MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đẩy mạnh thoái vốn tại Vinamilk, SCIC báo lãi gần 19.000 tỷ đồng trong năm 2016

30-06-2017 - 18:56 PM | Doanh nghiệp

Theo kế hoạch, đến năm 2020, SCIC dự kiến cổ phần hóa thêm 5 doanh nghiệp, tiếp tục đầu tư nắm giữ vốn tại 3 doanh nghiệp, bán vốn giai đoạn 2017 – 2020 tại 137 doanh nghiệp, tiến hành giải thể phá sản 3 doanh nghiệp.

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa công bố bao cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch SXKD trong giai đoạn 2013 – 2016.

Trong giai đoạn này, tổng doanh thu SCIC tăng 4,1 lần (từ từ 5.320 tỷ đồng năm 2013 lên 22.034 tỷ đồng năm 2016). Lợi nhuận trước thuế tăng 3,9 lần (từ 4.913 tỷ đồng năm 2013 lên 18.971 tỷ đồng năm 2016).

Nộp ngân sách nhà nước của SCIC tăng 7,4 lần (từ 2.246 tỷ đồng năm 2013 lên 16.589 tỷ đồng năm 2016). Trong đó, doanh thu từ bán vốn tại Vinamilk sau khi trừ các khoản chi phí hợp lý đã nộp về Quỹ HTSX&PTDN là 10.873 tỷ đồng.

Từ năm 2014 đến năm 2016, SCIC đã đầu tư 13.380 tỷ đồng, bao gồm đầu tư trái phiếu 6.050 tỷ đồng (chủ yếu là Trái phiếu chỉnh phủ), đầu tư cổ phiếu 1.864 tỷ đồng, đầu tư vào các doanh nghiệp thành lập mới (631 tỷ đồng). Ngoài ra, SCIC còn thực hiện đầu tư vào cổ phần dành cho cổ đông hiện hữu 3.836 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, SCIC còn đầu tư theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ vào Tisco 1.000 tỷ đồng cho dự án Khu gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Tuy vậy, hiện SCIC đã rút vốn khỏi dự án này.

Tính riêng trong năm 2016, SCIC đã tiến hành giải ngân 1.174 tỷ đồng bao gồm góp vốn đầu tư vào CTCP Tư vấn đầu tư và đầu tư Việt Nam (18 tỷ đồng) để triển khai dự án 29 Liễu Giai, CTCP Tháp truyền hình Việt Nam 49,5 tỷ đồng), cấp vốn điều lệ cho công ty TNHH Đầu tư SCIC 502 tỷ đồng, đầu tư mua trái phiếu ngân hàng VPBank (500 tỷ đồng) và Ngân hàng ACB (100 tỷ đồng). Ngoài ra SCIC thực hiện đầu tư tăng vốn tại công ty TNHH Đầu tư và thương mại Tràng Tiền (4,5 tỷ đồng).

Một số dự án SCIC đang tiếp tục đầu tư và chuẩn bị đầu tư như gồm Dự án Tháp tài chính, Dự án 29 Liễu Giai, dự án sản xuất vắc xin quy mô công nghiệp, dự án nhà máy sản xuất thuốc chữa ung thư, bệnh viện…

Theo kế hoạch, đến năm 2020, SCIC dự kiến cổ phần hóa thêm 5 doanh nghiệp, tiếp tục đầu tư nắm giữ vốn tại 3 doanh nghiệp, bán vốn giai đoạn 2017 – 2020 tại 137 doanh nghiệp, tiến hành giải thể phá sản 3 doanh nghiệp. Trong đó kế hoạch riêng năm 2017, SCIC sẽ thực hiện bán vốn tại 107 doanh nghiệp trực thuộc các ngành, lĩnh vực khác nhau.

Trong danh sách 137 doanh nghiệp SCIC dự định bán vốn, đáng chú ý có những cái tên như CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk (bán 39%), CTCP Traphaco (bán 36% vốn), Dược Hậu Giang (bán 43% vốn), CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (bán 50% vốn), Nhựa Thiếu niên – Tiền phong, Nhựa Bình Minh (lần lượt bán 37% và 30% vốn), tập đoàn Bảo Việt bán 3%, Ngân hàng TMCP Quân đội bán 10%...

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên