ĐBQH: Không để đầu tư lớn mà phải bù lỗ khi làm đường sắt tốc độ cao
Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, cần có phương án triển khai hiệu quả đường sắt tốc độ cao, không để đầu tư lớn mà khai thác không hiệu quả, phải bỏ tiền ra bù lỗ.
- 21-11-2024Tín hiệu xấu từ nhiều doanh nghiệp Nhà nước
- 21-11-2024Hà Nội thống nhất chủ trương xây 3 cầu 'khủng' vượt sông Hồng
- 20-11-2024Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng: 'Chỗ nào rẻ không bị ràng buộc thì mới vay'
Chiều 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Phát biểu ý kiến, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) tán thành với chủ trương đầu tư dự án với tinh thần "bàn làm chứ không bàn lùi". Đây là xu thế phát triển đất nước, là bước chuẩn bị, đột phá chiến lược để nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển.
Về tổng thể quy hoạch, đại biểu đề nghị cân đối có sự hài hòa giữa các loại hình giao thông đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bộ. Bởi hiện nay có những khu vực, dải miền Trung hầu như tỉnh nào cũng có cảng hàng không.
Cũng theo đại biểu, khi xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam, cần tính toán việc khai thác các cảng hàng không, đường bộ và đường thủy không bị lãng phí.
Về khả năng cân đối nguồn vốn, đại biểu cho biết dự án đang đặt trong tổng thể mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao. Với 6 năm còn lại thì khả năng cân đối nguồn vốn để vừa phát triển kinh tế - xã hội, các công trình dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia là một bài toán khó.
Đại biểu nhấn mạnh cần có phương án triển khai, khai thác thực sự hiệu quả từ khâu lựa chọn công nghệ cho đến phân kỳ phù hợp. Đặc biệt, cần chú ý khâu tổ chức thực hiện để làm sao tránh đội vốn, bù lỗ sau này; không để đầu tư thì lớn mà khai thác không hiệu quả, phải bỏ tiền ra bù lỗ.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) nêu thực tế, việc triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị thời gian qua gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tăng vốn, kéo dài thời gian hoàn thành, thực tế vấn đề này cũng thường xảy ra ở nhiều dự án đầu tư công. Đại biểu đoàn Đắk Nông cũng bày tỏ băn khoăn về nguồn vốn đầu tư cho dự án. Theo đó, Chính phủ cần cung cấp thêm thông tin về khả năng thu xếp, cân đối vốn để đáp ứng nhu cầu.
“Vốn bố trí từ ngân sách Nhà nước, vốn vay cả nước ngoài lẫn trong nước, vốn kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp trong nước, ngoài nước và các nguồn khác là bao nhiêu? Để từ đó đánh giá khả năng trả nợ, sức chịu đựng của nền kinh tế?...”, đại biểu nêu vấn đề. Tiếp đến, nhu cầu dự án cần sử dụng lượng xi măng, sắt thép, cát rất lớn, trong thời gian dài, trong khi đó, thời gian tới có nhiều dự án xây dựng đường cao tốc, công trình xây dựng đồng loạt triển khai thi công.
Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kỹ, đánh giá từng vấn đề cụ thể, chi tiết để có giải pháp hữu hiện khắc phục những tồn tại này để đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch đề ra.
VTC