Đây sẽ là Netflix của thế giới game?
Tháng 10 năm ngoái, Google đã thử nghiệm Project Stream, một nền tảng chơi game trên đám mây để phát trực tuyến các trò chơi video cao cấp trong Chrome.
- 26-03-2019Chân dung streamer giàu nhất thế giới: 27 tuổi lọt top Forbes 30 Under 30, kiếm 500.000 USD/tháng nhờ chơi game trên giường ngủ
- 19-09-2018Chơi trong phòng ngủ, game thủ nhận số tiền kỷ lục 40.000 USD chỉ trong một trận đấu
- 03-09-2018Trung Quốc siết quản lý game trực tuyến, Tencent mất 20 tỷ USD vốn hóa một ngày
- 16-08-2018Thị trường game Trung Quốc loay hoay với bài toán tăng trưởng
- 28-05-2018Game miễn phí này mang về hàng tỷ USD doanh thu, cách nhà phát hành kiếm tiền sẽ làm bạn bất ngờ
Lần chạy thử đầu tiên đó đã cho phép game thủ chơi trò Assassin’s Creed Odyssey ở tốc độ 60 khung hình/giây (fps) trên độ phân giải 1080 pixel, rất ấn tượng so với các dịch vụ chơi game trên đám mây khác.
Đó là lý do tại sao không có gì đáng ngạc nhiên khi Google công bố Stadia, một nền tảng chơi game trên đám mây mới, sẽ phát trực tuyến các trò chơi video trên nhiều loại thiết bị có tốc độ 60 khung hình/giây và độ phân giải 1080 pixel như Project Stream. Google hiện đang lên kế hoạch tăng các thông số kỹ thuật đó lên tới 120 khung hình/giây với độ phân giải 8K, vượt khả năng của bất kỳ máy chơi game hiện đại nào.
Những gì chúng ta biết về Stadia cho đến nay
Google muốn Stadia trở thành một nền tảng "tất cả trong một" để chơi, xem và phát triển trò chơi khi nó xuất hiện vào cuối năm nay. Họ cũng muốn nền tảng này cung cấp khả năng chơi đa nền tảng với máy tính cá nhân và các máy chơi game khác, nhưng không rõ liệu các nhà sản xuất máy chơi game như Microsoft và Sony có sẽ chơi tốt với dịch vụ mới này không.
Các game thủ sẽ có thể sử dụng bộ điều khiển dùng để chơi game của riêng mình, nhưng Google cũng đang tung ra bộ điều khiển Stadia chuyên dụng liên kết với nhiều thiết bị. Bộ điều khiển này cũng có nút Google Assistant chuyên dụng để truy cập các gợi ý và video hướng dẫn.
Doom Eternal, game bắn súng sắp tới của Id Software, sẽ được ra mắt trên Stadia, cùng với các máy chơi game lớn khác và Windows. Google cũng có kế hoạch tung ra nhiều trò chơi hơn từ đơn vị Stadia Games & Entertainment mới thành lập của họ. Không rõ Stadia sẽ có giá bao nhiêu dành cho các game thủ, nhưng các dịch vụ tương đương thường có giá từ 5 đến 30 USD mỗi tháng.
Tạo ra "Netflix của thế giới game"
Ý tưởng cung cấp một "Netflix dành cho trò chơi" dựa trên số lượng người đăng ký của Google không phải là mới.
Năm năm trước, Sony đã tham gia vào thị trường này bằng sản phẩm PS Now, cho phép các game thủ truyền hơn 750 trò chơi PS3, PS3 và PS4 sang máy chơi game PS4 và PC Windows với giá 20 USD mỗi tháng. Còn NVIDIA thì đang thử nghiệm phiên bản beta của GeForce Now, cho phép chủ sở hữu máy tính cá nhân phát trực tuyến các trò chơi dựa trên đám mây. Các nền tảng phát trực tuyến ít được biết đến hơn gồm có Jump và Shadow của Blade, có giá lần lượt là 5 USD và 30 USD mỗi tháng.
Xbox Game Pass của Microsoft không phải là dịch vụ đám mây, nhưng nó cho phép các game thủ tải xuống và cài đặt số lượng trò chơi không giới hạn với giá 10 USD mỗi tháng. Microsoft cũng đang phát triển một nền tảng chơi game trên nền tảng đám mây có tên là Project xCloud.
Tất cả các dịch vụ đám mây này hoạt động theo cùng một nguyên tắc: Một trò chơi được lưu trữ từ xa trên một máy chủ mạnh. Máy chủ này sẽ phát video trực tiếp cho người chơi và người chơi sẽ điều khiển trò chơi đó như một video tương tác trực tiếp. Trên một mạng internet tốc độ cao, mọi chuyện sẽ diễn ra "mượt mà" như một trò chơi được cài đặt cục bộ.
Theo cách này, những yêu cầu về phần cứng như CPU, GPU và RAM đắt tiền không còn quan trọng nữa. Trò chơi cũng luôn được cập nhật trên máy chủ, vì vậy các game thủ sẽ không phải xử lý những bản cập nhật dài lê thê trước khi chơi. Bất kỳ thiết bị nào có màn hình và kết nối internet tốt đều có thể chơi các trò chơi "AAA" ở mức cài đặt cao cấp.
Liệu Google có thể phá bĩnh ngành công nghiệp game?
Sự gia nhập của Google vào thị trường trò chơi đám mây với Project Stream và Stadia đã diễn ra nhanh chóng và thông số kỹ thuật của nó ấn tượng hơn nhiều so với thông số kỹ thuật của các nền tảng được thiết lập tốt hơn. Chẳng hạn, PS Now hiện vẫn phát trực tuyến hầu hết các trò chơi của họ ở 720 pixel.
Do đó, khả năng để Google phá bĩnh thị trường trò chơi đám mây còn non trẻ (và có thể là cả máy chơi game và máy tính cả nhân) bằng Stadia là điều hoàn toàn có thể - nếu họ đảm bảo có được nhiều nhà xuất bản game hơn, đưa ra giá cạnh tranh cho dịch vụ này và tiếp thị nó đến người tiêu dùng chính thống một cách thông minh.
Rủi thay, thực hiện việc giới thiệu sản phẩm mới và duy trì sự quan tâm của công chúng chưa bao giờ là những điểm mạnh nhất của Google. Google+ đã không thể phá bĩnh thị trường mạng xã hội, YouTube Red vẫn còn nhỏ hơn nhiều so với Netflix và một danh sách dài các nền tảng nhắn tin đã chết của họ (gồm cả Allo và Hangouts) cho thấy rằng họ quan tâm đến việc tung ra các sản phẩm mới hơn là nuôi dưỡng chúng.
Tuy nhiên, Google dường như đã suy nghĩ rất nhiều về sự phát triển của Stadia và các máy chủ đám mây nội bộ của nền tảng này có thể mang lại lợi thế cho họ trước những nền tảng đối thủ như PS Now và GeForce Now. Nếu Stadia thành công, nó có thể đe dọa các nhà sản xuất máy chơi game truyền thống, những nhà sản xuất GPU như NVIDIA và thậm chí Twitch của Amazon - nhưng thời gian sẽ cho biết những kế hoạch lớn của họ có cho kết quả tốt hay không.