Đẩy nhanh dự án của Thaco, Vinfast để nâng tỉ lệ nội địa hoá ôtô
Dù đóng góp hàng tỉ USD vào ngân sách Nhà nước, góp phần giảm nhập siêu nhưng tỉ lệ nội địa hoá ôtô của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp, chưa xứng với kỳ vọng đề ra.
- 03-05-2019Ông Võ Quang Huệ: Với kỷ lục 21 tháng từ khi khởi công đến vận hành, VinFast sẽ tạo nên kỳ tích mới cho ngành công nghiệp ô tô thế giới
- 30-04-2019Thaco và VinFast nhìn từ bài học phát triển công nghiệp ô tô của "Detroit châu Á" và chaebol lớn thứ hai Hàn Quốc
- 19-04-2019Dư địa tăng trưởng ngành còn rất lớn, VEA, THACO, VinFast được đánh giá như thế nào?
Tỷ lệ nội địa hoá xe cá nhân chỉ đạt 7%
Trong báo cáo mới đây gửi Quốc hội, Bộ Công Thương cho biết, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 2 năm trở lại đây. Năm 2017, số lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đạt 258,7 nghìn xe. Năm 2018, sản lượng tiếp tục được duy trì đạt trên 250,1 nghìn xe/năm.
Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ… Ngành ôtô đã đóng góp hàng tỉ USD vào ngân sách Nhà nước, góp phần giảm nhập siêu.
Tuy nhiên, ngành vẫn chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ôtô và sản xuất phụ tùng linh kiện; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn. Do đó, tỷ lệ nội địa hóa của một số dòng xe còn đạt thấp so với mục tiêu đề ra.
Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi chỉ đạt bình quân khoảng 7 - 10%, thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010.
Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: săm, lốp ôtô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa... Có tới 80 - 90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật cao hiện phải nhập khẩu. Vật liệu làm khuôn mẫu chủ yếu cũng phải nhập khẩu. Hàng năm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng 2 - 3,5 tỉ USD các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất lắp ráp và sửa chữa xe.
"Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65 - 70%, Thái Lan đạt tới 80%. Như vậy, nếu các nhà sản xuất ôtô trong nước không sớm có giải pháp hữu hiệu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chắc chắn sẽ khó lòng cạnh tranh với thị trường khu vực khi AFTA có hiệu lực", báo cáo nêu.
Bộ đề xuất thành lập tổ công tác liên ngành
Để phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, gắn liền với mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp ôtô, Bộ Công Thương đề xuất thành lập Tổ công tác liên ngành đánh giá việc thực hiện Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.
Bộ cũng đề xuất xây dựng Nghị định về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô. Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét,
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp ôtô và công nghiệp hỗ trợ qua đó tăng tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam theo hướng: Tận dụng cơ hội thị trường do các chính sách vừa ban hành.
Theo đó, bộ chủ trương tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh dự án của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco), Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công, Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Vinfast và các dự án khác. Đây là những tín hiệu tốt cho việc gia tăng sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian tới.
Nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỷ lệ nội địa hóa cao.
Về dài hạn, có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN, xe điện và xe khách (buýt) thân thiện môi trường trong nội đô các thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,…
Lao động