1
Được biết, đến nay Công ty đã có nhiều thương thảo với các đối tác trong công tác IB, tuy nhiên chưa tiện tiết lộ. Nếu nói một cách tổng quan, Công ty cho biết hướng đến những doanh nghiệp có kế hoạch niêm yết, thoái vốn Nhà nước cũng như mục tiêu M&A. Cụ thể, HSC sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực:
Cổ phần hóa Nhà nước tại các doanh nghiệp chưa cổ phần hóa;
Thoái vốn tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa và bây giờ Nhà nước tiếp tục thoái vốn;
Hoạt động mua bán của các doanh nghiệp tư nhân, bao gồm cả IPO và mua bán sáp nhập (M&A).
Còn về lĩnh vực gia nhập, HSC dự kiến thực hiện tất cả các deal mà nhà đầu tư tổ chức có khẩu vị, bao gồm lĩnh vực ngân hàng, dầu khí, bất động sản…
Phát biểu tại đại hội, lãnh đạo Công ty cũng thông tin đến cổ đông trong lĩnh vực tư vấn tài chính doanh nghiệp, các thương vụ mà HSC đang tiến hành thì có thương vụ đã ký, có thương vụ gần ký và có cái chưa ký được hợp đồng nên chưa thể đưa ra con số tổng giá trị hợp đồng ký được.
"Tôi có thể đưa ra ví dụ để cổ đông hình dung, một trong những thương vụ lớn và HSC đã có hợp đồng là một công ty media là Yeah 1 TV– HSC đang tư vấn IPO cho họ, dựa trên những kết quả sơ bộ thì HSC kỳ vọng tỷ lệ thành công cao với giá trị thương vụ khoảng 400 triệu USD. Qua đó giúp HSC có khoản phí lớn, cũng đã thể hiện một phần trong KQKD quý 1", vị này chia sẻ.
Logo Yeah1.
Điểm qua về Yeah1, đây là một kênh cung cấp thông tin về xã hội - đời sống - giải trí, được thành lập vào tháng 9/2006, có tiền thân là CTCP Tập đoàn Đại Sứ Trẻ. Hiện, Yeah1 kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông thông qua 2 kênh: (1) truyền hình truyền thống gồm Yeah1tv, Yeah1Family, Imovietv và SCTV2; (2) các kênh khác như website, App… với hệ thống 9 công ty con và 4 công ty con gián tiếp. Yeah1 kế hoạch sẽ phát hành 3.57 triệu cổ phiếu thưởng từ vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 100:15 trong quý 2/2018. Nếu thương vụ này thành công, vốn điều lệ của Công ty sẽ tăng từ 238 tỷ đồng lên 274 tỷ đồng.
Với tất cả những luận điểm trên, bên cạnh những lợi thế về thị phần môi giới, cho vay ký quỹ… có thể thấy rằng một trong những yếu tố cần thiết của HSC hiện nay để đẩy mạnh IB là nguồn vốn, điều này cũng đã được Công ty trình với đại hội.
Trí Thức Trẻ