MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đẩy mạnh thanh tra để thu hồi gần 14.600 tỷ đồng chậm đóng BHXH

Đẩy mạnh thanh tra để thu hồi gần 14.600 tỷ đồng chậm đóng BHXH

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang quyết liệt chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố áp dụng triệt để các giải pháp thu hồi nợ, trong đó tập trung vào các hoạt động thanh tra việc đóng bảo hiểm.

Trong những tháng cuối năm, cơ quan bảo hiểm sẽ tăng cường thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với doanh nghiệp nợ từ 3 tháng trở lên, đơn vị chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ cho người lao động. Dự kiến trong những tháng còn lại của năm 2022, số tiền chậm đóng được thu hồi qua thanh tra sẽ đạt khoảng 200 tỷ đồng/tháng.

Đẩy mạnh thanh tra để thu hồi gần 14.600 tỷ đồng chậm đóng BHXH - Ảnh 1.

Tư vấn về việc đóng BHXH

Ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý Thu, Sổ-thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết: Số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phải tính lãi là 14.577 tỷ đồng, chiếm 3,38% số phải thu. Hiện nay, với sự nỗ lực của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành liên quan, tình trạng nợ đọng và chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đang có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, việc chậm đóng vẫn còn diễn ra tương đối phổ biến ở tất cả các loại hình doanh nghiệp.

Theo cơ quan bảo hiểm xã hội, nguyên nhân của tình trạng chậm đóng từ nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, nhưng chủ yếu vẫn là do ý thức chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của một số doanh nghiệp chưa cao; cố tình chây ỳ để nợ kéo dài làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động trong việc thụ hưởng các chính sách an sinh. Ông Đinh Duy Hùng cho biết: Nhằm giảm số tiền chậm đóng, đảm bảo quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, từ nay đến cuối năm, toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tập trung các giải pháp, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về thu, giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2022.

"Để giảm được số tiền nợ cũng như tỷ lệ nợ và hạn chế tối đa hiện tượng chậm đóng, trốn đóng BHXH, cán bộ của BHXH của các tỉnh, thành phố thường xuyên nắm bắt tình hình cụ thể của doanh nghiệp để có giải pháp cụ thể trong từng trường hợp. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Phối hợp với các cơ quan liên quan ở địa ương như: Thuế, công an, liên đoàn lao động tỉnh, cơ quan báo chí để tăng cường công tác tuyên truyền vận động, đối thoại nhằm nâng cao ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật trong DN cũng như đối với người lao động. Đối với các trường hợp mà đã thông qua công tác nhắc nhở, đôn đốc, hướng dẫn mà vẫn cố tình vi phạm, cố tình chậm đóng, trốn đóng thì cơ quan BHXH sẽ chuyển hồ sơ đến cơ quan công an để kiến nghị điều tra, khởi tố theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, bên cạnh việc áp dụng các giải pháp đôn đốc thu, thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được xác định là giải pháp tích cực trong việc tăng thu, giảm tình trạng chậm đóng và răn đe, phòng ngừa, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đồng thời thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Ông Phạm Tuấn Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra-Kiểm tra (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết: Kết quả đạt được từ công tác thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm và xử lý vi phạm đã góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của các tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm, mục đích, ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Theo ông Phạm Tuấn Cường, trước đây các doanh nghiệp thường né tránh đoàn thanh tra, không làm việc hoặc cử người không có thẩm quyền tham gia làm việc khiến công tác thanh tra khó xử lý. Đến nay, khi công tác thanh tra cơ quan bảo hiểm xã hội phối hợp với ngành công an thực hiện, doanh nghiệp chủ động tự nguyện khắc phục chậm đóng, đóng thiếu. Chỉ trong hai tháng 8 và 9 năm nay, đã thanh tra đột xuất tại 2.233 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên và có số nợ lớn. Sau thanh tra, ngoài việc yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động thực hiện kịp thời nghĩa vụ phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mới phát sinh còn thu hồi hơn 250 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm cũ.

"Kết quả, trong năm 2021 và 9 tháng năm 2022, thông qua công tác thanh tra về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã thu hồi 4.383 tỷ đồng tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, trong đó năm 2021 là 2.445 tỷ đồng, 9 tháng năm 2022 là 1.938 tỷ đồng. Đặc biệt, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp những tháng cuối năm 2022, chúng tôi đã có những giải pháp quyết liệt, linh hoạt theo đúng Thông tư 06 của thanh tra chính phủ quy định về hoạt động thanh tra" - ông Cường cho biết thêm.

Theo Hà Nam

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên