MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây mới là câu hỏi khó nhất trong kỳ thi CFA năm 2016

11-06-2016 - 10:55 AM | Tài chính quốc tế

CFA được coi là kỳ thi khó nhằn nhất trên phố Wall với tỷ lệ trượt lên tới 50%. Người dự thi thường phải bỏ ra hơn 300 giờ để học cho mỗi level và phí dự thi cũng lên tới hàng nghìn USD.

Cuối tuần trước, hàng trăm nghìn người hoạt động trong ngành tài chính từ khắp nơi trên thế giới đã tham dự kỳ thi CFA level 3. Đây được coi là kỳ thi khó nhằn nhất trên phố Wall với tỷ lệ trượt lên tới 50%. Người dự thi thường phải bỏ ra hơn 300 giờ để học cho mỗi level và phí dự thi cũng lên tới hàng nghìn USD. Cứ 5 người thì có tới 4 người phải bỏ cuộc trên chặng đường từ level 1 đến level 3.

Tuy nhiên, có lẽ những người mong muốn có được chứng chỉ CFA level 3 sẽ phải trả lời một câu hỏi khó nhằn hơn rất nhiều: có đáng để đầu tư thời gian, công sức và một số tiền không nhỏ để có được tấm bằng CFA hay không?

Những số liệu thống kê về những giá trị tăng thêm mà chứng chỉ CFA đem đến cho hồ sơ xin việc của bạn cho thấy đáng tiếc là cho đến nay câu trả lời vẫn rất mơ hồ. Không ai nói rằng chứng chỉ CFA vô giá trị, nhưng theo số liệu của công ty tuyển dụng Phaidon International, khoảng 73% các vị trí tuyển dụng có nhắc đến chứng chỉ CFA đưa ra mức lương đề nghị dưới 100.000 USD.


Gần 3/4 các vị trí tuyển dụng có nhắc đến chứng chỉ CFA đưa ra mức lương đề nghị nằm trong khoảng từ 60.000 đến 100.000 USD

Gần 3/4 các vị trí tuyển dụng có nhắc đến chứng chỉ CFA đưa ra mức lương đề nghị nằm trong khoảng từ 60.000 đến 100.000 USD

Đây chính là loại số liệu mà những người hứng thú với chứng chỉ này quan tâm. Hàng năm, cứ đến mùa thi là các diễn đàn trực tuyến lại trở nên sôi động với những câu hỏi về lợi ích mà chứng chỉ này mang lại. Nhiều người cho rằng CFA chắc chắn sẽ tăng thêm giá trị đáng kể cho tên tuổi của bạn cũng như hồ sơ xin việc và tiếp theo là công việc tốt với mức thu nhập cao chót vót. Ngược lại có ý kiến cho rằng học CFA là “tốn công vô ích”.

Một trong những lý do khiến số liệu không rõ ràng là vì Hiệp hội CFA – cơ quan tổ chức kỳ thi này và thu về 260 triệu USD doanh thu mỗi năm – không theo dõi số liệu. Khi đăng ký thông tin dự thi, các thi sinh không phải điền vào những thông tin như công việc hiện tại hay bằng cấp.

Trước đây, một nghiên cứu được thực hiện bởi 8 cộng đồng CFA ở vùng Trung Tây (Mỹ) đã chỉ ra rằng ở Chicago, những charter holder (người đã thi đỗ cả 3 cấp độ, đóng phí hội viên và đáp ứng một số tiêu chuẩn khác về đạo đức và nghề nghiệp) và đã tốt nghiệp đại học có thu nhập trung bình vào khoảng 154.000 USD – cao hơn 70.000 USD so với những người cũng tốt nghiệp đại học nhưng không có 3 chữ CFA phía sau tên của họ. Đối với những charter holder có bằng cấp cao hơn đại học, thu nhập trung bình ở mức 215.500 USD – cao hơn 55.500 so với những người không có CFA.

Tuy nhiên, đây là thống kê chưa toàn diện vì không tính đến những yếu tố khác như kinh nghiệm làm việc. Ví dụ, các thành viên của Hiệp hội CFA phải có ít nhất 48 tháng làm việc trong ngành tài chính – đầu tư để có thể trở thành charter holder. Tại nhiều công ty tài chính, nhân viên sẽ được tăng lương đáng kể sau một thời gian nhất định dù có là charter holder hay không.

Trong khi đó một nghiên cứu khác được thực hiện bởi InvestmentNews và công ty tư vấn Moss Adams cho thấy các chuyên gia tư vấn tài chính là charter holder có thu nhập cao hơn khoảng 24% so với những người sở hữu những loại chứng chỉ khác.

Hiệp hội CFA cũng theo dõi số liệu về nơi làm việc của các charter holder và danh sách này được thống trị bởi các ngân hàng lớn nhất thế giới mà đứng đầu là JPMorgan Chase.

Các nhà tuyển dụng cũng thừa nhận chứng chỉ CFA sẽ giúp bạn được tăng lương hoặc có việc làm tốt, đặc biệt là nếu người tuyển dụng cũng là charter holder. Tuy nhiên, hiếm có ai nói rằng chứng chỉ này là thứ thực sự cần thiết. Không ai yêu cầu bạn bắt buộc phải có chứng chỉ CFA cả.

Theo số liệu được Hiệp hội CFA công bố, kỳ thi 2016 ghi nhận số thí sinh ở mức cao kỷ lục: 172.682 người đến từ 183 quốc gia khác nhau. Châu Á chiếm tới 45% số người đăng ký dự thi, châu Mỹ chiếm 33%. Châu Âu, trung Đông và châu Phi chia nhau 22% còn lại.

Mối quan tâm đến kỳ thi CFA tăng mạnh từ sau khủng hoảng tín dụng 2008, khi các ứng viên trẻ tuổi muốn tìm cách làm đẹp hồ sơ tuyển dụng để tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh các ngân hàng cắt giảm mạnh việc làm. Gần 142.000 thí sinh đã dự thi năm đó, tăng 30% so với 2007. Cùng với đó số tiền Hiệp hội CFA thu được đã tăng 34% trong giai đoạn 2010 – 2015.

Khảo sát của Hiệp hội cho thấy “phát triển nghề nghiệp” là động lực hàng đầu khi tham dự thi CFA của các thí sinh năm 2015. 11% nói rằng họ thi CFA để có được 1 việc làm. Một số người coi đây là cơ hội để nâng cao kỹ năng hay “thử thách bản thân”.

Lệ phí dự thi cơ bản cho mỗi cấp độ dao động từ 825 đến 860 USD, để chi trả cho tiền sách, kế hoạch học tập và các bài thực hành. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng cái giá phải trả thực sự nằm ở thời gian mà bạn phải bỏ ra.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên