MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đẩy VN-Index vượt 600 điểm, P-Notes đang mua cổ phiếu nào?

Để lên trên 610 điểm, chỉ số VN-Index đã nhờ đến một số cổ phiếu ngân hàng. Nhưng trước đó, VN-Index đã vượt qua mốc 600 điểm nhờ sự giúp sức của dòng tiền P-notes.

P-notes –mới nhưng không lạ

Theo một báo cáo công bố đầu tháng 5, CTCK BIDV (BSC) lý giải rằng việc nước ngoài mua ròng trong tháng 4 được cho là do dòng tiền P-notes được quản lý bởi các ngân hàng đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam trong bối cảnh dòng vốn ngoại từ ETF và các quỹ hiện hữu khá im ắng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Khối ngoại tập trung mua vào các cổ phiếu Bluechip nên tạo hiệu ứng tăng điểm cho các chỉ số.

Chứng chỉ tham gia đầu tư P-notes, hay participatory notes, là một dạng công cụ tài chính phái sinh được phát hành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài bởi các tổ chức đầu tư hoạt động ở các thị trường chứng khoán mới nổi.

Dựa trên một danh mục cổ phiếu (thường là những cổ phiếu lớn, có thanh khoản tốt, mang tính đại diện thị trường) đang nắm giữ, tổ chức tài chính hoạt động tại thị trường đó sẽ phát hành P-notes cho nhà đầu tư nước ngoài không muốn hoạt động hoặc không có điều kiện đầu tư trực tiếp vào thị trường đó. Phí quản lý P-notes thường dưới 1%, tùy theo mức độ rủi ro của các thị trường. Các quỹ đầu tư nước ngoài ở Việt Nam thường tính phí từ 1,5-2,5%.

Về ưu điểm của P-notes, đây là một dạng công cụ phái sinh nhưng lại hầu như không có những tính chất của các loại công cụ phái sinh khác như Hợp đồng hoán đổi, Hợp đồng quyền chọn hay Hợp đồng tương lai phổ thông nên nguy cơ tạo ra những biến động bất lợi khó dự báo từ công cụ này không lớn lắm. Ngoài ra, do P-notes dễ mua dễ bán, nên việc huy động vốn qua P-Notes trở nên dễ dàng hơn. Dòng vốn từ P-notes thường chỉ mang tính chất ngắn hạn, khó nắm bắt, nhưng có thể góp phần tạo thanh khoản cho thị trường, vì P-notes chỉ mua bán các cổ phiếu blue-chip.

Về nhược điểm, giao dịch của khối ngoại qua P-notes có quy mô quá lớn quá sẽ là nguy cơ tiềm ẩn cho thị trường, có thể tạo ra những cú sốc lớn.

BSC cho biết P-notes đã xuất hiện ở Việt Nam trong thời gian dài, nhưng thu hút sự chú ý của thị trường vào nửa cuối 2009 và 2010, đóng góp cho mức mua ròng kỷ lục hơn 15.250 tỷ đồng của khối ngoại trong năm 2010.

P-notes đang mua cổ phiếu nào?

Dòng tiền P-notes đã có dấu hiệu đầu tư mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu tháng 4/2016. Nhưng câu hỏi nhiều nhà đầu tư băn khoăn là P-notes đang mua những cổ phiếu nào.

Theo ông Bùi Huy Hoàng, một nhà quản lý quỹ cấp cao cho một quỹ đầu tư của Nhật Bản, cho biết dòng tiền P-notes đã bắt đầu giải ngân trở lại từ cuối năm 2014 khi mức độ lạm phát và việc phá giá đồng VND không còn gay gắt nữa. Hoạt động mua của P-notes rõ nét nhất là từ đầu năm 2016, với khối lượng mua tương đối lớn.

Dòng tiền đầu cơ của khối tổ chức nước ngoài này xoáy vào các cổ phiếu có trọng số vốn hóa lớn, gồm 5 cổ phiếu trong rổ MSCI của Việt Nam.

“GAS, BVH, VCB, VIC và MSN là những cổ phiếu họ (P-notes) đang mua suốt từ tháng 4, lên họ cũng mua, xuống họ cũng mua, gần như không bán. Quy mô có thể lên đến 2.000 tỷ đồng,” ông Hoàng chia sẻ.

Nhà quản lý quỹ này lưu ý thêm rằng nhiều công ty quản lý quỹ đều có hệ thống đo dòng tiền của các quỹ nước ngoài. P-notes là dòng tiền được các nhà đầu tư nước ngoài ủy thác đầu tư trực tiếp vào Việt Nam thông qua các ngân hàng nước ngoài đã hoạt động lâu dài tại Việt Nam. P-notes chỉ tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, để vào được và ra được nhanh chóng.

Ông Hoàng cho biết không mua thỏa thuận, mà giải ngân trực tiếp trên sàn, đặc biệt là BVH và VIC. Kể cả khối ngoại có bán VIC, chủ yếu bán thỏa thuận, nhưng trong phiên P-notes vẫn mua trực tiếp trên sàn.

Việc P-notes mua 5 cổ phiếu lớn, theo nhà quản lý quỹ này, là vì thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được nâng từ thị trường cận biên lên thành thị trường mới nổi. Khi chứng khoán phái sinh được triển khai vào tháng 7 tới, nó sẽ giúp dòng tiền khối ngoại theo trường phái đầu tư tăng trưởng vào thị trường chứng khoán Việt Nam rất mạnh.

“P-notes đi tắt đón đầu. Họ biết khi thị trường phái sinh triển khai vào tháng 7 tới, sẽ có 1 lượng vốn ngoại thực sự, vốn ngoại lâu dài đến Việt Nam. Nên P-notes mua trước.”

Tuy nhiên, dòng tiền P-notes “không đánh vào các cổ phiếu đầu cơ” hay những cổ phiếu có vốn hóa nhỏ hơn như CTG, BID, HSG, HPG hay MBB.

P-notes đẩy VN-Index lên trên 600 điểm, nhưng…

Mặc dù góp phần đẩy chỉ số VN-Index lên trên 600 điểm, nhưng việc chỉ số này tiếp tục tăng lên các mốc cao hơn được cho là có sự góp sức của cổ phiếu ngành ngân hàng.

“P-notes có vai trò kéo thị trường bứt qua ngưỡng 600 điểm, còn từ 600 điểm đến giờ lại có sự ủng hộ của cổ phiếu ngành ngân hàng,” ông Hoàng đánh giá.

Chỉ số VN-Index ngày 11/5 đã tăng vọt hơn 9 điểm lên 614,06 điểm – mức cao nhất kể từ ngày 5/11/2015.

Ông Hoàng cho rằng dòng tiền vào cổ phiếu vào các ngân hàng như VCB, CTG và BID là do khối ngoại tìm cách nắm bắt cơ hội khi sắp tới các ngân hàng thuộc khối quốc doanh sẽ hạ tỷ lệ sở hữu nhà nước và bán cổ phiếu cho nước ngoài. Đó mới thực sự là quỹ ngoại đầu tư lâu bền, lâu dài ở Việt Nam.

Nhà quản lý quỹ này cho rằng “P-notes đến tầm này đã xong vai trò rồi. Các cổ phiếu P-notes mua đã tăng gần 20% về giá rồi, lúc này mức độ hấp dẫn không còn mấy”.

Theo Trung Nghĩa

Người đồng hành

Trở lên trên