Đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang
Ngày 30/6 tới đây, các địa phương tại tỉnh Khánh Hòa phải hoàn thành bàn giao mặt bằng cho dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang. Thế nhưng, cho đến nay, việc bàn giao mặt bằng mới đạt gần 80%. Các địa phương đang khẩn trương thi công khu tái định cư, thậm chí tính đến phương án tạm cư để bàn giao mặt bằng đúng hạn.
- 23-06-2023Tổng thống Hàn Quốc nói gì với phái đoàn 205 doanh nghiệp có Samsung, SK, Hyundai... về việc đầu tư vào Việt Nam?
- 23-06-2023Tổng cục Thuế yêu cầu NHTM cung cấp thông tin giao dịch, số dư... phục vụ thanh kiểm tra thuế trong thời hạn 10 ngày
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vân Phong - Nha Trang thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam dài hơn 83km, nằm toàn bộ trên địa phận tỉnh Khánh Hòa. Dự án được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước, khởi công từ đầu năm 2023. Cho đến nay, dự án này đang gặp nhiều khó khăn, phát sinh một số điểm nghẽn nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án vào đầu năm 2026.
Theo kế hoạch, toàn dự án cần giải phóng mặt bằng hơn 600 héc ta với hơn 2.700 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó, hơn 200 hộ dân thuộc diện tái định cư. 4 huyện, thị xã dọc tuyến đang xây dựng 6 khu tái định cư để ổn định nơi ở mới cho các hộ dân bị giải tỏa. Mốc thời gian 30/6/2023 không còn nhiều nhưng đến nay, các địa phương mới chi trả tiền đền bù cho 80% số hộ dân bị ảnh hưởng. Hiện mới có huyện Khánh Vĩnh hoàn thành khu tái định cư, 4 khu tái định cư của các địa phương khác phấn đấu hoàn thành trước 30/6, riêng Khu tái định cư 2/9 tại huyện Vạn Ninh dự kiến đến 20/8/2023 mới hoàn thành. Do các khu tái định cư chưa xây dựng xong, chưa thể giao đất cho người dân nên thị xã Ninh Hòa đã đề nghị tỉnh Khánh Hòa cho phép địa phương ban hành quyết định thu hồi đất trước khi giao đất tái định cư để bảo đảm mốc thời gian bàn giao mặt bằng ngày 30/6.
Ông Bùi Bức, ở thôn Phước Lâm, xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa cho biết, gia đình bị giải tỏa hơn 1 ngàn mét vuông. Ông Bức đề nghị, các khu tái định cư cần phải được xây dựng đảm bảo chất lượng để người dân yên tâm xây nhà ở, ổn định cuộc sống lâu dài: “Người dân ai cũng mong muốn đền bù sao cho đủ tiền xây cất nhà, ổn định cuộc sống. Nhà nước phải kiểm tra, giám sát cho bà con có mặt bằng ổn định. Chứ bây giờ, khu tái định cư cứ ra đó móc móng, xây móng nếu nó sập mình phải chịu. Chứ tui đâu có giám sát công trình đâu mà biết.”
Không chỉ vướng mắc về khu tái định cư, đến nay, nhiều mũi thi công trên dọc tuyến hơn 83km của dự án Vân Phong - Nha Trang cũng đang gặp nhiều vướng mắc. Nổi cộm là mặt bằng giải phóng không liên tục, việc làm đường công vụ, tiếp cận công trường gặp nhiều khó khăn. Cầu Khánh Bình tại huyện Khánh Vĩnh dài hơn 650m là cây cầu dài nhất trong dự án, địa hình phức tạp đến nay vẫn chưa triển khai thi công. Nguyên nhân chính là khu vực này nằm trên đất rừng sản xuất của Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Trầm Hương. Các cơ quan chức năng cần có thời gian để làm thủ tục thanh lý tài sản cây rừng.
Ông Trần Minh Tân, Chỉ huy trưởng của nhà thầu Vinaconex cho biết: "Phần đường có 1-2 vị trí vướng, công ty đã vận động người dân, hỗ trợ đền bù để thi công, tương đối đầy đủ rồi. Còn về cầu, có 2 cầu dài nhất của Vinaconex đều vướng mặt bằng, phải ngồi chờ. Vướng chỗ đất liên quan đến việc trồng cây gió bầu. Cầu Khánh Bình đang vướng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng".
Đến thời điểm này, vẫn còn khoảng 20% diện tích mặt bằng chưa được người dân bàn giao. Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các địa phương khẩn trương vận động người dân bàn giao mặt bằng cho dự án trước ngày 30/6. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư, vận động, có phương án tạm cư cho dân. Đối với các mũi thi công, Ban Quản lý dự án 7 thuộc Bộ Giao thông- Vận tải phân loại và xử lý từng điểm nghẽn, đảm bảo tiến độ thi công.
Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Các hộ dân, người ta cũng chưa đồng tình với giá đất. Phần còn lại khoảng 20% số diện tích cũng rất khó khăn. Yêu cầu các địa phương phải phân tích khó khăn, những vấn đề nào là chủ quan thuộc về địa phương thì phải trực tiếp tháo gỡ. Những vướng mắc liên quan đến UBND tỉnh thì phải tham mưu để tháo gỡ. Tuy rằng, chúng ta chưa bàn giao hết được 100% diện tích cho nhà thầu thi công nhưng tất cả những vấn đề vướng mắc, nút thắt cho các nhà thầu thi công, chúng ta phải tháo gỡ. Không để phần còn lại chưa bàn giao mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ thi công của nhà thầu”.
VOV