MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo động lực để Thái Bình phát triển

Đông chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình. Ảnh: TTXVN

Đông chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình. Ảnh: TTXVN

Là tỉnh ven biển, có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế biển, những năm qua tỉnh Thái Bình đã tập trung thu hút đầu tư nước ngoài nhằm tăng tỷ trọng phát triển công nghiệp. Nhân dịp đầu Xuân mới Quý Mão 2023, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình về những định hướng trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh có tiếng là “vựa lúa” vùng đồng bằng sông Hồng.

Thưa đồng chí, những năm gần đây, Thái Bình đã tập trung mũi nhọn vào lĩnh vực gì để giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương?

Trong hai năm 2021 - 2022, tỉnh Thái Bình đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thực hiện mục tiêu kép là giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế và kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, không để dịch bùng phát; tiếp tục duy trì, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập toàn diện về mọi mặt.

Điển nổi bật của tỉnh Thái Bình trong hai năm qua, đó là tốc độ tăng trưởng GRDP đều nằm trong nhóm cao ở khu vực. Trong đó năm 2021 là 7,25%, năm 2022 tăng trưởng trên 9,52%; thu hút FDI trên 700 triệu USD.

Đây là những tiền đề để năm 2023 Thái Bình bắt tay vào đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế - xã hội và có những bước phát triển bứt phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.

Mặt khác, do có sự chỉ đạo quyết liệt mà hai năm rưỡi của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, kinh tế địa phương vẫn giữ ổn định; trong đó có sự chuẩn bị rất dày công cả về năng lực quản lý, về chương trình, kế hoạch, quy hoạch, về môi trường đầu tư.

Cũng trong hơn 2 năm qua, tỉnh Thái Bình đã tăng cường thu hút đầu tư, song song với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển hạ tầng, làm tốt công tác xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Nhờ đó mà hạ tầng kinh tế xã hội của tỉnh đã được cải thiện một bước với nhiều tuyến đường huyết mạch quan trọng đã được khởi công và đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đi vào hoàn thành trong năm 2023.

Tỉnh cũng đã xúc tiến, tiếp xúc rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư đến các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore... Đến nay đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu và tiến tới ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với tỉnh Thái Bình.

Mặt khác, tỉnh Thái Bình cũng đã đẩy mạnh việc hoàn thành quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như các chương trình, kế hoạch trọng điểm khác. Đó là những tiền đề và định hướng để tiến tới thực hiện thành công mục tiêu tổng quát mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX đề ra, sớm đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế - xã hội trở thành tỉnh phát triển khá và sẽ trở thành tỉnh phát triển mạnh khu vực đồng bằng sông Hồng.

Vậy trong năm 2023, tỉnh Thái Bình đặt ra những nhiệm vụ cụ thể nào để đạt được mục tiêu đã đề ra, thưa đồng chí?

Mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 là hết sức nặng nề nhưng rất quan trọng. Chắc chắn đây sẽ là một năm mà tỉnh Thái Bình bứt phá vươn lên.

Trước hết, đó là nhiều dự án quan trọng trong tỉnh sẽ đi vào hoạt động. Một số dự án đầu tư đã được khởi công đầu tư trong hơn 1 năm qua sẽ sớm đi vào hoạt động nhằm phát huy hiệu quả sau đầu tư, như dự án Khu công nghiệp Liên Hà Thái, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, một số dự án đầu tư xây dựng ở các doanh nghiệp trong tỉnh.

Thứ hai, năm 2023 cũng là năm mà tỉnh Thái Bình tập trung đi sâu vào chuyển đổi phát triển nông nghiệp. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ đã được định hình trong những năm qua, nay đang được nhân rộng và đầu tư chiều sâu. Đây sẽ là những mô hình và dự án góp phần nâng cao giá trị nông sản của tỉnh, nhất là cây lúa; trong đó có cả dự án mà Công ty Cổ phần tập đoàn Thái Bình SEED hợp tác quốc tế với Nhật Bản sẽ được triển khai đi vào hoạt động.

Mặt khác, đây cũng chính là điều kiện quan trọng để người dân ở khu vực nông thôn có điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững với giá trị cao và nâng cao thu nhập. Qua đó nâng cao đời sống của một bộ phận nhân dân ở nông thôn.

Cũng trong năm 2023, Thái Bình sẽ đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện hạ tầng một số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng đảm bảo hạ tầng đồng bộ, đạt tiêu chuẩn. Qua đó, tỉnh cũng sẽ cấp phép một số dự án sản xuất gắn với khu vực nông thôn để giải quyết việc làm cho người dân khu vực nông thôn. Từ đó giúp cho những lao động thiếu việc làm, khi trở về quê hương có việc làm kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn và giải quyết được tình trạng dư thừa lao động nông nhàn; góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân...

Đặc biệt, năm 2023 cũng là năm Thái Bình tập trung sớm ký kết thỏa thuận hợp tác với một số địa phương của Hàn Quốc. Theo đó, phía bạn đã cơ bản thống nhất cao với một số định hướng trong việc trao đổi lao động, nhất là lao động khu vực nông nghiệp ở những thời điểm nhất định sẽ được đưa đi xuất khẩu lao động ngắn hạn sang Hàn Quốc, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân.

Cuối cùng, năm 2023 cũng là năm định hình các hoạt động văn hóa xã hội quay trở lại bình thường sau đại dịch COVID-19. Tỉnh đã có chủ trương đưa các hoạt động văn hóa - xã hội không chỉ trở lại bình thường mà còn đầu tư chiều sâu, thấm sâu vào trong đời sống dân cư nông thôn. Tiếp tục tạo động lực, tinh thần và điều kiện đầu tư các thiết chế văn hóa cho người dân khu vực nông thôn có đời sống văn hóa phong phú cả về vật chất và tinh thần.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo động lực để Thái Bình phát triển - Ảnh 1.

Ngày 8/5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đến khảo sát tình hình đầu tư xây dựng và hoạt động của Khu Kinh tế Thái Bình tại huyện Thái Thuỵ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thưa đồng chí, tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng được Chính phủ quyết định đầu tư xây dựng. Khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng, chúng ta kỳ vọng gì để đưa kinh tế biển của Thái Bình phát triển?

Thái Bình hiện nay đang tập trung đẩy nhanh hoàn thiện một số dự án hạ tầng thiết yếu, trong đó chủ động xây dựng một số tuyến đường kết nối trực tiếp sang Hải Phòng thông qua Quốc lộ 37B và Quốc lộ 5B.

Tỉnh Thái Bình tiếp tục tăng cường kết nối với các địa phương như Hải Dương, Nam Định và đặc biệt là phấn đấu hoàn thành đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển kết nối với tỉnh Nam Định và TP Hải Phòng.

Mặt khác, Thái Bình cũng đang triển khai thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, đó là triển khai đầy đủ tất cả các thủ tục sớm có thể lựa chọn được đơn vị tư vấn, nhà đầu tư BOT để triển khai xây dựng tuyến đường bộ cao tốc từ Ninh Bình đi Hải Phòng, trong đó đoạn đi qua địa bàn Thái Bình.

Trên tuyến cao tốc này sẽ có 3 nút giao nằm trên địa bàn tỉnh Thái Bình, nếu được triển khai thi công đúng theo tiến độ sẽ góp phần mở ra không gian giao thương phát triển vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Hồng và là tuyến giao thông huyết mạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tạo ra không gian phát triển mới.

Tỉnh Thái Bình đang tiếp tục tranh thủ thu hút các nguồn lực và huy động nguồn lực nội sinh trong tỉnh, đây là điều hết sức quan trọng. Chúng tôi đã và đang chủ động việc này.

Thời gian qua, Thái Bình cũng đã khởi công được 4 tuyến đường huyết mạch quan trọng trong nội tỉnh. Ví dụ như tuyến đường nối từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn, tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi Cồn Vành và 5 tuyến đường trục trong khu kinh tế. Đây chính là những động lực trước mắt và lâu dài để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo Nguyễn Viết Tôn

Báo Tin tức

Trở lên trên