MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dậy sóng chồng “tố” bị vợ tương tác vào ngày nhận lương: Tiền vào tài khoản của mình, phải lấy trộm để tiêu

31-05-2024 - 20:38 PM | Sống

Khi tiếng "ting ting" đến cũng là lúc sóng gió bắt đầu.

"Hôm nay cuối tháng, lương đâu anh?", "Bao giờ anh mới có lương"...

Cuối tháng với hội độc thân mà nói, có lẽ là 1 ngày vui để xoã vì mới nhận lương từ công ty, có thể dùng vào việc cá nhân sau khi thanh toán các chi phí sinh hoạt cố định. Song với những người có gia đình, nhận lương về đồng nghĩa với việc tạm biệt luôn số tiền ấy vì trăm nghìn thứ phải chi ra.

Chuyện vợ hỏi lương chồng hay vợ nắm tài chính cuối tháng chồng phải nộp lương vốn không có gì quá lạ lẫm vì phụ nữ thường đóng vai trò "tay hòm chìa khoá" trong gia đình. Đặc biệt là các cặp vợ chồng 8X, 9X... 

Thế nhưng mới đây, có 1 phóng sự đã phản ánh chuyện này dưới góc độ "bạo lực gia đình". Những người đàn ông đôi gặp vấn đề tâm lý vì bị vợ thường xuyên "tương tác". Nhẹ thì bị chì chiết, trách móc liên tục, nặng hơn thì bị bạo lực về kinh tế như tịch thu hết tiền, kiểm soát toàn bộ chi tiêu,... 

Đó là nội dung trong phóng sự với tiêu đề: "Khi đàn ông bị… bạo lực" của Đài phát thanh - Truyền hình Hà Nội, thu hút sự quan tâm của rất nhiều cư dân mạng. 

Nhiều người bàn luận về chủ đề này bởi đây là những điều không hiếm gặp trong cuộc sống thường ngày. Có người thấu hiểu, chung cảm nhận vì đã từng trải qua, có người lại đưa ra lời khuyên, các cách để cuộc sống hôn nhân trở nên hoà hợp, bình đẳng hơn.

Theo đó trong phóng sự, anh Lê Đình Đạo (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ lại chính câu chuyện trong gia đình của mình. Hai vợ chồng đôi khi cũng có những xô xát nhưng vì là đàn ông, tay chân khoẻ mạnh nên anh Đạo thường hay nhường. Tuy nhiên, anh Đạo cũng cho hay vì thấy mình nhẫn nhịn nên phụ nữ lại được đà làm tới, tay chân khua vào mặt, vào người nhưng vẫn phải chấp nhận.

Dậy sóng chồng “tố” bị vợ tương tác vào ngày nhận lương: Tiền vào tài khoản của mình, phải lấy trộm để tiêu- Ảnh 1.

Vừa phụ giúp công việc kinh doanh cho vợ, về nhà vẫn làm đầy đủ từ nấu nướng, dọn dẹp,...

Anh Đạo cũng cho hay mỗi ngày ngoài kinh doanh đều làm các công việc nhà như dọn dẹp, nấu nướng, rửa bát,.. Do đó một ngày đi làm về mà được nghỉ ngơi tay chân với anh Đạo là hiếm có. Không những vậy, mọi chi tiêu cũng đều bị vợ tra hỏi tận nơi dù đó là tiền mình làm ra.

"Tiền lương vào tài khoản mình nhưng đôi khi vợ phải biết hết được cái thông tin như là: Anh có bao nhiêu, hàng tháng anh tiêu bao nhiêu, tiền này anh tiêu làm gì và tại sao phải tiêu tiền này. Đó là những cái khiến mình cảm thấy rất bức xúc vì tự mình phải lấy trộm những đồng tiền của mình.

Từ trước đến giờ mọi người hay nói về quỹ đen, nói thật sự mình không bao giờ nghĩ đến. Thế nhưng trong cuộc sống hôn nhân, cuộc sống gia đình, chịu quá nhiều những áp lực từ vợ nên mình bắt buộc phải xây dựng cho mình một cái quỹ đó. Mà phải tiêu giấu diếm bằng những đồng tiền của mình nhiều khi thấy rất ức chế, khó chịu", anh Đạo nói về những áp lực trong kinh tế khi bị kiểm soát quá chi li.

Không chỉ anh Đạo, mà nhiều người đàn ông khác trong phóng sự cũng có những nỗi niềm riêng khi bị bạo lực tinh thần. Phần lớn, các vụ cãi vã, xô xát trong gia đình đều xuất phát từ vấn đề kinh tế, tiền bạc. Có những người thu nhập thấp hơn vợ, không có tiếng nói, đành im lặng chấp nhận nghe mọi lời mắng chửi, chì chiết.

Dậy sóng chồng “tố” bị vợ tương tác vào ngày nhận lương: Tiền vào tài khoản của mình, phải lấy trộm để tiêu- Ảnh 2.

Nhiều người cũng bày tỏ sự bức xúc khi phải chịu những cơn "thịnh nộ", kiểm soát từ vợ

Cánh mày râu cũng cho rằng đôi khi phụ nữ đang hơi lạm dụng quyền bình đẳng giới. Tuy nhiên, họ cũng muốn người bạn đời của mình hiểu rằng đàn ông có thể chấp nhận, nhẫn nhịn nghe phụ nữ "xả" về những bức xúc ngoài xã hội nhưng sức chịu đựng của ai cũng có giới hạn, đừng tạo áp lực quá nhiều lên chồng của mình.

Sau khi đoạn phóng sự được phát sóng, rất nhiều ý kiến trái chiều từ cả hội chị em và các anh đàn ông đưa ra. Không ít người cũng trải lòng ngay phía dưới về những câu chuyện mà bản thân trải qua như: Chăm con không đúng cũng bị vợ mắng, đi làm về mệt vẫn dọn dẹp nhà cửa vẫn chưa đủ khiến bà xã hài lòng hay có bao nhiêu tiền đều phải "nộp", mỗi tuần chỉ được tiêu từng này tiền,...

Song, một số người cũng phản bác lại rằng việc vợ quản lý chi tiêu trong gia đình cũng không phải điều gì quá đáng. Bởi vợ không cầm tiền đó để đi uống bia, đi mua sắm, chơi bời mà đều chăm chút cho chồng, con. Tuy nhiên, cộng đồng mạng đều đồng tình cho rằng cả vợ và chồng đều cần những sự tôn trọng, nhẫn nhịn dành cho nhau. Không nên vì những áp lực, bức xúc trong công việc mà đem về nhà để "xả" hay cãi cọ, xô xát. Thay vào đó nên cùng nhau chia sẻ, thấu hiểu cho đối phương, nhẹ nhàng giải quyết những mâu thuẫn hôn nhân.

Một số bình luận của cộng đồng mạng:

- "Bạo lực nam giới có thể không phải thể xác đau đớn mà đa phần là tổn thương tinh thần. Áp lực về gia đình, xã hội,... nam giới đôi khi họ bỏ qua vì biết bản bản chất người phụ nữ là vậy. Tuy nhiên vẫn có sự không kiềm chế được bức xúc dồn nén quá lâu nên dễ dẫn đến hậu quả khó lường".

- "Nhiều chị em cũng kiểm soát hơi quá đáng. Kiểm tra điện thoại, nói nhiều, hung dữ, nạt nộ, giữ tiền,... làm quá thì đàn ông cảm thấy chán nản và áp lực. Thời gian dài gây ra nhiều mâu thuẫn rồi rạn nứt, không hạnh phúc như ban đầu".

- "Mình nghĩ phụ nữ hay đàn ông gì cũng vậy, sống phải thấu hiểu nhau, chia sẻ cùng nhau và tử tế với nhau. Phải bình đẳng thì hôn nhân mới lâu dài".

- "Không phải cứ động tay động chân mới là bạo lực đâu mọi người. Nhiều khi tổn thương tâm lý nó kinh khủng lắm. Đàn ông hay phụ nữ đều như nhau cả, nên tôn trọng và thấu hiểu đối phương".

- "Ai cũng đều không thích sự gia trưởng, dù đó là phụ nữ hay đàn ông".

Theo Hải My

Phụ nữ số

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên