ĐBQH đề nghị làm rõ nguyên nhân nhà đầu tư không mặn mà với các dự án cao tốc
Nhàđầutư Việc xã hội hóa các dự án từ khi Luật PPP sửa đổi, bổ sung đến nay vẫn bộc lộ trì trệ, bất cập. Trước nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu đã đề nghị Chính phủ cần phải đánh giá lại nguyên nhân việc thu hút vốn đầu tư với sự đóng góp của doanh nghiệp, người dân.
Thảo luận trước nghị trường, ĐBQH Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng tháp chia sẻ một phần nguyên nhân các dự án kém hấp dẫn đầu tư tư nhân, đó là nhà đầu tư cho rằng, nhiều dự án đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam dễ thực hiện trong giải phóng mặt bằng, lưu lượng giao thông đông đúc, hiệu quả đầu tư thu hồi vốn nhanh, đáng lẽ ra phải cho nhà đầu tư thực hiện thì lại là đầu tư công. Các dự án khó khăn trong giải phóng mặt bằng, vùng sâu, vùng xa, ít lưu lượng giao thông thì kêu gọi nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, một số dự án BOT trong thời gian qua chưa thu phí được do người dân lẫn chính quyền chưa đồng thuận thu. Đề nghị ngành chức năng sớm giải quyết dứt điểm, bảo đảm hài hòa lợi ích cho nhà đầu tư và người dân.
"Để giải quyết bất cập trong đầu tư PPP, tôi đề nghị tách phần vốn giải phóng mặt bằng ra khỏi tổng vốn đầu tư chung; phần vốn không quá 50% theo quy định của pháp luật sẽ cùng với nhà đầu tư tổ chức thực hiện, vì vốn giải phóng mặt bằng hiện nay rất cao, suất đầu tư lợi nhuận mang lại hiệu quả thấp", đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị.
Riêng đối với các đường cao tốc, vị đại biểu đoàn Đồng tháp cũng kiến nghị cần đầu tư 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp, không nên đầu tư 2 làn, gây lãng phí vốn, mất thời gian, thủ tục, như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Điển hình như đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ có 2 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp, khi có tai nạn giao thông xảy ra gây ách tắc, rất khó cho việc cứu hộ, cứu nạn. Nếu kinh phí đầu tư còn hạn chế, cũng nên giải phóng mặt bằng trước làm quỹ đất dự trữ, sau này mở rộng cho dễ dàng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề nghị nghiên cứu xây dựng cầu cạn đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long thay cho việc xây dựng đường trên nền đất hiện nay. Đại biểu lý giải, có thể suất đầu tư sẽ cao nhưng không tốn kém vật tư, cát, đất xây dựng, không mất nhiều diện tích đất nông nghiệp, không ảnh hưởng đến giao thông thủy lợi, không phải xây dựng đường dân sinh, người dân được sinh hoạt bên cầu cạn bình thường.
Cũng liên quan đến các dự án cao tốc, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận - đoàn Cà Mau đánh giá, cao tốc từ TP.HCM đến mũi Cà Mau còn có những bất cập nhất định. đoạn TP.HCM - Trung Lương từ khi bỏ thu phí đến nay mặt đường đang bị xuống cấp, trong khi đó, lưu lượng xe cộ lưu thông lớn, dẫn đến tình trạng lộn xộn, thường xuyên tắc đường và mất an toàn giao thông.
Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận thì khá hẹp, lại không có làn dừng khẩn cấp.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và Cần Thơ - Cà Mau đang thi công nhưng rất chậm, đặc biệt là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang triển khai khá ì ạch do thiếu cát đất nền.
Từ những nội dung trên, tôi kiến nghị Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư để khởi động lại việc thu phí đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương và dùng nguồn này để tái đầu tư nâng cấp cao tốc TP.HCM - Trung Lương, mở rộng thêm làn dừng khẩn cấp từ Trung Lương đến Mũi Cà Mau và có giải pháp về cát đắp nền cho tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hoặc xây dựng theo hướng cầu cạn như đề xuất của đại biểu Phạm Văn Hòa để các tuyến này hoàn thành đúng tiến độ.
Nhà đầu tư