MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBQH lấy văn hóa đọc của người Nhật, Hàn, Thái nói chuyện đọc của học sinh Việt

Thảo luận tại hội trường xung quanh Dự thảo Luật Thư viện, Đại biểu Quốc hội Lâm Đình Thắng đoàn TP Hồ Chí Minh dẫn chuyện đọc sách của người Hàn, người Nhật, người Thái để nói về những khó khăn của học sinh Việt Nam trong việc đọc.

Theo ông Thắng, thư viện tại các cơ sở giáo dục có tầm quan trọng bậc nhất, có thể tạo nên văn hóa đọc, góp phần xây dựng nhân cách cho thanh thiếu nhi và con người Việt Nam.

"Nhiều nước trên thế giới đầu tư rất mạnh cho thanh thiếu niên trong cơ sở giáo dục. Nhật Bản ban hành luật Thư viện từ năm 1953. Hàn Quốc ban hành luật thư viện trường học năm 1963, bắt buộc mọi trường học phải có thư viện. Một nghiên cứu chỉ ra rằng luật thư viện của Nhật Bản, Hàn Quốc tác động lớn đến thành tích hoạt động của học sinh các nước này", Đại biểu Thắng chia sẻ.

Trong khi đó, tại Đông Nam Á, Malaysia mỗi năm chi 300 triệu USD để mua sách, trong đó có 1/3 số tiền này là kinh phí đầu tư sách cho trường học. Tại Thái Lan, đầu tư sách cho trường học rất cao giúp cho ngành xuất bản nước này đạt doanh số 650 triệu USD, gấp hơn 3,6 lần Việt Nam trong khi dân số của họ chỉ bằng 2/3.

Theo ông Thắng, các quốc gia có điều kiện kinh tế phát triển, từ nhiều năm trước, đều đã có tầm nhìn chiến lược rất chú trọng và đầu tư cho việc đọc, hình thành văn hóa học cho người dân và thanh thiếu nhi. Trong khi đó, thư viện ở cơ sở giáo dục Việt Nam chưa được đầu tư tương xứng.

"Nhiều đơn vị xem thư viện là trái tim của trường học nhưng nhiều đơn vị lại không quan tâm tới phát triển thư viện trong trường học. Có trường bố trí thư viện ở lầu cao nhất hoặc cạnh nhà vệ sinh, không thể phù hợp cho trẻ em đọc sách và tìm thấy sự hứng thú với hoạt động thư viện" vị đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Nói về chuyện đọc ở Việt Nam, ông Thắng cho rằng kinh phí đầu tư ngân sách hàng năm chưa phục vụ nhu cầu. Trung bình, thư viện tiểu học được cấp 8 triệu đồng/năm, không thể đáp ứng được nhu cầu của các em.

Ở nhiều trường học Việt Nam, thư viện chủ yếu được dùng để bán sách giáo khoa, bán dụng cụ học tập. Cán bộ thư viện cơ sở giáo dục hiện nay không có chính sách đảm bảo cuộc sống, tạo động lực nghề nghiệp như không có chế độ thâm niên, phụ cấp đứng lớp. Rất nhiều trường bố trí cán bộ thư viện là giáo viên kiêm nhiệm, giáo viên đứng tuổi, không còn đảm bảo điều kiện đứng lớp.

"Xin đưa ra ví dụ để so sánh. Luật thư viện trường học tại Nhật Bản và Hàn Quốc được ban hành trước đây nửa thập kỷ đều gọi cán bộ thư viện là giáo viên thủ thư và khẳng định vai trò thư viện và giáo viên thủ thư là cực kỳ quan trọng đối với nên giáo dục. Dự thảo luật thư viện hiện hành là bước tiến lớn về đầu tư và tư duy trong phát triển văn hóa đọc của nước ta", ông Thắng chia sẻ và kỳ vọng luật Thư viện được ban hành không chỉ phát triển các cơ sở giáo dục hữu hình mà còn tạo văn hóa đọc của người Việt Nam, từ đó nâng cao dân trí, phát triển nhân cách cho học sinh Việt.

Đưa ra 4 đề suất, ông Thắng cho rằng luật cần bổ sung quy định đưa tiết đọc sách gắn với thư viện vào chương trình học chính; cần yêu cầu tổ chức đọc sách thư viện, đảm bảo tất cả học sinh đều phải đọc; kiến nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội giám sát nguồn chi cho thư viện và kiến nghị nghiên cứu xây dựng Luật Thư viện trường học trên nền tảng của Luật Thư viện.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thư viện.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội trong kỳ họp thứ 7, dự thảo luật mới được đánh giá là có nhiều những thay đổi để phù hợp hơn với đòi hỏi của cuộc sống và nâng cao văn hóa đọc của người Việt. Việc phân biệt thư viện và các phòng độc cơ sở và các dạng tương tự cũng đã được tiếp thu để sửa đổi.

Bên cạnh thư viện công cộng và thư viện trong trường học, luật cũng đã điều chỉnh các quy định với thư viện tư nhân - bao gồm cả thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam. Thư viện tư nhân cũng được nhà nước hỗ trợ nếu đáp ứng tiêu chí "phục vụ cộng đồng không vì mục tiêu lợi nhuận".

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên